Hồi âm từ phương Nam: Tiếng lòng một người yêu cuộc sống

Nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật, GS-TS Huỳnh Như Phương, vừa cho ra mắt tập tiểu luận phê bình mà ông nói 'có lẽ là công trình cuối đời' mang tên Hồi âm từ phương Nam (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

Cuốn sách khá đầy đặn với gần 270 trang, gồm 2 phần Nơi cư trú của tình yêuTrong người có ta, tập hợp 36 bài viết đã từng đăng tải trên các báo, tạp chí, lời giới thiệu sách… về các tác phẩm văn học, các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước, cả “cũ” và “mới”.

Hồi âm từ phương Nam “kể lại” những câu chuyện văn chương bằng sự lắng đọng của cả một người đọc và một nhà phê bình. Như trong bài được chọn làm tên sách, tác giả chia sẻ tiếng lòng của mình với tập truyện ngắn của Trần Trường Khánh, một cây bút người Đài Loan, với sự đồng cảm về tình cảnh “những người đồng bào cùng trong một nước phải chia nhau ở hai bên chiến tuyến”.

Rời quê Quảng Ngãi vào Sài Gòn sinh sống và học tập từ những năm 1960, Huỳnh Như Phương đã có trải nghiệm đầy đủ về chiến tranh, về khát khao hòa bình, về thống nhất và đã có nhiều sáng tác lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đăng trên các ấn phẩm thiên tả.

Nên hồi âm của tác giả đối với tập truyện này cũng là những chia sẻ sâu sắc: “Tác phẩm của Trần Trường Khánh cho thấy văn học ở một địa phương có thể vươn ra khỏi các bức tường để tìm thấy sự đồng cảm của người đọc qua sự hiệp thông với chủ nghĩa nhân đạo… Đối với tôi, tập truyện này không chỉ mở ra cánh cửa nhận thức về một xứ sở lắm trầm luân như quê hương tôi, mà còn đemlạ i kinh nghiệm mỹ cảm về sức lôi cuốn của nghệ thuật ngôn từ…”.

GS Huỳnh Như Phương giới thiệu tập tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam

Mở đầu tập sách là bài Thơ ca - nơi trú ngụ của tình yêu, giới thiệu về nhà thơ Chile Pablo Neruda (1904-1973). Không nặng nề về tiểu sử, Neruda trong tác phẩm đã hiện lên chân dung một nhà cách mạng chống chủ nghĩa phát xít, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cộng sản không chỉ có sức ảnh hưởng trong nước mà còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới. Nhờ tập sách này, người đọc còn biết Neruda đã có sự liên hệ gần gũi với Việt Nam, không chỉ rong ruổi đến Đông Dương và Việt Nam bằng xe khách từ năm 1928 mà còn liên tục cổ vũ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, nhất là qua tập thơ Lời thúc giục tiêu diệt Nixon và khúc hát ngợi ca cách mạng Chile…

Trong số những cây bút “cũ”, Xuân Tâm (1916-2012), nhà thơ của phong trào Thơ mới và có mặt trong Thi nhân Việt Nam từ năm 1940, đã được Huỳnh Như Phương “làm mới” bằng những câu chuyện mới, những ý thơ mới, để rồi người đọc không chỉ hoài niệm với thi phẩm trứ danh Nghỉ hè…

Hay nhận định mới về Nguyễn Vỹ (1912-1971), Huỳnh Như Phương ghi nhận mà cũng như nhắc nhở bao người cầm bút khác: “Số kiếp của ông là số kiếp của một người trí thức hành động, lăn lộn với đời sống, đem kiến văn và tài trí của mình phụng sự xã hội, phụng sự văn hóa”.

Còn về Ngô Kha (1935-1973), nhà thơ cách mạng nổi tiếng của đất Huế, được tác giả ghi nhận: “Ngô Kha, cũng như những người trẻ làm thơ phản kháng ở miền Nam thời chiến, đã gánh trên vai một sứ mạng quá hiểm nguy trong một tình thế cực đoan của lịch sử, khi thơ ca không chỉ dẫn đến hành động mà còn chính là hành động”. Chúng tôi muốn nhấn mạnh bằng đoạn in nghiêng ở trên như là một sự chia sẻ về vai trò, sứ mạng của người cầm bút nói chung, của nhà thơ nói riêng trong đời sống, để không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm mang tính hành động cho xã hội.

Hồi âm từ phương Nam còn có nhiều gợi mở thú vị cho độc giả về nhà văn Võ Hồng (1923-2013), người được đánh giá là “thấu hiểu và nắm bắt những biến thái của đời sống”; về nhà thơ, dịch giả Diễm Châu (1937-2006), người gắn liền với những tạp chí khuynh tả trước năm 1975 như Đất Nước, Trình Bầy, Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy, Làm Dân; về Tường Linh (1930-2021), một nhà-thơ-mới-cổ điển, người dù đi “về phía mặt trời sẽ lặn” nhưng vẫn “thơ một đời gửi lại phía bình minh”; về nhà văn, nhà báo “đương thời” Từ Nguyên Thạch, người dù đã nghỉ hưu vẫn không ngừng sáng tác, mà tác phẩm Thầy giáo làng của ông (với bút danh Quang Ân) đã đoạt giải cao nhất cuộc thi “Người thầy kính yêu” lần thứ 2 (năm 2023) do chính Huỳnh Như Phương làm giám khảo mà không hề biết đó là một nhân vật của mình…

Xuyên suốt trong tập sách Hồi âm từ phương Nam thực sự là những tiếng lòng của một nhà giáo, một nhà văn, một nhà nghiên cứu mỗi ngày, mỗi giờ đều nhìn đời bằng ánh mắt chi tiết, cụ thể và rất người, rất nhân văn, giản dị mà không kém sâu lắng, của một người thực sự yêu cuộc sống.

NGUYỄN MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoi-am-tu-phuong-nam-tieng-long-mot-nguoi-yeu-cuoc-song-post721207.html