Học Bác từ những điều bình dị
Hôm nay (29-8), tỉnh ta tổ chức Hội nghị tổng kết 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về 'Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'. Nhân dịp này, Báo Thái Nguyên xin giới thiệu một số điển hình tiêu biểu trong việc học và làm theo Bác.
Hình tượng Bác Hồ chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm của tôi
Nghệ nhân Nhân dân Lưu Xuân Lai, xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hóa): Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng cho cá nhân tôi và tất cả mọi người. Chính vì vậy, trong những sáng tác thơ, kịch hay làn điệu hát Then của mình, hình tượng của Bác luôn chiếm vị trí quan trọng. Từ năm 2013 tới nay, thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của người Tày, tôi tham gia các lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính cho thiếu nhi và người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa. Trung bình mỗi năm từ 8-10 lớp, mỗi lớp khoảng 20 học viên. Ở những lớp học như vậy, tôi luôn cố gắng lan tỏa tư tưởng, những lời dạy của Bác Hồ; sưu tầm và kể lại những câu chuyện cảm động về Người để góp phần nhân lên niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước và ý thức tự vươn lên của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ.
Tích cực giảng dạy, nghiên cứu khoa học
GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Cùng với thực hiện công tác quản lý, những năm qua, tôi đã tích cực tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đề xuất các chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Tôi đã chủ trì thực hiện, nghiệm thu nhiều đề tài, dự án cấp bộ và tương đương cũng như tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo đại học và sau đại học. Đặc biệt, năm 2019 tôi chủ trì xây dựng Đề án “Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035”. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam. Đề án xây dựng mạng lưới các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt có đủ năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; tinh gọn số lượng các trường sư phạm trong cả nước; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư để hội nhập với xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Hiện nay, Đề án đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, truyền thông...
Không ngại khó khăn vất vả
Chu Hồng Đông,Phó Chánh Văn phòng Sở Giao thông - Vận tải: Là cán bộ trẻ tôi luôn tâm niệm hãy học Bác từ những việc làm giản dị và thiết thực nhất. Trên cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan nhiệm kỳ 2015 - 2017, tôi đã chủ động tham mưu cùng Ban Chấp hành Đoàn thanh niên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực vì cộng đồng, đó là tình nguyện khảo sát, thiết kế đường giao thông nông thôn tại xã Phú Xuyên (Đại Từ) phục vụ xây dựng nông thôn mới; thi công đắp đất lề đường, khơi rãnh 2km đường giao thông nông thôn đến xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai); tổ chức đêm nhạc “Tiếng hát từ trái tim thanh niên” gây quỹ Đoàn để thực hiện các hoạt động tình nguyện. Được phân công phụ trách bộ phận “một cửa” của Sở Giao thông - Vận tải, hằng năm tiếp nhận trung bình trên 60.000 hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), bản thân tôi luôn gương mẫu và nhắc nhở đồng nghiệp tại bộ phận thực hiện theo khẩu hiệu “Đến thì vui, về thì hài lòng” và “Thân thiện, trách nhiệm - Hướng dẫn tận tình - Giải quyết nhanh chóng. Kết quả, 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận đã được trả đúng hạn cho nhân dân và doanh nghiệp.
