Học tập nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Qua học tập, có những mô hình đã ứng dụng thành công ở An Giang, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, nguồn nhân lực được nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.

Chú trọng đào tạo

Sau khi Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-6-2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2012-2018, có 89 công chức, viên chức được đào tạo trình độ sau đại học (57 thạc sĩ, 31 tiến sĩ, 1 sau tiến sĩ, trong đó có 17 người đào tạo ở nước ngoài), đồng thời tuyển dụng đối với 61 trường hợp có trình độ sau đại học (gồm: 7 công chức, 54 viên chức công tác tại Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học An Giang, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn). Ngoài ra, có 61 công chức, viên chức được hưởng chế độ trợ cấp khi cử đi học sau đại học với số tiền trên 1,4 tỷ đồng (11 tiến sĩ, 50 thạc sĩ). Các sở, ngành quan tâm đặt hàng hoặc gửi công chức, viên chức đến các viện, trường có uy tín về NNƯDCNC để bồi dưỡng, huấn luyện.

Tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp

Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho trên 1.500 cán bộ kỹ thuật, nông dân. Trong khi đó, Hội Nông dân tỉnh đã mở 729 lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 39.371 lượt hội viên; tổ chức 3.518 cuộc hội thảo, trình diễn tiến bộ khoa học và công nghệ với 60.746 lượt hội viên tham dự. Đến nay, đã có 5 lao động trẻ (tốt nghiệp Trường Đại học An Giang, chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp) được hỗ trợ tham gia chương trình thực tập sinh nông nghiệp tại Israel…

Chia sẻ kinh nghiệm

Dù là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp nhưng NNƯDCNC vẫn là lĩnh vực khá mới lạ với An Giang. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy, các sở, ngành và UBND cấp huyện đã mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước với viện, trường, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực khảo sát lựa chọn công nghệ, đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực NNƯDCNC.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tầng Phú An cho biết, từ năm 2012 đến nay, An Giang đã tổ chức 14 đoàn với khoảng 280 lượt cán bộ tỉnh, huyện, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tham quan và học tập kinh nghiệm về mô hình NNƯDCNC tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai... Đồng thời, phối hợp với các viện, trường tổ chức 14 cuộc khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Qua hợp tác, tỉnh đã chọn tạo, phục tráng được một số loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp (nếp ngắn ngày, lúa đặc sản, lúa mùa nổi, nhãn Mỹ Đức; sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực; sinh sản nhân tạo một số loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao...). Đồng thời, ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng phát triển như: quy trình ươm cây rau giống, sản xuất lúa an toàn, trồng rau dưa an toàn, nhân giống và sản xuất hoa chậu trong nhà lưới, nhà màng. Các địa phương đã triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước trên rau màu, cây ăn trái và hoa kiểng (hơn 1.000ha); trồng nấm rơm trong nhà, trồng hoa lan Mokara cắt cành; trồng xoài 3 màu, thanh long ruột đỏ; nuôi lươn không bùn đạt tiêu chuẩn VietGAP; nuôi tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP... Tại huyện Thoại Sơn đã triển khai được mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa theo hướng ƯDCNC với diện tích liền canh trên 50ha/vụ.

Đến nay, An Giang đã phát triển được các mô hình dịch vụ và công nghệ liên quan đến cơ giới hóa, tự động hóa như: ứng dụng công nghệ nhà màng, hệ thống kiểm soát vi khí hậu tự động trong ươm cây giống rau, sản xuất nấm linh chi; trồng huệ sử dụng hệ thống tưới phun tự động; ứng dụng máy cuốn rơm, máy cấy lúa phục vụ sản xuất lúa giống; nhà sấy nông sản, dược liệu sử dụng năng lượng mặt trời; quan trắc môi trường nuôi thủy sản tự động thông qua mạng internet; sản xuất, chế biến các sản phẩm mới từ phụ phẩm nông nghiệp (trấu, rơm rạ, thân, lõi trái bắp, phân bò, phân trùn quế...). Đây là những mô hình được kỳ vọng sẽ giúp nhân rộng và phát triển NNƯDCNC trong thời gian tới.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hoc-tap-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-a261257.html