'Họa rồng' phong cách Super Mario chào Xuân Giáp Thìn

Nhờ trí tưởng tượng bay cao và ngòi bút tài năng, hình tượng rồng trong thế giới quan của các họa sĩ trẻ được khắc họa với muôn hình vạn trạng.

Tác phẩm Rồng bay vào mộngcủa họa sĩ Duy Hồ lấy cảm hứng từ truyền thuyết về hành trình đi tìm miền đất hứa của vua Lý Thái Tổ cùng đoàn tùy tùng. Trong một đêm neo thuyền nghỉ ngơi trên sông và chờ xoáy nước tan đi, nhà vua nằm mơ thấy một con rồng bay lên từ chỗ xoáy nước ấy. Sau giấc mơ huyền diệu, Lý Thái Tổ quyết định lấy hình tượng rồng vàng bay lên cao để đặt tên mới cho thành Đại La là thành Thăng Long. Đây là một trong 13 tác phẩm xuất sắc của cuộc thi "Vẽ con rồng" nhằm gây quỹ cho Blue Dragon Children’s Foundation - Tổ chức từ thiện thực hiện giải cứu, hỗ trợ trẻ đường phố và nạn nhân của mua bán người trên khắp Việt Nam. Ảnh: Duy Hồ.

Ấn tượng với chi tiết rồng được chạm khắc tinh xảo ở các ngôi chùa cổ, họa sĩ Duy Tô đã sử dụng chất liệu mỹ thuật số (digital art) để tạo nên tác phẩm Chạm khắc rồng. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hình ảnh rồng thời Lý sinh động đến mức Duy Tô tưởng tượng nó đã thoát ra khỏi bản khắc gỗ, chuyển động mềm mại quanh cảnh vật thân thuộc của vùng quê Bắc Bộ. Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi - do TiredCity và Vietnam Local Artist Group đồng tổ chức - sẽ được sử dụng để thiết kế sản phẩm gây quỹ chính của dự án: lịch Giáp Thìn 2024. Ảnh: Duy Tô.

Trầu têm cánh phượng trao tay được xem là hành động mở đầu cho một tình yêu đẹp, sâu xa hơn là khởi nguồn của dòng máu Rồng - Tiên. Do đó, họa sĩ Kiều Như Trang muốn gửi gắm trong tác phẩm Kết duyên lời nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ cội nguồn cao quý, dòng máu mạnh mẽ chảy trong cơ thể, đồng thời biết yêu thương đồng bào và mạnh mẽ đối mặt với những vấn đề thời bình. Ảnh: Kiều Như Trang.

Tác phẩm Rồng và ngày mùa của họa sĩ Jean Xii ẩn chứa những ký ức tuổi thơ hồn nhiên, khi tác giả luôn nghĩ rằng có một con rồng vô hình lướt qua cánh đồng lúa, tạo thành những dải sóng dài ngoằng. Từ một học trò lén vẽ trong giờ Toán, Jean Xii giờ đây có thể vươn ngòi bút đến những điều lớn lao hơn - hiện thực hóa điều mà đứa trẻ ngày xưa tưởng tượng về một con rồng xuất hiện vào ngày mùa, nấp trong cơn gió, thầm nghe bà cháu tíu tít chuyện trần gian. Ảnh: Jean Xii.

Tác phẩm Super Long của họa sĩ Thiện Thiện là sự kết hợp "bá đạo" giữa tựa game Super Mario đình đám và hình tượng rồng trong tâm thức người Việt. Bức tranh "game hóa" chú rồng một cách sinh động, ngộ nghĩnh, biến chú trở thành tâm điểm của trò chơi. Qua đây, tác giả hy vọng mọi người sẽ được tiếp cận rồng theo hướng gần gũi hơn, đồng thời nhớ lại ký ức tuổi thơ tươi đẹp gắn liền với tựa game "huyền thoại". Ảnh: Thiện Thiện.

"Thuở sơ khai, nguồn gốc của chúng ta bắt đầu với câu chuyện Con Rồng cháu Tiên và điều đó sẽ mãi được lưu truyền với một niềm tự hào nhất" - đó là lời giới thiệu súc tích của họa sĩ Trường Thạnh về tác phẩm Sử Ký. Rồng trong cảm quan của tác giả hiện lên đầy uy nghiêm, mạnh mẽ và là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng (Phượng). Ảnh: Trường Thạnh.

