Hội chứng silicone

Gần đây, báo chí đưa nhiều thông tin về tác hại của silicone lỏng. Vậy silicone lỏng là gì, ngoài silicone lỏng còn có loại silicone nào nữa và chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người như thế nào?

Hiện nay, trên thị trường có ba loại silicone dùng trong y khoa và thẩm mỹ, đó là:

– Silicone dạng cứng, được sử dụng từ thập niên 1950 để nâng mũi, cằm, má… Do được chế tạo bằng chất liệu ổn định nên loại silicone này sẽ không bị bể theo năm tháng và dễ lấy ra. Nó không gây nhiều tác động phụ, có chăng là nhiễm trùng vết mổ, di lệch, chai cứng hay tụ dịch phía dưới đáy.

Khi dùng silicone cứng để nâng mũi thì biến chứng thường gặp nhất (tới 24%) là thanh độn mũi bị trôi ra ngoài, gây sẹo co rút nên bắt buộc phải mổ để lấy mảnh silicone ra.

– Silicone dạng gel, thường được đựng trong các túi độn ngực trong kỹ thuật thẩm mỹ tuyến vú, được áp dụng từ năm 1962. Năm 1992, silicone gel bị rút ra khỏi thị trường Mỹ do bị nghi ngờ có thể gây ra một số bệnh tự miễn nguy hiểm, nhưng đến năm 2006, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng trở lại sau kết quả tích cực của một số nghiên cứu khoa học.

Biến chứng thường gặp nhất là bể túi ngực, thường xảy ra trong vòng mười năm sau khi làm phẫu thuật.

Thông thường, bệnh nhân không nhận biết được túi độn bị bể vì silicone thường thấm vào mô vú, lại không được hấp thu nên vú không bị xẹp xuống như trường hợp các túi ngực chứa nước muối sinh lý.

Cách duy nhất để phát hiện biến chứng này là phải chụp chụp cộng hưởng từ (MRI) cả hai tuyến vú. FDA đã khuyến cáo nên chụp MRI từ năm thứ ba trở đi sau phẫu thuật thẩm mỹ để tầm soát tình trạng túi độn, sau đó cứ hai năm nên chụp lại một lần.

Một biến chứng khác cũng hay gặp là túi độn co rút ( 5%) do mô xơ sẹo bao quanh túi độn ngày càng dày lên và siết chặt lấy túi độn. Biến chứng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

– Silicone lỏng, được thử nghiệm để bơm vào một số cơ quan trong cơ thể (cằm, vú, mông…) để làm tăng kích thước từ những năm 1970. Đến năm 1992, FDA đã cấm chích silicone lỏng, nhưng vẫn có người vẫn tiếp tục sử dụng vì giá rẻ và dễ kiếm.

Hiện nay, FDA khuyến cáo chỉ dùng silicone lỏng để điều trị tình trạng bong võng mạc mắt (bệnh lý này thường gây mù lòa do có quá nhiều biến chứng).

Thời gian qua, trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, hội chứng silicone là hiện tượng rất đáng chú ý. Hội chứng silicone xảy ra khi silicone lỏng di chuyển đến phổi, gây ra tình trạng máu đông trong phổi, làm tắc nghẽn tuần hoàn và đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm. Trường hợp này xảy ra khi một số người không phải là nhân viên y tế tiêm silicone lỏng dưới da vào một số cơ quan trong cơ thể như vú hay mông với mục đích thẩm mỹ.

Những phụ nữ trẻ, những người chuyển đổi giới tính thường nhờ đến phương pháp này để làm thẩm mỹ vú, mông, hông, âm đạo…

Các triệu chứng thường gặp là sốt, ho, đau ngực, khó thở, oxy trong máu bị giảm, một số ít bệnh nhân có thêm triệu chứng thần kinh nặng. Mức độ tử vong khoảng 25%, riêng với nhóm người có biến chứng thần kinh thì gần như 100%.

Việc chích silicone bất hợp pháp luôn có những nguy cơ chết người, do đó người dân phải cảnh giác với những biến chứng nguy hiểm của nó.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ nhưng tốt nhất là trước khi thực hiện, ai cũng cần trao đổi kỹ với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để biết rõ những tác động phụ của silicone và tránh xa phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ do những người không được huấn luyện bài bản thực hiện.

BS Nguyễn Xuân Bích Huyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoi-chung-silicone-21340.html