Hồ sơ mật: Người sáng lập cơ quan tiền thân của CIA là ai ?

Chắc hẳn không còn mấy người là không biết tới Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Tuy nhiên, ít ai biết rằng tiền thân của nó chính là Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS).

William Joseph Donovan - Người sáng lập OSS

William Joseph Donovan sinh ngày 1-1-1883 tại thành phố Buffalo trong một gia đình công chức người Ireland gốc Mỹ. Ông từng theo học Trường trung học St. Joseph - một trường của Công giáo rồi tiếp tục theo học tại Đại học Niagara - nơi được đào tọ sẽ trở thành các linh mục tương lai. Tuy nhiên, nhận thấy trở thành một linh mục không phù hợp với bản thân nên Donovan quyết định theo học luật. Donovan tốt nghiệp ngành tư pháp tại Trường Luật Columbia ở bang New York và trở thành luật sư. Với tài hùng biện, Donovan nhanh chóng thành công với nghề luật sư và mở một công ty luật.

Donovan nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp khi đang là Tiểu đoàn trưởng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ảnh: warfarehistorynetwork

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Donovan nhập ngũ và tham gia các chiến dịch quân sự tại biên giới Mỹ - Mexico. Con đường binh nghiệp của ông cũng rất rộng mở, khi ông trở thành tiểu đoàn trưởng, rồi trung đoàn trưởng, từng chỉ huy và tham gia vào rất nhiều chiến dịch quân sự của quân đội Mỹ, điển hình là chiến dịch Aisne-Marne chống lại cuộc tấn công của phát xít Đức vào mùa xuân năm 1918. Với sự dũng cảm, mưu trí và tài thao lược, Donovan được trao tặng Huân chương Danh dự và phong quân hàm Thiếu tướng.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Donovan quay lại với nghề luật sư và ông trở nên nổi tiếng với tư cách một “chiến binh” chống tội phạm. Thậm chí nhiều lần ông bị các băng nhóm tội phạm đe dọa ám sát.

Trong thời gian giữa hai thế chiến, Donovan điều hành một công ty luật. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, ông còn xây dựng một mạng lưới các luật sư, doanh nhân chuyên theo dõi và thu thập tin tức tình báo về các vấn đề quốc tế. Donovan cũng được giới lãnh đạo Mỹ để ý tới khi đưa ra dự đoán: Một cuộc chiến thứ hai ở châu Âu sắp diễn ra và điều này là không thể tránh khỏi. Đây chính là yếu tố đã đưa ông đến với ngành tình báo.

Con đường đến với ngành tình báo

Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt từng là bạn học của Donovan tại Trường Luật Columbia nên sớm nhận ra khả năng và tố chất hoạt động tình báo của Donovan. Năm 1940, Donovan được Tổng thống Roosevelt giao nhiệm vụ đến châu Âu khảo sát và tiếp thu kinh nghiệm hoạt động tình báo của một số nước. Sau khi về nước, Donovan phụ trách tổng hợp công tác tình báo của các bộ, ngành thuộc chính phủ.

Donovan bàn kế hoạch cùng các thuộc cấp trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh: SOCOM

Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Roosevelt đặt nước Mỹ vào tình trạng chiến tranh, đồng thời nước này chưa có cơ quan tình báo thống nhất, tháng 7-1941, Tổng thống Roosevelt tuyên bố thành lập Cơ quan Điều phối tình báo do Donovan làm Giám đốc. Tháng 6-1942, Cơ quan Điều phối tình báo được mở rộng thành Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS), vẫn do Donovan đứng đầu, với ba nhiệm vụ chính là: Thu thập tin tức, tuyên truyền phá hoại và hoạt động phá hoại (có sự phối hợp của quân đội).

