Hồ Chí Minh - Tên Người sống mãi trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế

Tháng Năm lại về, cả dân tộc Việt Nam lại bồi hồi tưởng nhớ, thành kính tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, người thầy của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22/3/1960. Ảnh tư liệu

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2025), không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà còn là cơ hội để nhận thức sâu sắc hơn giá trị trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là vai trò soi đường, dẫn dắt của Người trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước hiện nay.

Tên Người, tư tưởng của Người không chỉ là di sản quý báu của quá khứ mà còn là ngọn đuốc soi sáng, là kim chỉ nam cho hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Học viện Lục quân phát biểu tại Hội thảo Khoa học Di sản Giáo dục Hồ Chí Minh do Học viện tổ chức ngày 16/5. Ảnh: Thân Thu Hiền

Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Học viện Lục quân phát biểu tại Hội thảo Khoa học Di sản Giáo dục Hồ Chí Minh do Học viện tổ chức ngày 16/5. Ảnh: Thân Thu Hiền

DI SẢN HỒ CHÍ MINH - NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG VỮNG CHẮC CHO ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản đồ sộ, trong đó cốt lõi là tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam. Đó là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Những tư tưởng này không chỉ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước mà còn là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, Đảng ta đã khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chính là mục tiêu mà công cuộc đổi mới hướng tới. Người từng căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.64). Thấm nhuần lời dạy đó, đổi mới trước hết là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ luôn là nguyên tắc tối thượng. Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.131). Độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, biệt lập mà phải gắn liền với mở cửa, hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Chính Người đã sớm nhận thấy xu thế toàn cầu hóa và sự cần thiết phải tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác quốc tế. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi khắp năm châu bốn biển, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, học hỏi tinh hoa nhân loại. Tư duy mở, tầm nhìn vượt thời đại ấy của Người chính là cơ sở để Đảng ta hoạch định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong giai đoạn đổi mới.

Tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới. Người dạy: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.280). Công cuộc đổi mới là sự nghiệp của toàn dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chính sự đồng lòng, chung sức của mọi tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm đổi mới.

5 đại biểu tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 16 - 18/5. Ảnh: Việt Quỳnh

5 đại biểu tỉnh Lâm Đồng tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VIII do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 16 - 18/5. Ảnh: Việt Quỳnh

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH SOI ĐƯỜNG CHO SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam là một quá trình tìm tòi, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong hành trình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là ngọn hải đăng soi đường.

Tinh thần đổi mới, sáng tạo, không ngừng học hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần đổi mới, sáng tạo. Người không bao giờ bằng lòng với những gì đã có, luôn tìm tòi con đường mới, cách làm hay để đưa cách mạng tiến lên.

Người cũng đặc biệt coi trọng việc học hỏi, kể cả học hỏi kinh nghiệm của các nước bạn. Tinh thần này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Đảng và Nhân dân ta trong việc mạnh dạn từ bỏ những mô hình cũ, không còn phù hợp, tìm kiếm những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tiễn là thước đo chân lý:Một trong những đặc điểm nổi bật trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự gắn bó mật thiết giữa lý luận và thực tiễn. Người luôn xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, chứ không giáo điều, máy móc.

Đường lối đổi mới của Đảng ta chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng này. Từ thực tiễn đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mà trọng tâm là đổi mới kinh tế.

Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại: Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Người sớm nhận thấy cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới.

Trong giai đoạn đổi mới, Việt Nam đã phát huy tối đa nội lực; đồng thời, tranh thủ hiệu quả ngoại lực (vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý...) để phát triển nhanh và bền vững. Việc chủ động tham gia vào các tổ chức khu vực và quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là minh chứng rõ nét cho sự vận dụng thành công tư tưởng này.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định sự thành bại của cách mạng. Người yêu cầu Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Trong giai đoạn đổi mới, Đảng ta luôn xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là sự tiếp nối và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Một góc trung tâm TP Đà Lạt hiện nay và sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận. Ảnh: Chính Thành

Một góc trung tâm TP Đà Lạt hiện nay và sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận. Ảnh: Chính Thành

TƯ TƯỞNG NGOẠI GIAO HỒ CHÍ MINH - KIM CHỈ NAM CHO HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong di sản của Người, là sự kết tinh những giá trị truyền thống ngoại giao của dân tộc, những tinh hoa văn hóa Đông - Tây và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là nền tảng vững chắc cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”: Đây là một trong những phương châm hành động xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bất biến” chính là mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, lợi ích quốc gia - dân tộc. “Vạn biến” là sách lược mềm dẻo, linh hoạt, tùy theo tình hình cụ thể mà có đối sách phù hợp.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, phức tạp như hiện nay, nguyên tắc này càng có ý nghĩa thời sự sâu sắc, giúp Việt Nam giữ vững mục tiêu chiến lược; đồng thời, linh hoạt ứng phó với những thách thức, nắm bắt cơ hội để phát triển.

Chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao hòa bình, mong muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không gây thù chuốc oán với một ai. Người từng nói: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.256). Tinh thần này đã trở thành phương châm chỉ đạo cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đoàn kết quốc tế, ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội: Xuất phát từ chủ nghĩa quốc tế vô sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc đoàn kết với các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Ngày nay, Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, gìn giữ hòa bình.

Ngoại giao nhân dân, ngoại giao tâm công:Bên cạnh ngoại giao nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng ngoại giao nhân dân, coi đây là một mặt trận quan trọng để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Người cũng là bậc thầy về “tâm công” - chinh phục lòng người bằng sự chân thành, chính nghĩa. Phát huy tư tưởng này, Việt Nam đã và đang triển khai hiệu quả công tác ngoại giao nhân dân, thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác.

Em bé Đà Lạt chụp ảnh cùng lá cờ Tổ quốc trong khung cảnh bình yên, như minh chứng thêm cho thông điệp Hòa bình đẹp lắm. Ảnh: Nam DT

Em bé Đà Lạt chụp ảnh cùng lá cờ Tổ quốc trong khung cảnh bình yên, như minh chứng thêm cho thông điệp Hòa bình đẹp lắm. Ảnh: Nam DT

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG BỐI CẢNH MỚI: KHÁT VỌNG VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG

Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu, đất nước ta cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống (biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng...) nổi lên. Trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Đó là cơ sở để chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đó cũng là nền tảng để Việt Nam thực hiện thành công đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam tự soi lại mình, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tên Người - Hồ Chí Minh - không chỉ là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Người hằng mong muốn. Di sản của Người sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, dẫn dắt dân tộc ta vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, vì một tương lai tươi sáng.

Trung tá NGUYỄN QUỐC DUY - Học viện Lục quân

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/ho-chi-minh-ten-nguoi-song-mai-trong-su-nghiep-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te-d747d4a/