Có nhiều sáng kiến đóng góp cho sản xuất
Anh Nguyễn Viết Cường, kỹ sư tuyển khoáng, Phòng Sản xuất, Công ty TNHH tinh luyện Vonfram Núi Pháo: Là kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại công ty công nghệ cao, tôi luôn tích cực học hỏi, mạnh dạn đưa các sáng kiến áp dụng trong thực tế sản xuất để nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Trong khi làm việc, tôi nhận thấy, chất thải bã do quá trình tinh chế tại nhà máy tạo ra có chứa một tỷ lệ nhất định Vonfram, chất thải này được bán với giá trị rất thấp. Thêm vào đó, việc sản xuất cần tiêu thụ một khối lượng sút lớn, gây lãng phí hóa chất, đồng thời cũng làm tăng lượng sút dư trong bã thải ra môi trường. Ngoài ra, lượng phế phẩm tại máy sấy xoắn cao gây lãng phí sản phẩm và tăng chi phí tái chế. Vì thế, tôi luôn trăn trở làm thế nào để khắc phục những yếu tố đó. Qua một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, tôi đã đưa ra 3 sáng kiến là: Phương pháp tái chế bã tinh chế 2, tối ưu hóa lượng xút tiêu thụ trong công đoạn nghiền và lọc ép, giảm tối thiểu lượng phế phẩm tại máy sấy sản phẩm dạng xoắn. Sau khi các sáng kiến này đưa vào áp dụng đã khắc phục được toàn bộ những hạn chế ở trên, làm lợi cho Công ty trên 10 tỷ đồng mỗi năm, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Học Bác về sự nêu gương của người đứng đầu
Ông Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Minh Lập (Đồng Hỷ): Đối với bản thân tôi, chìa khóa thành công cho mọi nhiệm vụ chính là có được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân. Để đạt được điều đó tôi luôn nhắc nhở mình là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc; không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, tu dưỡng, rèn luyện, đổi mới tác phong làm việc, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử và quy định chuẩn mực của người cán bộ; tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở để giải quyết, xử lý kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó góp phần làm tốt công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong những năm qua xã Minh Lập luôn hoàn thành toàn diện mọi chỉ tiêu, kế hoạch. Năm 2015, xã đã về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới (sớm hơn kế hoạch 3 năm). Năm 2017, xã được huyện và tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, giai đoạn 2017-2020. Đảng bộ xã hàng năm đều được Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Nỗ lực phát triển kinh tế gia đình
Anh Nguyễn Văn Lợi, xóm Lân, xã Lương Phú (Phú Bình): Tôi luôn tâm niệm cách tốt nhất để học tập và làm theo Bác là không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình. Với suy nghĩ ấy, bản thân tôi đã chủ động tìm hiểu, học tập những mô hình kinh tế hiệu quả và áp dụng thành công tại gia đình. Năm 2003, tôi là một trong những người đầu tiên ở xã trồng cây bưởi diễn với số lượng 100 cây giống. Sau thời gian trồng thử nghiệm, nhận thấy đây là loại cây phù hợp với đất đồi địa phương, khi thu hoạch quả dễ tiêu thụ nên tôi đã nhân rộng mô hình này. Đến nay, gia đình tôi có 400 cây bưởi diễn được trồng trên diện tích hơn 10.000m2. Trung bình mỗi năm được thu trên 250 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi, tôi còn trồng xen canh các loại cây ăn quả khác như: Mít, bơ, táo… để tăng thu nhập cho gia đình. Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quả bưởi diễn, tôi đang học hỏi mô hình trồng bưởi theo quy trình VietGAP bởi việc sử dụng 100% phân bón hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả cao về kinh tế mà còn an toàn, thân thiện với môi trường.
Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ
Anh Lê Văn Công, sinh viên lớp Quản lý đất đai K48, Khoa Quản lý tài nguyên (Trường Đại học Nông lâm): Trong quá trình học tập và tu dưỡng đạo đức tại Trường, tôi được tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh qua các môn học. Đặc biệt, tôi có cơ hội được tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về tư tưởng của Bác khi tham gia Cuộc thi Tìm hiểu về các môn khoa học Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường lần thứ 3, năm 2019”. Từ đó, tôi luôn có ý thức phấn đấu đạt kết quả học lực xếp loại xuất sắc và hoàn thành tốt công tác đoàn, hội. Đồng thời, với trách nhiệm là Ủy viên Ban Thư ký Hội sinh viên của Trường, tôi luôn tích cực tham gia các phong trào và đã được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về thành tích xuất sắc trong Cuộc thi Ánh sáng soi đường lần thứ 3 năm 2019; học bổng VALLET do Tổ chức Khoa học và Giáo dục Gặp gỡ Việt Nam trao tặng...