Thời gian đầu, việc thành lập một cơ quan tình báo riêng đã vấp phải sự chống đối của giới lãnh đạo quân đội và ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, OSS vẫn được xây dựng và trở thành một cơ quan tình báo mạnh, hoạt động lấn át các tổ chức tình báo khác. OSS nhận được nguồn tiền rất lớn (ngân sách năm 1945 lên tới 59 triệu USD). Lúc này, Donovan đã mời và tuyển mộ được một đội ngũ cán bộ bên ngoài, chưa hề hoạt động tình báo bao giờ, như nhân viên các công ty, nhân viên các ngân hàng, chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, giáo sư trong tất cả các lĩnh vực khoa học hiện đại, nhà văn, nhà báo, nhạc công, chuyên viên kỹ thuật, thợ lành nghề, thậm chí cả những tên lừa đảo chuyên nghiệp và những tay “gangster” làm việc cho mình. Ngoài ra, Donova còn tuyển dụng các nữ điệp viên, gạt bỏ những định kiến cho rằng phụ nữ không phù hợp với công việc đặc thù này.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới trướng của Donovan đã có đến 15.000 điệp viên thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các nước trên thế giới. Những điệp viên không chuyên này đã sáng tạo ra nhiều phương pháp hoạt động tình báo và phá hoại độc đáo của riêng mình mà những điệp viên chuyên nghiệp thường không làm được do bị gò bó bởi thói quen, lối mòn, nguyên tắc và bệnh quan liêu.

Những thành tích nổi bật

Dưới sự lãnh đạo của Donovan, OSS đã thiết lập được mạng lưới tình báo rộng khắp ở các nước trên thế giới, thực hiện nhiệm vụ mã thám, đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của quân đội Mỹ tại Midway năm 1943, đồng thời đào tạo lớp lãnh đạo chủ chốt cho cơ quan tình báo Mỹ. Ngoài ra, OSS còn triển khai chiến tranh du kích rộng khắp ở châu Á và châu Âu.

Donovan (giữa) ăn tối cùng bạn bè tại thành phố Denver, bang Colorado năm 1951. Ảnh: Getty Images

Cuối năm 1943, Tổng thống Roosevelt tán thành đề nghị của Donovan về việc OSS bắt đầu hợp tác với tình báo Xô viết. Trong thời gian hợp tác giữa hai cơ quan tình báo, phía Mỹ đã cung cấp những thông tin chính trị và quân sự đặc biệt có giá trị trong những năm chiến tranh, gồm: Thông tin về tình hình tại Đức và các nước bị chiếm đóng, các bản tổng hợp tin tình báo về các vấn đề riêng rẽ, bản tổng kết phân tích khả năng của nền công nghiệp phát xít Đức, đánh giá tình hình giới lãnh đạo Đức quốc xã, tình hình Hungary, Rumania và Bungaria.

Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, Donovan phát biểu nguyện vọng muốn trao đổi tài liệu về máy móc kỹ thuật cho hoạt động phá hoại, nhưng ông chỉ cung cấp được một cuốn danh mục có ảnh minh họa loại vũ khí và máy chuyên dụng khiến các chuyên gia quan tâm. Về phần mình, tình báo Xô viết đã chuyển cho đối tác các báo cáo về tình hình quân đội Đức, tình trạng vũ trang, đánh giá tương lai chính trị của nước Đức; thông tin về các nhà máy hóa chất bí mật tại Đức và Ba Lan chuyên sản xuất chất độc; về nhà máy ngầm ở Svinemunde; về trạm thử nghiệm tên lửa tại Merzeburg; và về tình hình chính trị bên trong Bulgaria. Tháng 5-1944, theo yêu cầu của Donovan, người ta đã chuyển cho ông thông tin về các máy móc và phương pháp phá hoại, đặc biệt là về kinh nghiệm sử dụng mìn nổ chậm và các khảo sát nhằm hoàn thiện phương tiện phá hoại.

