Hoàng thành Thăng Long- hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ

Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử. Đến Hà Nội, du khách không được bỏ qua cơ hội ngắm nhìn di sản văn hóa thế giới này.

Cách đây hơn 10 thế kỷ, khi dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La, vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) đã cho xây dựng lại thành Thăng Long trên nền của tòa thành Đại La cũ.

Thành Thăng Long gồm: Vòng ngoài cùng gọi là La thành hay Kinh thành. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ.

Trải qua hơn 1000 năm, kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã chứng kiến biết bao đổi thay bởi các triều đại Phong kiến. Các cuộc chiến tranh cũng đã phá hủy, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó, như là một minh chứng sống cho các giai đoạn lịch sử đã qua.

Ở khu trung tâm vẫn hiện lên bóng dáng của tòa thành cổ hình vuông được xây dựng từ thời Nhà Nguyễn vào năm 1835. Ngoài ra cũng tại khu này còn có một số công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và công trình Nhà D67 với các di tích hầm ngầm, phòng họp dưới lòng đất.

Tại di tích Điện Kính Thiên vẫn còn đôi rống đá nguyên khối có từ thời nhà Lê ở thế kỷ XV. Điện Kính Thiên là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu trung tâm hoàng thành Thăng Long. Đây là nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài.

Một công trình di tích nổi bật là cột cờ Hà Nội xây dạng hình tháp, cao hơn 33 mét vẫn vững chãi theo thời gian. Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812, dưới thời vua Gia Long trên phần đất phía nam của Hoàng thành. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của hoàng thành.

Ngày 1 tháng 8 năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được Ủy ban di sản thế giới của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Có thể nói, giá trị nổi bật nhất của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính là "bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử hơn 10 thế kỷ của Thăng Long- Hà Nội, kể từ thành Đại La thời tiền Thăng Long đến thời đại ngày nay.

Ảnh sưu tầm

Mai Hương t/h

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/hoang-thanh-thang-long-hoai-niem-ve-mot-ha-noi-xua-524122.htm