'Hóa giải' nỗi đau chiến tranh bằng phim 'Khúc mưa'

30-4 là ngày sum họp, ngày vui khi đất nước thống nhất liền một dải của cả dân tộc nhưng cũng có một bộ phận những người Sài Gòn di tản, vượt biên từ bỏ đất mẹ ra đi.

Gần nửa thế kỷ sau ngày thống nhất, khoảng thời gian đủ để có độ lùi nhìn lại, để nhận thức được rằng chiến tranh đã để lại những nỗi đau hằn sâu trên thân phận người Việt.

Và nỗi đau đó cần phải được hóa giải, khép lại hận thù để hướng tới những giá trị nhân văn. “Khúc mưa”- bộ phim truyện do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đã khai thác đề tài hậu chiến, tâm lý xã hội, với những uẩn khúc, ám ảnh về ký ức chiến tranh trong quá khứ sẽ mang đến cho người xem cảm xúc lắng đọng về tình người, tình mẫu tử.

Trailer phim "Khúc mưa".

Bộ phim “Khúc mưa” do Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân làm Giám đốc sản xuất; biên kịch: Trung tá Nguyễn Thu Dung; đạo diễn: NSƯT Bùi Tuấn Dũng; các diễn viên tham gia trong phim: Trương Minh Quốc Thái, Lê Phương, Thanh Hiền, Phạm Anh Dũng, Thu Thủy...

“Khúc mưa” như “nốt nhạc” xua tan nỗi đau, sự hận thù

“Khúc mưa” tên của bộ phim mang đến cảm giác mát mẻ, tươi mới cho người xem. Mưa như để xua tan nỗi đau, sự hận thù để hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn, đẹp đẽ hơn.

“Khúc mưa” là bộ phim kể về bi kịch một gia đình sống ở chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Tâm - con trai Hùng (sau này lớn lên có thêm tên gọi là Kevil) - một cậu bé 6 tuổi cùng cha vượt biên cuối những năm thập niên bảy mươi và gặp nạn trên biển. Cậu thoát chết nhưng cha cậu đã bỏ xác lại biển sâu. Mẹ cậu ở lại và kết hôn với một người khác là cựu chiến binh, một cán bộ cách mạng. Kevil đem lòng thù hận mẹ. Những ám ảnh trong ký ức khiến Kevil sợ biển, anh mắc chứng bệnh “Tâm lý ám ảnh sợ”- một chứng tâm thần nhẹ.

Diễn viên Lê Phương trong vai mẹ Kevil khi còn trẻ và con trai. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Hơn bốn chục năm sau, Kevil giờ đã là một trung niên trưởng thành, anh trở lại Việt Nam. Sau bao năm lưu lạc. Liệu Kevil có được đoàn tụ cùng gia đình, nỗi oán hận người mẹ trong quá khứ có được hóa giải?. Qua diễn xuất của diễn viên Trương Minh Quốc Thái, người xem sẽ cảm nhận nỗi đau của nhân vật. Cốt truyện phim nặng về tâm lý và chậm nhưng dùng nhiều phân đoạn đan xen để tăng tiết tấu và giữ nhịp kể cho phim. Hệ thống hình ảnh nhất quán bằng những cú máy dài, diễn xuất liền mạch, hạn chế cắt cảnh sẽ mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.

Là một đạo diễn trẻ thuộc thế hệ 7X, Bùi Tuấn Dũng đã sớm gặt hái thành công với nhiều giải thưởng nhưng với anh, thành công hay giải thưởng thì không liên quan đến việc chọn lựa phim để làm.

“Thực ra không có đề tài nào là lớn hay nhỏ cả, chỉ là việc người đạo diễn để vào đó bao nhiêu tâm sức thì bộ phim sẽ trở lên sâu sắc hay hời hợt mà thôi. Tất nhiên cũng có khá nhiều bộ phim tốn nhiều nhiệt huyết mà vẫn nhạt. Tôi thấy kịch bản của bộ phim thú vị thì tôi nhận lời hợp tác với Điện ảnh Quân đội nhân dân để thực hiện”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết.

Bộ phim “Khúc mưa” không kể bằng phương pháp thông thường theo trình tự thời gian; hiện tại và quá khứ đan xen với những bí mật được lật giở dần dần gây tò mò hấp dẫn để lôi cuốn khán giả. Tạo ra một cách kể mới cho loại phim ít xung đột bên ngoài và nhiều xung đột nội tâm. Cao trào được đưa từ từ và dồn nén đến cùng mới “bùng nổ”.

Theo nhà biên kịch, Trung tá Nguyễn Thu Dung, đây là bộ phim được kể bằng một thủ pháp nhất quán theo phương pháp gợi mở từ một hệ thống chi tiết tinh tế được lựa chọn và cài cắm kỹ lưỡng. Từ chiếc xe đồ chơi được anh Hai Lân- bộ đội phục viên làm theo mẫu xe Gaz 63 đến tấm ảnh người mẹ để trong ví của Kevil mà mỗi lần không làm chủ bản thân hoặc lên cơn điên, anh nhìn vào nó để kìm chế.

Nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung cho rằng, cái khó của đề tài phim thời hậu chiến là phải tiếp cận được với các vấn đề của đời sống hiện đại, chứ không chỉ đơn thuần là kể lại câu chuyện của ngày xưa. Điều khó hơn nữa là phải làm sao để phim chạm được vào trái tim của khán giả.

Khắc họa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong phim

Thông qua câu chuyện về cuộc sống và xung đột do hiểu nhầm tạo ra bi kịch của một gia đình ngụy quân Sài Gòn, bộ phim thể hiện sự hòa giải, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng hướng về cội nguồn đất mẹ, Tổ quốc đồng thời ca ngợi phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

Cảnh trong phi "Khúc mưa". Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Đại tá, NSƯT Phạm Tiến Cường cho biết: Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa trong phim “Khúc mưa” thông qua nhân vật Hai Lân, bộc lộ sự cảm thông và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây là nhân vật bước ra từ chiến tranh và mang trong mình vết thương từ những năm tháng tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vì thế, trong tâm hồn của ông luôn chứa đựng lòng vị tha và rất giàu tình yêu thương con người. Hai Lân-nhân vật như một chiếc cầu nối để xóa bỏ hận thù, để nối lại tình yêu giữa mẹ con Kevin. Chỉ có tình yêu của Hai Lân mới cảm phục, mới hàn gắn được vết thương lòng của vợ và người con trai sau bao năm lưu lạc. Vòng tay đại lượng của người chiến sĩ từng vào sinh ra tử ở chiến trường rất cần thiết cho chủ đề của bộ phim, nhằm khắc họa hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Đây là một hình tượng đẹp về người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Là những nghệ sĩ làm phim chuyên nghiệp, yêu nghề và có trách nhiệm, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, việc hợp tác với Điện ảnh Quân đội để thực hiện bộ phim này với một tâm thế rất thoải mái, mong muốn mang đến cho khán giả một món ăn tinh thần hấp dẫn.

"Đảm nhận vai Kevil (Trương Minh Quốc Thái thể hiện) và mẹ hồi trẻ (diễn viên Lê Phương thể hiện) là hai gương mặt nổi tiếng của điện ảnh nước nhà đã hoàn thành rất tốt vai diễn của mình”, đó là khẳng định của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng về hai nhân vật trong phim. Hai diễn viên rất yêu nghề và nghiêm túc trong công việc. Ngoài ra, họ còn có những sự tìm tòi để thể hiện sao cho tốt nhất vai diễn của mình.

Khi được hỏi về vai diễn Kevil, diễn viên Trương Minh Quốc Thái cho biết: Vai diễn này cũng là một trải nghiệm mới với tôi. Nhân vật bị sang chấn tâm lý. Đây là một vai diễn thật sự rất nặng về tâm lý. Vì hoàn cảnh lúc nhỏ, do sự hiểu lầm mà Kevil mang sự hận thù với người mẹ đã sinh ra mình. Trải qua biết bao biến cố khủng khiếp của cuộc đời khi mới lên 6 tuổi, để giờ đây, Kevil mang một tính cách đầy khác biệt, vừa là một gã trung niên lại là một đứa trẻ con. Chính tính cách này đã hấp dẫn tôi đến với vai diễn. Tuy nhiên, đây cũng là một thử thách với bản thân để khám phá thế giới bên trong của nhân vật Kevil. Điều tôi cảm thấy tâm đắc của bộ phim “Khúc mưa”, đó chính là thông điệp của phim. Nỗi đau chiến tranh của ngày xưa cần phải được hóa giải, khép lại hận thù để hướng tới một cuộc sống đầy yêu thương của tình người.

Được biết, những năm qua, Điện ảnh Quân đội đã sản xuất nhiều bộ phim truyện về đề tài hậu chiến như: Người trở về; Vũ khúc ánh trăng; Đất lành... Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim “Khúc mưa ” sẽ được chiếu tại Hà Nội và phát hành trong mạng lưới chiếu phim toàn quân. Sau đó, Điện ảnh Quân đội phối hợp với Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) trình chiếu trên hệ thống mạng lưới chiếu phim toàn quốc, phát sóng trên các đài truyền hình trong cả nước. Phim sẽ được công chiếu tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội vào tối 26-4.

Với những đề tài mang vấn đề xã hội thì cái khó là làm cho khán giả hiểu mình và hội đồng duyệt sẻ chia quan điểm của mình và “Khúc mưa” sẽ chinh phục được điều mà các nhà làm phim mong đợi, đó là một “cơn mưa” đầu hè, luồng gió mới của điện ảnh nước nhà trong những ngày tháng tư lịch sử.

KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/hoa-giai-noi-dau-chien-tranh-bang-phim-khuc-mua-657705