Tháng 6-1944, Donovan viết thư báo cáo Tổng thống Mỹ: “Trong vòng 18 tháng, OSS đã nhận được 1.600 điện mật và tối mật trao đổi giữa Bộ Ngoại giao Đức và các phái đoàn đại diện nước ngoài của Đức ở 20 nước trên thế giới. Trong các bức điện trao đổi đó có các báo cáo của tùy viên quân sự và tùy viên không quân của Đức ở Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ và các tài liệu về hoạt động tình báo của Đức ở Anh, Đại sứ quán Anh ở Istanbul”.

Tổng thống Mỹ Harry Truman gắn huy chương của Tổng thống Mỹ tặng Donovan năm 1946. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, trong giai đoạn 1943-1945, Donovan đã tổ chức thành công các chiến dịch tung gián điệp vào hậu phương của đối phương ở Pháp, Italy, Myanmar, Thái Lan, Algieria và một số nước khác. Ngày 9-4-1944, một số điệp viên đầu tiên trong số 100 điệp viên của Chiến dịch SUSSEX do OSS kiểm soát bắt đầu nhảy dù vào khu vực phía Bắc nước Pháp. Mấy ngày sau, các điệp viên bắt đầu chuyển tin tình báo thu thập được về London, chỉ vài tuần trước khi quân Đồng minh đổ bộ, báo cáo về việc di chuyển lực lượng của quân đội Đức quốc xã và xác định mục tiêu cho máy bay ném bom của quân Đồng minh.

Đến cuối cuộc chiến, các tướng lĩnh thuộc quân đội và quan chức ngoại giao Mỹ đã buộc phải thừa nhận rằng tổ chức của Donovan “đã vượt xa họ và đến đích đầu tiên”. Riêng cơ sở của OSS đặt tại Berne (Thụy Sĩ) do Allen Dulles (sau này là Giám đốc CIA) chỉ đạo đã khai thác lượng thông tin về phát xít Đức nhiều hơn cả quân đội và Bộ Ngoại giao Mỹ cộng lại.

Giã từ sự nghiệp

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Donovan bắt đầu tập trung vào việc duy trì hoạt động của OSS. Giai đoạn này, một số kế hoạch, ý tưởng Donova đưa ra đã không nhận được sự tán thành của Tổng thống Roosevelt. Đặc biệt, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khi đó là John Edgar Hoover đã kịch liệt phản đối hoạt động của OSS dưới sự chỉ huy của Donovan vì cho rằng các hoạt động của OSS là mối đe dọa đối với FBI. Sau khi Tổng thống Roosevelt qua đời, uy tín và vị thế chính trị của Donovan cũng suy yếu đáng kể. Ngày 20-9-1945, Tổng thống Mỹ mới là Harry Truman ra lệnh giải tán OSS vì “đã hoàn thành sứ mệnh”. Do không hài lòng với quan điểm chống Liên Xô cực đoan của Tổng thống Truman, Donovan xin từ chức và trở về với nghề luật sư ở thành phố New York.

Donovan, người sáng lập OSS - tiền thân của CIA, chụp ảnh cùng con dâu Mary Donovan. Ảnh: AP

Donovan qua đời ngày 8-2-1959, tại Trung tâm Y tế quân đội Walter Reed ở Washington D.C. và được an táng tại Nghĩa trang quốc gia Arlington. Khi biết về sự ra đi của ông, CIA đã gửi đi bức điện tín đến các bộ phận thông báo rằng: “Donovan - người quyết định đến sự tồn tại của CIA đã qua đời”. Tổng thống Mỹ Eisenhower khi nghe tin đã đến đích thân đến viếng mộ ông. Để tôn vinh Donovan, CIA đã cho đặt bước tượng của ông ngay tại tiền sảnh tòa nhà trụ sở CIA tại thành phố Langley, Virginia.

Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.

MINH ANH (tổng hợp từ The New York Times, Military History, SOCOM, OSS Society)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-nguoi-sang-lap-co-quan-tien-than-cua-cia-la-ai-715698