Hòa Bình thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch

Cùng với việc đẩy mạnh tái đàn, tỉnh Hòa Bình tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ cơ sở chăn nuôi phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, tổng vệ sinh, sát trùng, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cũng như các loại dịch bệnh khác.

Hộ chăn nuôi lợn xóm Trường Sơn (xã Ngọc Lương, Yên Thủy) rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi. Ảnh: BÙI MINH

Xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đầu tháng 3-2019 DTLCP loang ra 1.349 hộ, 137 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố, tổng số lợn ốm, chết và bị tiêu hủy 14.332 con. Từ đầu năm 2020 đến nay, DTLCP đang giảm mạnh cả về số ổ dịch phát sinh và số lượng lợn tiêu hủy, hiện có năm huyện, 11 xã đã qua 30 ngày không có lợn ốm, chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang hướng dẫn thủ tục công bố hết dịch. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tổng số lợn trên địa bàn tỉnh là 410.301 con, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cả năm 2020 trong tỉnh khoảng 63 nghìn tấn; từ tháng 2 đến tháng 6-2020, mỗi tháng trung bình cung cấp cho tiêu thụ trong tỉnh khoảng 5,2 nghìn tấn lợn hơi.

Lương Sơn là huyện có số trang trại và hộ chăn nuôi nhiều nhất tỉnh Hòa Bình. Về xóm Rộm, xã Cư Yên, hỏi các hộ dân về công tác phòng, chống DTLCP thấy các gia đình đều thành thạo về quy trình đã và đang tiếp tục áp dụng cho đàn lợn của nhà mình. Ông Hoàng Văn Minh, một chủ hộ chăn nuôi chia sẻ: "Hiện gia đình tôi có bảy con lợn nái, 30 con lợn thịt và hai đàn lợn con chưa tách mẹ... Tất cả đều được thực hiện chặt chẽ theo quy trình phòng, chống DTLCP, từ công tác phun thuốc khử trùng ngày một lần và tiêm phòng vắc-xin theo định kỳ; từ năm đến bảy ngày lại rải vôi bột khắp từ lối đi đến chung quanh chuồng trại. Nhờ vậy cho nên đợt dịch vừa qua nhà tôi không có con lợn nào bị dịch, lợn mẹ vẫn sinh sản để tách nuôi thành lợn thịt. Vừa qua, gia đình tôi xuất chuồng được 30 con lợn thịt, trung bình mỗi con hơn sáu triệu đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng gần ba triệu đồng/con".

Ðể vào thăm trại chăn nuôi lợn Thành Long thuộc Công ty TNHH Thành Long, tất cả khách đều phải qua phòng phun khử trùng, bước qua hố nước khử khuẩn rồi mặc quần áo bảo hộ mới được vào, nhưng vẫn phải dừng cách chuồng trại 200 m2. Công ty mua một chiếc ô-tô 2,5 tấn chỉ để vận chuyển riêng bên trong trang trại. Còn 15 cán bộ, công nhân trong trang trại, mỗi lần về nghỉ phép quay lại trang trại đều phải cách ly hai ngày. Hiện trang trại Thành Long có 300 con lợn nái và 700 con lợn thịt, đợt DTLCP vừa qua, trang trại không bị ảnh hưởng gì. Từ đầu năm 2020 đến nay, trang trại đã xuất 1.500 con lợn giống.

Tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, bà Bùi Thị Tỵ cho biết: "Gia đình tôi xây hai khu chuồng lợn nái và lợn thịt cách xa nhau, mặc dù tuân thủ rất đúng các quy trình phòng DTLCP nhưng hồi trong Tết, 20 con lợn thịt của gia đình cũng bị bệnh phải chôn hủy theo quy định. May mà sáu con lợn nái cách ly tốt cho nên không bị sao, đến nay đã tái đàn hơn 40 con lợn con chuẩn bị tách đàn theo hướng dẫn của ngành thú y".

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Ðắc Hùng cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống DTLCP đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt các cấp chính quyền cơ sở, các đơn vị liên quan chủ động trong công tác phòng, chống dịch, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác bệnh DTLCP; hướng dẫn người chăn nuôi thực hành tốt chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh môi trường, thu gom chất thải tại các chuồng có gia súc bị bệnh, xử lý bằng cách đốt, ủ, dùng vôi bột rắc nền lối đi lại, đường ngõ, xóm và chung quanh chuồng nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy định. Ðối với cơ sở nuôi tái đàn lợn, chủ cơ sở nuôi phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện nuôi tái đàn lợn; có chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y.

TRẦN HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43776402-hoa-binh-thuc-hien-nghiem-ngat-quy-trinh-phong-chong-dich.html