HỘI THẢO CƠ SỞ LÝ LUẬN XÂY DỰNG QUY CHẾ MẪU HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Sáng 16/4, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Cơ sở lý luận xây dựng quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương'. Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh – Chủ nhiệm đề tài; Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tạp chí Cộng sản; trường đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;…Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; Hội đồng Nhân dân một số địa phương tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định.

Phát biểu khai mạc Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết, Hội đồng Nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên. HĐND có 02 chức năng: Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và chức năng giám sát.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh – Chủ nhiệm đề tài

Hoạt động của HĐND trong nhiều thập niên vừa qua đã khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, một trong các thành tố quan trọng của chính quyền địa và góp phần quan trọng cho việc xây dựng hệ thống chính trị, thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân trong đó vai trò của cơ quan dân cử, HĐND các địa phương đã thể hiện rất rõ điều đó. Để HĐND thực tốt chức năng, nhiệm vụ cần có quy chế thực hiện và tổ chức hoạt động để tổ chức đó hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, sau khi tổng kết hoạt động HĐND trong những năm vừa qua, quy chế hoạt động của HĐND tại các địa phương được ban hành trên cơ sở từng địa phương thực hiện. Vì vậy, chưa có văn bản hướng dẫn có tính chất về mặt nguyên tắc.

Trước những yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND còn có những hạn chế nhất định chưa thực sự đáp ứng của nhu cầu thực tiễn.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Ban Công tác đại biểu phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo: “Cơ sở lý luận xây dựng Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đại biểu, với tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm cao, quan tâm tập trung thảo luận một số vấn đề sau:

Một là, làm rõ những vấn đề lý luận chung về quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Hai là, thảo luận làm rõ sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý xây dựng Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Ba là, nguyên tắc xây dựng Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Bốn là, nội dung và các yếu tố ảnh hưởng đến việc Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Từ đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kết quả Hội thảo này, Ban Chủ nhiệm đề tài, Ban Công tác đại biểu sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế mẫu hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục cập nhật nội dung Hội thảo…

Ngọc Thúy - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86250