Hoàng đạo thúy Người đồng hành thế kỷ

Ngày ấy, mùa thu 1985, công việc quan trọng tôi phải thực hiện giữa bao nhiêu công việc tuyên truyền, văn hóa văn nghệ cho ngày kỷ niệm 40 năm thành lập Binh chủng Thông tin (9/9/1945 - 9/9/1985) là gặp gỡ, trao đổi và biên tập cuốn hồi ký Lên đường hạnh phúc của nhà văn hóa Hà Nội Hoàng Đạo Thúy - vốn là Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc cho đến năm 1960.

Một buổi sáng, tôi đến tư gia Hoàng Đạo Thúy ở làng Đại Yên. Ông ở trên căn nhà sàn mà cậu con trai út Hoàng Đạo Cung mang từ Kỳ Sơn về. Khi tôi đến, thấy ông còn đang múa Thái Cực Quyền ngoài lan can nhà sàn. Tôi thầm cảm ơn lịch sử. Nếu không có cuộc kỷ niệm này và nếu tôi không phải là lính thông tin thì dễ gì tôi có dịp được gặp nhân vật huyền thoại này của phong trào Hướng đạo sinh thời trước cách mạng.

Nhà văn hóa Hà Nội Hoàng Đạo Thúy.

Ông Thúy sinh năm Canh Tý 1900, hơn bố tôi 9 tuổi. Ông Thúy vốn tên khai sinh là Hoàng Đạo Viễn. Ông sinh ở làng Kim Lũ (thường gọi là làng Lủ, nay là xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Khi đi học trường Tây, để luôn nhắc nhở mình sự hổ thẹn của một kẻ nô lệ, ông đổi tên Viễn Thành Thúy giống tên phụ nữ. Sau khi học Trường Sư phạm Đỗ Hữu Vỵ (Cửa Bắc), ông Thúy đi dạy học nhiều năm ở nhiều tỉnh thành Nam Định, Cao Bằng, Phú Thọ (Việt Trì), Quảng Yên (Móng Cái) và cuối cùng là Trường Yên Thành Hà Nội. Khi ông ở tuổi “tam thập nhi lập” thì khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Thế hệ thanh niên Việt Nam lúc ấy có phần hoang mang. Thấy tình thế như vậy, ông Thúy đã tìm hiểu phương pháp rèn luyện thanh niên của châu Âu gọi là Eclaireurs hay Scout. Ông dịch chữ Eclaireurs thành “Hướng đạo sinh” dựa trên lời hứa: “Trung thành với Tổ quốc” mà dịch rồi viết sách “Hướng đạo sinh” in ở nhà in Đông - Tây của Dương Tự Quán. Đầu năm 1931, Đoàn Vạn Kiếp ra đời với trang phục sơ mi kaki, quần ngắn. Đấy là đoàn “Sói con”. Cùng các bạn như Trần Duy Hưng, Nhữ Thế Bảo... ông Thúy lập ra Hội Hướng Đạo với hai đoàn “Sói lớn” là Đoàn Lê Lợi và Đoàn Hùng Vương do Trần Duy Hưng điều khiển. Phong trào Hướng đạo ở Việt Nam chính là phong trào tìm đường về với dân tộc của thanh niên Việt Nam. Về mặt xã hội, phong trào có ý nghĩa như cuộc chuẩn bị cho đất nước một lực lượng thanh niên sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang của Cách mạng Tháng Tám. Bài hát Anh hùng xưa lấy giai điệu của một làn dân ca do ông đặt lời, cùng với các hành khúc yêu nước của nhóm “Đông vọng”, của “Tổng Hội sinh viên”, với các vở kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng... đã làm lay động bao con tim yêu nước. Lặng lẽ, ông Thúy cứ trên một chiếc xe đạp nay ở Sơn Tây, Phú Thọ, mai ung dung tự tại ở Thanh Hóa cùng ủy viên Hướng đạo Trung kỳ Tạ Quang Bửu họp Hướng đạo. Với tước danh H.S có thể hiểu là Hiệp Sĩ hay Hổ Sứt như anh em gọi vì có cái răng sứt, ông Thúy đã viết bài hấp dẫn cho báo “Thẳng tiến” của Hướng đạo sinh. Ông còn viết Trai nước Nam làm gì? (Nhà xuất bản Thời Đại 1942), Gan tráng sĩ (Nhà xuất bản Vinh Xuân - 1940), Bác Hai Bền (Hội truyền bá Quốc ngữ 1942), Nghề thùy (1943)... Những cuốn sách đã gây tiếng vang nhiều phía ở thời ấy.

