Hồi sinh giấc ngủ trưa để chống chọi nắng nóng 45 độ C
Người dân ở Australia đang tìm cách khôi phục văn hóa ngủ hoặc chợp mắt buổi trưa để tăng khả năng thích nghi với thời tiết, có khi lên đến 45 độ C, ở đây.
Ở vùng khí hậu nóng bức của miền Bắc Australia, máy điều hòa không khí từng là mặt hàng xa xỉ. Những ngôi nhà ở đây được xây dựng để đón gió trời. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi thời tiết nắng nóng ập đến.
Trong vài thập kỷ qua, hầu hết người dân ở các thành phố có nhiệt độ cao như Darwin đã có điều hòa trong nhà. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho thấy tỷ lệ tử vong vì nắng nóng ở Darwin lại cao hơn trong 40 năm nay.
Ngược lại, người dân tộc bản địa ở phía Bắc Australia - phần lớn đang đối mặt với nghèo đói, bệnh tật và điều kiện nhà ở tồi tệ - lại ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Tại sao lại có nghịch lý này?
Theo The Conversation, nếu con người dành cả ngày trong phòng có máy lạnh, họ không chỉ bị cô lập với xã hội và còn khó thích nghi với cái nóng tự nhiên - và điều này khiến họ dễ bị tổn thương khi nhiệt độ lên quá cao. Trong khi đó, những người dân tộc bản địa ở Australia - hầu hết không có khả năng lắp máy lạnh trong nhà - lại được bảo vệ bởi một “loại hình nghệ thuật truyền thống” gọi là ngủ trưa.
Nguy cơ từ điều hòa nhiệt độ
Miền Bắc Australia là một trong những nơi nóng nhất Trái Đất. Nhiệt độ tại khu vực này có thể gây tử vong cho những ai có bệnh nền. Nhiều người đã thiệt mạng vì nắng nóng ở Bắc Australia do đau tim (tim phải làm việc nhiều hơn trong điều kiện nắng nóng gay gắt), suy nhược và có vấn đề về thận do mất nước.
Đây là một lý do khiến người dân ở các nước có nhiệt độ trung bình cao thường ngủ hoặc chợp mắt vào buổi trưa.
Theo The Conversation, một giấc ngủ trưa còn giúp làm giảm cường độ vận động cơ thể vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Điều này làm hạn chế những nguy cơ về tim mạch, suy thận, sốc nhiệt có thể xảy ra.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng cao, ngay cả những nước từng chỉ trích kịch liệt văn hóa ngủ trưa như Đức cũng đang suy nghĩ lại lời phản đối của mình. Bởi lẽ, một giấc ngủ trưa, dù không giúp triệt tiêu nắng nóng, hỗ trợ con người tránh ánh nắng trực tiếp và nghỉ ngơi.
Điều gì sẽ xảy ra khi con người sử dụng máy lạnh cả ngày lẫn đêm? Họ đã bỏ lỡ cơ hội để cơ thể thích nghi với nhiệt độ gay gắt. Theo nghiên cứu, cách con người đổ mồ hôi, thận hoạt động và tim bơm máu sẽ giúp cơ thể con người thích nghi với nhiệt độ nóng bức. Và con người mất khoảng 15 ngày như vậy để thích nghi với một hệ thống nhiệt độ mới.
Cơ thể con người có khả năng thích nghi với thời tiết nóng nực ở một mức độ nhất định. Đó là lý do cho việc các vận động viên Australia thường đến Darwin (một thành phố nổi tiếng nắng nóng của Australia) trước Thế vận hội Tokyo. Họ cần thích nghi với thời tiết nóng ẩm của mùa hè Nhật Bản.
Ngoài ra, việc ở trong môi trường mát lạnh được tạo ra bởi điều hòa nhiệt độ còn tăng khả năng sốc nhiệt khi con người ra ngoài Cơ thể của họ sẽ dễ bị tổn thương hơn vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ 21 sang 38 độ C. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tử vong do nắng nóng của người dân ở Bắc Australia.
Cách đối mặt với nắng nóng mà không cần máy lạnh
Ông Norman Frank Jupurrurla sống ở Tennant Creek, giữa Katherine và Alice Springs (hai thành phố của Australia - những nơi có nhiệt độ lên đỉnh điểm vào mùa mưa. Ông kể lại trải nghiệm của mình:
“Ban ngày nhiệt độ lên tới 45 độ C. Người dân không thể làm gì khi trời nóng như vậy. Việc đi bộ hay làm việc ngoài trời là bất khả thi. Chúng tôi thường làm những việc đó vào sáng sớm hoặc chiều tối để tránh ánh nắng trực tiếp. Nếu không, đó sẽ là hành vi tự sát. Khi trời nóng, người dân ở chỗ tôi thường đi ngủ - đó là điều duy nhất họ có thể làm trong bóng râm.
Thời tiết càng ngày càng nóng. Chúng tôi đã sống ở đây nhiều thế hệ và khẳng định điều đó. Bà tôi, ông tôi nói rằng trời chưa bao giờ nóng đến thế. Chúng tôi cũng chưa bao giờ mong mặt trời lặn như lúc này”.
Ông Jupurrurla lớn lên ở ngoại ô thị trấn và sống trong một căn nhà xây bằng thiếc nóng nực. Gần đây, ở tuổi 44, ông mới có một ngôi nhà tươm tất cho bản thân. Bởi lẽ, theo ông, việc sống trong một ngôi nhà thiếc giữa tiết trời 45 độ C là bất khả thi.
“Những ngôi nhà ở đây đã không phù hợp với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Chúng nóng như lò thiêu vậy”, ông nói.
Vào những ngày đặc biệt nóng, các phương pháp làm mát truyền thống như tắm hay trốn dưới bóng râm đã đạt đến giới hạn. Ông Jupurrurla không thể làm gì khác ngoài việc tìm một ngôi nhà có máy lạnh. Vấn đề là: Máy lạnh rất đắt và nhiều khi không có hàng. Do đó, ông Jupurrurla phải chấp nhận đối mặt với nhiệt độ cao khắc nghiệt và những nguy cơ về sức khỏe mà nó mang lại.
Câu chuyện của Norman Frank Jupurrurla khá phổ biến ở miền Bắc Australia. Những ngôi nhà ở đây có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp nhất cả nước dù phải đối mặt với tình trạng khí hậu khắc nghiệt. Bởi lẽ, người dân không có tiền để mua máy điều hòa nhiệt độ. Thậm chí, người có tiền cũng không mua được vì không ai bán.