Hoàng Đăng Khoa viết để truy vấn nhân tính

Tháng 9/2024, Hoàng Đăng Khoa gửi đến bạn đọc tập tiểu luận có nhan đề khá lạ và hấp dẫn 'Ngắn dần đều' (NXB Đà Nẵng và Book Hunter). Thì ra, các tiểu luận trong sách được sắp xếp thứ tự theo dung lượng chữ. Tập sách khai thác những khía cạnh khác nhau của văn học, từ nghệ thuật sáng tạo đến các vấn đề liên quan câu chuyện tiếp nhận, nghiên cứu, phê bình văn học…

Với cuốn sách này, tác giả khái quát vấn đề nhiều hơn là đi vào phân tích trường hợp cụ thể. Hoàng Đăng Khoa miệt mài tích lũy, đọc nhiều nhớ rộng nên có thể điểm diện tên tuổi của nhiều triết gia, nhà lí luận, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước, điểm xuyết tác phẩm của họ bằng những nhận định súc tích.

Hoàng Đăng Khoa quan tâm tới nhiều thể loại văn học, tới nhiều đối tượng tác giả... nhưng có lẽ, anh ưu ái hơn các tác giả trẻ (từ 7x đến 10x) và những diễn ngôn sáng tạo mới mẻ của họ. Điều tối quan trọng và cần thiết cho một tâm thế phê bình là phải đưa ra ý kiến nhận xét của mình một cách thuyết phục.

Trong tiểu luận “Người viết trẻ có đáng bị bắt bẻ”, anh viết: “Không ai phủ định vốn sống thực tế là tài sản vô giá đối với người viết. Nhưng, nói như nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Người tình” của nhà văn người Pháp Marguerite Duras thì Tôi cảm nhận trước khi trải nghiệm. Phải, nếu anten tâm hồn đủ thính nhạy, nếu vốn sống tưởng tượng đủ phong phú, thì chủ thể sáng tạo không cần phải trải nghiệm thực tế cũng có thể cảm nhận được những nông nỗi cắc cớ đời. Và nhà văn ngày nay, để chinh phục được con người thời đại, còn cần đến cả vốn sống tri thức sách vở…”.

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Là một tay bút phê bình khẳng khái, Hoàng Đăng Khoa không ngần ngại phản bác/ phản biện, kể cả đó là ý kiến của những “bậc trưởng thượng” trong văn giới: “Tôi thỉnh thoảng lại đọc đâu đó thấy các bậc trưởng thượng chê nhà văn trẻ là vừa nghèo vốn sống vừa lười làm văn. Nhưng đọc văn của những người thích chê ấy thì tôi chẳng thấy vốn sống cũng chẳng thấy văn đâu. Đọc truyện ngắn “Bên dòng sông” của Triều Dương chẳng hạn lại thấy văn đẹp, chắc đặc, và người viết thì mới 21 tuổi đầu nhưng cứ như đã sống cả mấy kiếp”.

Trong bài “Đôi nét về thế hệ nữ chủ đạo nghiên cứu phê bình văn học hiện nay”, Hoàng Đăng Khoa có những nhận định thẳng thắn, xác đáng: “Văn nghiên cứu phê bình của các cây bút nữ thường tròn trịa, phải đạo, thiếu giọng, ít góc cạnh, ít cá tính. Những đầu sách đã xuất bản của họ đa phần được chuyển thể từ luận văn, luận án, đề tài khoa học. Vì tiền thân là luận văn, luận án, đề tài, nên những cuốn sách đó không nhiều hàm lượng tư kiến, chủ kiến, của riêng tác giả; nặng về hàn lâm nghiên cứu, ít bay bổng thăng hoa phê bình.

Trong số nhà nghiên cứu phê bình 7x, 8x có thể gọi là chuyên nghiệp thì cũng rất hiếm người đủ chuyên sâu và thành tựu để có thể gọi là chuyên gia về một lĩnh vực hẹp nào đó… Trên mặt bằng chung ấy, những đốm sáng như “Dám ngoái đầu nhìn lại” của Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Âm thanh của tưởng tượng” của Lê Hồ Quang hay “Bày cuộc thơ” của Đinh Thanh Huyền thực sự không nhiều. Những của hiếm này cho thấy sự thông tuệ lịch duyệt, sự dấn nhập thấu triệt cũng như sự độc lập tự chủ về tư duy, tri kiến, ngôn từ… của chủ thể nghiên cứu phê bình”.