Những ngày đến gặp ông Thúy tại tư gia, tôi thêm bao hiểu biết về ông, về đời qua câu chuyện của ông.

Bằng một nguồn tin chính xác, ông Thúy biết ngay từ năm 1940, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Trần Đăng Ninh bắt liên lạc với ông. Song do vòng vây của mật thám quá gắt gao nên hai người đành rút lui. Bởi vậy, mãi tới năm 1944, ông Thúy mới chính thức tham gia Việt Minh. Cũng do hoạt động, ngay tháng 6/1945, mặc dù có tên trong danh sách được sắp xếp làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, ông Thúy vẫn bị phát xít Nhật truy nã.

Ngày đó, ông tránh về Lủ, tối tối lại ra điếm canh tranh thủ dạy võ, dạy chữ cho trai làng. Tuần phủ Cung Đình Vân ở trước cửa nhà ngửi thấy mùi Cộng sản, để tâm theo dõi và có kế hoạch bắt ông Thúy. Hắn chưa kịp hành động thì chính hắn lại bị Văn Cao - nhạc sĩ viết hành khúc Tiến quân ca cho Việt minh, đang ở đội trừ gian Hà Nội - tìm xuống tận làng Lủ để tìm thời cơ ám sát hắn. Biết thế, Vận phải chui lủi trốn đi để tránh ăn đạn của Văn Cao. Còn ông Thúy thì được đồng chí Trần Quốc Hoàn và đồng chí Hà Huy Giáp trực tiếp đưa thoát khỏi làng Lủ lên chiến khu Tân Trào dự Quốc dân Đại hội. Ở đại hội này, ông Thúy đã gặp Hồ Chí Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Dù đã ở tuổi 45, Hoàng Đạo Thúy vẫn xin gia nhập quân đội vào đúng ngày 2/9/1945 Tuyên ngôn Độc lập. Ngay ngày đó, đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) đã giao cho ông trọng trách nối liền liên lạc trong cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau, nhằm đáp ứng cho Bộ Quốc phòng nắm được tình hình của mọi nơi trên đất nước.

Suốt một tuần căng thẳng cùng anh em công nhân, kỹ sư bưu điện, ngày 9/9/1945 được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Thông tin.

Ngày ấy, công việc của cơ quan thông tin non trẻ thật bận bịu. Nhưng ông vẫn phải tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và cũng phải trở thành ủy viên trong quân ủy hội. Người gắn bó với Tráng sinh Hướng đạo khi xưa lại gặp các “sói con”, “sói lớn” trong trang phục Vệ Quốc Đoàn khi ông về làm Giám đốc Trường Võ bị Việt Nam (Lục quân Trần Quốc Tuấn) khóa I. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông Thúy được điều động về làm Cục trưởng Cục Giao thông công binh thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức chuyển chở vũ khí, vật tư lên Việt Bắc và phá cầu, phá đường.

Không thể quên cái ngày Đầm Hồng, Bản Ty đầu năm Đinh Hợi 1947, ông lại được điều về vị trí Giám đốc Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa II, khóa III. Ở đấy, với lực lượng là học sinh của trường, ông đã chỉ huy cuộc chiến đấu gan góc chặn hai mũi giáp công của Binh đoàn viễn chinh Pháp Bou fres và Conmunal. Và cũng chính năm đó, ở Bắc Cạn, ông đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trần Tử Bình giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy đã rút vào bí mật. Rồi những ngày làm Cục trưởng Cục Quân huấn và rồi đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông về giữ chức Tổng Bí thư Ban Thi đua ái quốc Trung ương cùng ông Tôn Đức Thắng phát động phong trào thi đua yêu nước. Văn Cao đã nhiệt tình ủng hộ ông bằng cách viết hành khúc Toàn quốc thi đua.

Nhưng cái nghiệp nhà binh vẫn cứ đeo đẳng ông. Giữa 1949, ông lại trở về quân ngũ với chức Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Bộ Quốc phòng. Thông tin đã trưởng thành dân qua các chiến dịch để rồi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều người lính thông tin đã hy sinh cho chiến dịch. Cũng nhiều người trở thành anh hùng. Ông tự hào với những Bế Văn Đàn, Trương Công Man, Chu Văn Mùi... ngay cả Tạ Quốc Luật, người tiểu đội trưởng bắt sống Tướng De Castries cũng trở thành sĩ quan thông tin khi hòa bình lập lại ở miền Bắc. Với quân hàm đại tá, ông đã đứng chân cùng những người lính thông tin suốt gần 10 năm thanh bình của miền Bắc. Cũng năm tháng ấy, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa II và ở trong Ủy ban Dự án pháp luật. Ở Cục Thông tin, cùng với chuyên gia Liên Xô là đại tá Philippovic Gerrigori Ponomarenko với bí danh bảo mật là Ghi, ông Thúy đã hoạch định ra một chiến lược thông tin hiện đại sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Năm 1962, ông chuyển ngành làm Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương và về hưu ở làng Đại Yên từ năm 1964.

