Hoài niệm từ 'Vọng khúc người lính'
Những người cựu chiến binh buông tay súng trở về lại hòa vào dòng chảy muôn màu của cuộc sống. Ký ức người lính chiến luôn là một thanh ngân, rung vọng mãi trong tim những con người đã một thời là chiến sỹ. Bùi Quang Khánh đã đem vọng khúc ấy vào trang truyện ngắn 'Vọng khúc người lính' bằng hoài niệm về những tháng năm có đồng đội, gió sương và đạn pháo.
Bùi Quang Khánh là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Tập truyện ngắn đầu tay “Vọng khúc người lính” của ông do Nhà xuất bản Lao động phát hành quý IV, 2018. Tác phẩm có 9 truyện ngắn xoay quanh câu chuyện, thân phận người lính. Đó là hình ảnh những người lính Cụ Hồ anh dũng, kiên cường nơi chiến trường. Tuy họ trở về thân hình không còn lành lặn, chịu nỗi đau chiến tranh nhưng phẩm chất người lính vẫn lấp lánh bao điều tốt đẹp.

Tập truyện ngắn “Vọng khúc người lính” của Bùi Quang Khánh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Truyện ngắn “Những nửa hy sinh” xoay quanh 3 nhân vật anh bộ đội Quang, cô giáo Nhiên và người thương binh tên Suất. Trước khi ra chiến trường Quang và Nhiên yêu nhau tha thiết, mối tình vừa kịp nảy nở “đơm hoa kết trái” thì hai người phải chia tay nhau. Cô giáo Nhiên có bầu, nhưng vì sợ bạn trai không yên tâm chiến đấu nên cô giấu giếm mọi chuyện. Cái bụng ngày một to ra trước lời xì xào bàn tán, thương cô giáo Nhiên trẻ dại bị mang tiếng và có nguy cơ đình chỉ giảng dạy, anh thương binh Suất đã đứng ra nhận trách nhiệm… Sau bao năm trở về, Quang bàng hoàng khi nghe tin Nhiên đã lấy chồng và có con… Hiểu lầm lên tới đỉnh điểm thì Suất đã nói ra một sự thật nghẹn ngào. Suất không còn thiên chức của người đàn ông, chiến tranh đã lấy đi “báu vật” của anh. Tất cả mọi thứ giữa Suất và Nhiên chỉ trên danh nghĩa.
Truyện ngắn ca ngợi sự hy sinh, chịu đựng của “hậu phương”. Đó là nhân vật Nhiên thủy chung, anh thương binh Suất hào hiệp giang tay giúp đỡ mẹ con Nhiên lúc khó khăn. Tất cả đều là hậu phương vững chắc để anh lính trẻ Quang yên tâm cầm chắc cây súng bảo vệ đất nước. Truyện ngắn được đánh giá có lối viết mạch lạc, giọng văn giản dị, thâm trầm. Đọc “những nửa hy sinh”, độc giả như trải lòng trước trang nhật ký của Quang. Chính cách viết lấy nhân vật “tôi” làm người kể chuyện đã thể hiện được sâu sắc diễn biến tâm lý nhân vật Quang. Từ cảm xúc tha thiết với tình yêu lãng mạn, sự quyết tâm chiến đấu để có ngày trở về, sự giằng xé tâm lý, vỡ òa hạnh phúc khi gặp lại Nhiên và con gái.
“Yêu muộn” được đánh giá là câu chuyện hay và xúc động. Truyện khá dài với nhiều tình tiết xoay quanh biến động cuộc đời của nhân vật Sinh. Sinh từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường, thời bình trở về làm chỉ huy một đơn vị bộ đội. Những năm tháng sau chiến tranh, những tưởng cuộc sống bình yên, thế nhưng Sinh đã rơi vào vòng xoáy bi kịch. Đó là cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người vợ thực dụng, xã hội với những tên tham quan, mánh khóe… Tất cả dồn ép, Sinh đến đường cùng là xin về phục viên. Giữa những nỗi bất hạnh, mớ bòng bong ấy cô gái tên Khanh xuất hiện như cơn mưa rào trong những ngày khô hạn, Khanh đã giúp Sinh đi lên từ vực thẳm. Câu chuyện có kết thúc đầy tính nhân văn.
“Vọng khúc người lính” là thanh ngân trong trẻo của người lính can trường trở về cuộc sống bình yên. Họ mãi đong đầy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ: Ngay thẳng, thật thà, không khuất phục trước thói hư tật xấu... Đó là nhân vật Phụng luôn day dứt trước cái chết của đồng đội, ngày ngày vẫn không nguôi ước nguyện tìm lại mộ cho Diện trong truyện ngắn “Người sống”; anh bộ đội Hiện hiếu thảo, chân thành với gia đình trong truyện ngắn “Giỗ cha nuôi”; nhân vật ông cụ Xiển bao năm vẫn thủy chung nhớ đến mối tình đã qua trong truyện “Nắng về từ cõi vắng”…
Nhà văn Trịnh Thanh Phong cho biết: “Cất sách đi tôi vẫn thấy vẳng bên tai những âm thanh lạ, lồ lộ trong tâm những gương mặt rất lính, rất đời. Tôi có cảm giác tác phẩm như cái phím đàn mà các truyện ngắn là nốt nhạc cùng tấu lên một âm hưởng”. Chắc hẳn rằng đến với “Vọng khúc người lính” độc giả sẽ được sống lại những cung bậc xúc cảm buồn, vui, tự hào... để thấy được vẻ đẹp trong tâm hồn người lính Cụ Hồ.