Đưa rồng từ chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí ngày thơ ấu vào quá trình sáng tạo nghệ thuật, họa sĩ Bùi Thanh Phong đã cho ra đời tác phẩm sinh động mang tên Long Long du xuân. Nội dung tranh gắn liền với trò chơi rồng lượn mà tác giả luôn say mê mỗi khi đến cung văn hóa thiếu nhi. Hình ảnh rồng dài vô tận, uốn lượn mềm mại và bao bọc những đứa bé trong tranh giúp người xem liên tưởng đến người bạn lâu năm đáng trân quý. Ảnh: Bùi Thanh Phong.

Phong cách sáng tác đặc trưng - nghệ thuật vị lai (hay futuristic) - của họa sĩ Đặng Thái Tuấn một lần nữa được tái hiện rõ nét trong tác phẩm Hãng rồng bay Việt Nam. Chủ thể của bức tranh được mô tả là "chuyến rồng bay kết nối ba miền Bắc - Trung - Nam", dễ làm liên tưởng đến tàu sắt trên cao trong thực tế. Những tác phẩm của Thái Tuấn nhìn chung không chỉ gợi tả vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam mà còn mang dáng dấp của một đất nước hiện đại. Ảnh: Đặng Thái Tuấn.

Không muốn tái hiện hình ảnh rồng oai phong, họa sĩ Song Kim chọn "lối đi riêng" để mang đến chú rồng xanh mũm mĩm, dễ thương qua tác phẩm Hơi thở rồng. Nhiều cư dân mạng thích thú với tạo hình mới lạ của rồng và đùa vui rằng rồng này cần giảm cân. Ẩn ý của tác phẩm là việc mọi người sở hữu hơi thở hay sức mạnh nội tại mạnh mẽ như rồng trong năm mới. Ảnh: Song Kim.

"Tùng tùng cắc cắc/Lúc lắc con rồng/Rước từ cổng trường/Lên phòng hiệu trưởng" - tác phẩm Rồng đỏ của họa sĩ Hoàng Sơn Hà thực chất là hình ảnh chồng ghế đỏ quen thuộc với học sinh vào mỗi thứ Hai chào cờ. Chuyển động bê ghế cách điệu thành hình rồng của tác giả khiến người xem hồi tưởng ký ức "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Ảnh: Hoàng Sơn Hà.

Tác phẩm Thăm vườn Vân Long của họa sĩ Vũ Đức Anh lấy cảm hứng từ câu chuyện truyền miệng về việc mỗi khi trời mưa là rồng xuất hiện, phun mưa hay chính là tưới nước cho cây cỏ hoa lá. Từ đó, tác giả quyết định trực quan hóa hình ảnh một con rồng mang theo bình tưới nước, đi muôn nơi trên trần gian để chăm sóc cho khu vườn tốt tươi, ngập tràn màu sắc thiên nhiên của mình. Ảnh: Vũ Đức Anh.

Hồi bé, họa sĩ Nguyễn Ngọc Thành từng ước được ngắm nhìn, chạm vào con diều hình rồng dài vô tận trên TV. Đó là nguồn cảm hứng để tác giả tạo nên tác phẩm Giấc mơ trên trời nhằm bay cao với cảm xúc tuổi thơ kỳ diệu, hòa mình vào cảnh chân trần thả diều cùng đám trẻ đầu trên xóm dưới. Trong quá trình hoàn thiện bức tranh, điều Thành nhớ nhất là những trưa hè lén thu thập cọc tre, túi nylon và cuộn kim chỉ của mẹ để tự làm diều. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thành.

Ở góc độ nào đó, rồng đối với họa sĩ Trần Thành Đạt không phải linh vật hư cấu mà chính là những em nhỏ trắng đêm, thổi lửa dạo mưu sinh ở khắp các địa điểm ăn uống trong thành phố. Tác giả đã nhiều lần bắt gặp hình ảnh này nên quyết định khắc họa trong tác phẩm Tiểu long thổi lửa. Đó là hình ảnh đẹp nhưng đáng thương, được Đạt thể hiện một cách đơn giản nhưng ẩn chứa thực trạng đáng suy ngẫm. Ảnh: Trần Thành Đạt.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/muon-cach-hoa-rong-chao-nam-giap-thin-post1458014.html