Hoàng Đăng Khoa luôn tích cực cổ xúy cho thơ cách tân và bản thân anh cũng thử nghiệm những cách viết mới mẻ. Chúng ta thử đọc những lời đề từ trước mỗi tiểu luận của anh cũng có thể hình dung được phần nào phong cách thơ của Hoàng Đăng Khoa. Quan niệm của anh về cách tân thơ và thơ cách tân chắc chắn được nhiều người đồng tình: “Cách tân đích thực khác xa với phá bĩnh, với cách tân vô điều kiện”; “Những nhà thơ sáng tác trên phông nền văn hóa tư tưởng triết mỹ vững chắc, làm chủ các lý thuyết hiện đại trên thế giới… khác xa với những người viết học đòi bắt chước tung hỏa mù hòng lòe bịp thiên hạ”.

Khi đưa ra một luận điểm, Hoàng Đăng Khoa thường viện dẫn ít nhất vài ba minh chứng xác tín, cụ thể, rõ ràng với cấu trúc “X/Y/Z… đã nói như thế”. Cách viết ấy vừa khoa học vừa tạo nhịp điệu và làm mềm hóa câu văn. Chẳng hạn, khi bàn về chủ đề nỗi buồn trong văn chương, anh viết: “Thảy hết đều có thể giải quyết, chỉ có nỗi buồn là vô phương cứu vãn - nhà văn người Nhật Bản Dazai Osamu đã nói như thế. Tất cả đều tủn mủn/ chỉ riêng khổ đau là hoành tráng - nhà thơ Dương Tường đã nói như thế. Mọi thứ đều là thoáng chốc, chỉ có cô đơn là vĩnh hằng - nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez (Nobel văn chương 1982) đã nói như thế”… Cách diễn đạt của Hoàng Đăng Khoa gọi về tên một cuốn sách “kinh điển” của Friedrich Nietzsche: Zarathustra đã nói như thế.

Bìa tác phẩm "Ngắn dần đều" của nhà lý luận, phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Bìa tác phẩm "Ngắn dần đều" của nhà lý luận, phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa.

Nhiều tên sách, tên bài tiểu luận của Hoàng Đăng Khoa cũng sử dụng trò chơi liên văn bản, gây ấn tượng với người đọc. Ví dụ, nhan đề cuốn sách trước của anh - “Đứng về phe cái khác” - là có sự liên văn bản với bài thơ một câu nổi tiếng “Tôi đứng về phe nước mắt” của Dương Tường. Hoặc tên bài viết “Bản sắc, như là mỹ học của cái khác” là nhằm liên với cuốn tiểu luận phê bình nặng ký của Đỗ Lai Thúy: “Thơ như là mỹ học của cái khác”. Hay như tên tiểu luận “Nhà văn thì đọc gì” là liên với tên tập tạp văn “Nhà văn thì chơi với ai” của Nguyễn Việt Hà…

Hoàng Đăng Khoa thường chọn những chữ, tên những tác phẩm có sẵn để kết nối cho việc diễn giải nhưng hết sức tự nhiên, hợp lý, ăn nhập với vấn đề định nói. Ví dụ: “Ở nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, tín hiệu của tính người được phát lộ vào khi tưởng chừng như đã bị triệt tiêu để nhường chỗ cho linh hồn quỷ dữ. Còn nhân vật chính trong tiểu thuyết “Thoạt kì thủy” của Nguyễn Bình Phương tên Tính nhưng xem ra “tuyệt không dấu vết” tính người. Nam Cao xiển dương tình người đã có mặt kịp thời cứu sống tính người. Nguyễn Bình Phương cảnh tỉnh về nguy cơ băng hoại tính người vì sự đi vắng của tình người”. Ở đây, “Tuyệt không dấu vết” là tên một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, và “Người đi vắng” là tên một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.