Những ngày làm việc và trò chuyện cùng ông Hoàng Đạo Thúy đã khép lại. Bản thảo hồi ký Lên đường hạnh phúc của ông đã hoàn thành và được ấn hành đúng dịp. Ngày lễ kỷ niệm, ông đã hiện diện như một đạo sĩ cốt tiên, như một người lão thực giữa những lãnh đạo thế hệ sau. Năm ấy, ông tròn 85 tuổi.

Từ sau đó, thỉnh thoảng rảnh, tôi lại qua thăm ông và được ông tặng sách. Từ khi về hưu thì chiến tranh chống Mỹ xảy ra. Ông lại vừa là chính trị viên trung đội Bạch đầu quân làng Đại Yên, vừa nghiên cứu viết sách, viết báo. Nhiều cuốn được ông viết bằng tấm bìa kê lên đùi khi ông ngồi nhiều năm bên giường bệnh của bà. Đó là Sát Thát (NXB QĐND 1958), Thăng Long Đông Đô Hà Nội (NXB Hà Nội 1966), Phố phường Hà Nội xưa (NXB Hà Nội 1970), Đi thăm đất nước (NXB Hà Nội, 1978).

Ngày mồng 3 Tết Giáp Tuất 1994, tôi lại gặp ông ở cuộc hội ngộ Hướng đạo cùng Văn Cao. Trước đấy ít ngày trước Tết, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tới thăm ông và thăm Văn Cao. Ông Thúy và Văn Cao nói chuyện rất say sưa. Ông Thúy đâu ngờ mình đã sống đến cái tuổi mà Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống. Tuy không được như Trạng Trình nhưng ông cũng đã sống với nhân cách noi theo gương Trạng Trình. Những đóng góp với đất nước đến tuổi 95 như ông cũng đã thật xứng danh “Trai nước Nam”. Nhìn ông tươi cười lại nhớ đến câu chuyện giữa ông và Hồ Chủ tịch một chiều trên chiến khu.

Đấy là một chiều đi học, sợ về muộn, đường tối, ông đã mang theo cây đèn bão. Không ngờ đi qua đồng lúa, ông nghe có tiếng người hỏi: “Ông cụ đi tìm ai thế?” Ông nghe thì biết ngay đấy là tiếng Hồ Chủ tịch. Câu hỏi nhắc lại một điển tích Hy Lạp. Diogène giữa ban ngày thắp đèn đi ngoài đường, bảo là đi tìm người. Nghĩ vậy, ông bèn thưa: “May mắn hơn Diogène, tôi tìm thấy một người rồi ạ!”. Và cả hai cùng cười sóng đôi tới hội trường.

Câu chuyện đã nói tất cả về ông và Hồ Chủ tịch. Nói tất cả về sự khâm phục cũng như sự kính trọng lẫn nhau, dù Hồ Chủ tịch hơn ông một thập can.

Tôi không ngờ đấy là lần cuối tôi gặp Hoàng Đạo Thúy. 2 hôm sau, ngày mồng 5 Tết Giáp Tuất 1994, khi con cháu nô nức đến gò Đống Đa kỷ niệm chiến thắng của Quang Trung tròn 205 năm thì tại căn nhà sàn nhỏ ở làng Đại Yên, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã trút hơi thở cuối cùng trên dương thế, thọ 95 tuổi.

Sống bằng tuổi Trạng Trình nhưng lại sinh đầu thế kỷ, Hoàng Đạo Thúy như một nhân chứng, một người đồng hành thế kỷ XX đầy biến động. Tính chân thực đến dễ chịu, lão thực và minh triết đến tận cùng, ông đúng là một nhân cách lớn để các thế hệ sau soi sáng.

Có người sống lâu nhưng chữ Thọ chỉ nguyên nghĩa của thời gian đã sống. Hoàng Đạo Thúy sống lâu bằng thế kỷ, sống chất lượng đúng như thế kỷ mà ông đồng hành.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoang-dao-thuy-nguoi-dong-hanh-the-ky-n168014.html