Hoặc, đánh giá Nguyễn Huy Thiệp, anh viết: “Nguyễn Huy Thiệp đến rồi đi, như ‘mưa Nhã Nam’, ‘như những ngọn gió’, khuấy đảo, tưới tắm lên cánh rừng văn Việt. ‘Muối của rừng’ kết đọng chắc hẳn sẽ loang thấm mặn mòi đến nhiều mùa sau”. Ở đây, những chữ trong ngoặc đều là tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Hoàng Đăng Khoa thích cách diễn đạt hình ảnh: “Thiết nghĩ nếu không có đôi mắt được phát quang đến thoáng đãng trong veo, nếu không có tấm lòng được dọn dẹp đến thơm tho tinh sạch, thì Murakami khó có thể nhìn thế giới bằng ngôn từ một cách xuân mởn như thế”. Hoặc cách diễn đạt sử dụng một loạt từ Hán Việt trong đoạn văn sau cũng khiến người đọc lưu tâm: “Phải, văn chương nên thường xuyên biết phản tư, biết giải đại tự sự, lẩy hú họa những ví dụ xoàng, bớt tham vọng đúc kết khái quát… để trả con người từ tổng phổ cộng đồng về lược phổ cá nhân, từ trạng thái trời về trạng thái người, để giúp con người biết len sâu vào những tiểu ngạch của thế giới và bên trong chính mình nhằm bảo trì ý thức làm người. Văn chương chân chính là văn chương truy vấn về nhân tính”.

Nhan đề bài viết phải mang chủ đề chung và mỗi mục là một chủ đề bộ phận phục vụ cho chủ đề chủ đạo; phần mở dù gián tiếp hay trực tiếp cũng phải giới thiệu khái quát được nội dung cần trình bày. Nghe có vẻ đơn giản thế, nhưng không phải người viết nào cũng làm được. Ở khía cạnh này, Hoàng Đăng Khoa đã thành công.

Trong bài “Biểu đạt giới trong “Cánh đồng bất tận” và “Chúa đất” - những tương đồng gặp gỡ”, tôi rất tâm đắc với phần mở (khái quát được nội dung trình bày) và những tên mục (có sự đẳng cấu cấu trúc ngữ pháp và ngữ nghĩa) như: (1) “Khúc bi ca về thân kiếp đàn bà”, (2) “Khúc hoan ca về khoái lạc và tinh thần nổi loạn”, (3) “Khúc tụng ca về nhân vật nữ tận thiện tận mỹ”. Cách viết khoa học ấy sẽ giúp độc giả nếu không có thời gian đọc hết thì vẫn có thể nắm được nội dung cơ bản của cả bài viết.

Khi nghiên cứu phê bình văn học, Hoàng Đăng Khoa luôn ý thức về sự chặt chẽ, hài hòa giữa nội dung cần biểu đạt với phương thức và phong cách diễn ngôn, bởi nếu khuyết thiếu một trong hai thứ đó thì đều chưa đạt tới tiêu chí của một cây bút nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp: “Nhiều người viết nghiên cứu phê bình cốt tải được ý mà không chú trọng nắn nót, sáng tạo câu chữ. Nhiều người lại say sưa làm chữ quá mức, dẫn đến làm mệt, làm khó người đọc trong việc nắm ý”.

Hoàng Đăng Khoa kiến tạo một phong cách phê bình độc đáo và trở thành gương mặt phê bình sáng giá của thế hệ 7x. “Ngắn dần đều” bàn về nhiều vấn đề của nghệ thuật sáng tạo và tiếp nhận, nhưng mục đích sáng rõ nhất mà tác giả khuyến dụ bạn đọc là hướng đến những giá trị mới mẻ của văn học, dân tộc, hiện đại, mang tính nhân văn cao cả. Viết, với Hoàng Đăng Khoa, là cuộc truy vấn nhân tính, nhằm bảo trì ý thức làm người, và làm người viết.

Hà Nội, tháng 9/2024

Hoàng Kim Ngọc

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/hoang-dang-khoa-viet-de-truy-van-nhan-tinh-i743824/