Hình tượng chiến sĩ Biên phòng trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng, cảm hứng văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã luôn tạo nên những trường ca, tổ khúc thơ và hàng vạn bài thơ có giá trị và tạo nên một dòng thơ cách mạng. Trong kho tàng thơ đồ sộ được sáng tác trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đề tài biên giới, nhân dân các dân tộc nơi biên giới và người lính Biên phòng chiếm một vị trí đáng kể với những áng thơ hào hùng, tạo được cảm xúc lắng đọng, sâu sắc trong lòng độc giả cả nước.

Tuyển tập "Nửa thế kỷ thơ Biên phòng" lưu giữ nhiều áng thơ hay, cảm xúc về hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng nơi tuyến đầu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tuệ Lâm
Mùa Xuân năm 1959 đã lưu một mốc son đáng nhớ trong đường lối chiến lược của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và cũng là mốc son về sự ra đời, trưởng thành của một lực lượng được sinh ra để gắn bó với miền biên ải. Đó cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, khu vực biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời trở thành những vùng đất trọng điểm mà Mỹ-ngụy tăng cường bắn phá, tung gián điệp, biệt kích xâm nhập và kích động thổ phỉ nổi dậy. Từ mùa Xuân ấy, mang trong tim lời huấn thị bằng thơ của vị Cha già dân tộc, những chiến sĩ quân hàm xanh đến từ các lực lượng Quân đội, Công an hợp thành đã bắt đầu một hành trình gian nan mà đầy kiêu hãnh.
Trong hoàn cảnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vững mạnh, các đơn vị không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chịu đựng gian khổ hy sinh, cần kiệm, xây dựng đơn vị và đẩy mạnh mọi phong trào thi đua trên các mặt công tác, chiến đấu. Những người lính quân hàm xanh dù ở giới tuyến hay biên giới, bờ biển hay nội địa đều thể hiện quyết tâm tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Họ đã tạm biệt đồng bằng, tạm biệt nơi đô hội, gác lại những riêng tư đến với những bản làng còn nhiều khó khăn, lạc hậu trên các đỉnh núi mù sương, vượt trùng dương cập bến những hòn đảo hoang vu vắng dấu chân người để thực hiện nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia.
Những chiến sĩ cận vệ Bác Hồ tự hào với nhiệm vụ quang vinh: “Ngọn đèn nhỏ đêm khuya gió lộng/ Sáng tự nơi đây sáng khắp muôn vùng/ Như những vì sao thức hoài không mỏi/ Ta gác cho Người - Người gác cả non sông” (Gác cho Người - Nguyễn Ngọc Châu). Và cũng chính họ, sẵn sàng đến với tiền tiêu khói lửa mà không hề do dự, ngại ngần: “Đêm nay Phủ Chủ tịch sáng ngời/ Trên rặng nhãn gió sông Hồng dậy sớm/ Nghe cánh ve ru thời gian vô tận/ Cành sấu trở mình đã kín hạt sao xanh... Đứng gác trong mùa đất nước chuyển tháng Năm/ Nghe tiếng Bác dài theo đường chiến đấu/ Sức trẻ trung vượt tầm cao ngọn núi/ Mắt sáng xuyên đêm/ Thưa Bác... cháu lên đường (Phiên gác tháng Năm - Phan Trọng Bằng).
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng cao biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông khó khăn, công tác đảm bảo còn nhiều thiếu thốn. Cán bộ, chiến sĩ đã bám dân, bám địa bàn tiến hành công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền, giáo dục tinh thần cảnh giác, không nghe theo luận điệu lôi kéo của bọn phản động, không tham gia phỉ..., vận động nhân dân định canh, định cư, xây dựng hợp tác xã, xây dựng đời sống mới: “Những chiến sĩ Biên phòng/ Đứng chon von giữa trời biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi/ Ngày mù sương tơ tưởng một bến đò/ Đêm sáng trăng khao khát một dòng thư/ Nhưng, anh lên đây ấm rừng ấm bản/ Đèo suối nâng niu bàn chân vạn dặm/ Gọi tên thổ phỉ trở lại là chồng/ Giữ hòa bình anh hiến máu trẻ trung/ Ghì đất nước trong vòng tay không không mỏi” (Đáng sống biết bao một ngày vì cách mạng - Lưu Trùng Dương).
Những năm tháng cả nước cùng đánh giặc, những người lính quân hàm xanh dệt thành một vành đai xanh vững vàng bao quanh miền Bắc; bảo vệ chốt chặt ở những vị trí trọng yếu trong nội địa, góp phần bảo vệ vẹn toàn miền Bắc, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, Trung ương Đảng và Chính phủ trước những âm mưu ám sát, phá hoại của kẻ thù: “Mùa Xuân kịp sang đây/ Vệt cỏ rối chiều qua vừa phát hiện/ Ngách suối vắng mách chân người lạ đến/ Thác trời ngừng reo vang/ Để viên đạn tuần tra ghìm bước giặc...” (Mùa Xuân này theo sang - Phạm Ngọc Cảnh).
Điểm tựa biên phòng trên con đường Hồ Chí Minh lịch sử cũng góp phần cho con đường bạt núi, xuyên rừng tiến về chiến thắng: “Suốt dải biên phòng/ Anh chiến sĩ dựng niềm tin bản lẻ/ Trang tiếp sang trang, thư anh lại kể/ Trận thứ hai trăm đánh Mỹ ngang đèo/ Thương con đường mấy khúc gieo neo/ Bom đạn quanh mình vẫn vươn về phía trước...” (Lá thư xa - Lương Sỹ Cầm); hay “Từ cửa gió này ta xuyên Trường Sơn/ Ta chốt điểm cao, ta chia rừng phục kích/ Đường tuần tra đầu mùa chiến dịch/ Chiến dịch bốn mùa và thế trận bao la...” (Cửa gió Tùng Chinh - Đào Nguyên Bảo).
Sự hy sinh của các anh khi bảo vệ nhân dân trong mưa bom, bão đạn được ghi nhớ, truyền qua các thế hệ: “Chiến sĩ đồn Cầu Treo như những trụ cầu/ Em có thấy bóng hình Phan Đăng Tố/ Liệt sĩ anh hùng vẫn hiên ngang đứng đó/ Cùng đồng đội giương cờ Bác tặng Cầu Treo...” (Những trụ Cầu Treo - Lê Thanh Lâm) và “Cha Lo thăm thẳm rừng cây/ Yêu quê, yêu nước dân đây một lòng/ Có anh chiến sĩ Biên phòng/ Biến đèo thành trạm, biến rừng thành nương/ Cha Lo chín khúc tình thương/ Nói lên tiếng nói chiến trường xôn xao/ Có anh lên tận thác cao/ Sát lưng cùng với đồng bào đấu tranh...” (Đường lên Cha Lo - Nguyễn Xuân Xanh).
Những năm tháng chiến tranh, cuộc sống của người lính trăm bề neo khó, nhưng trong thơ vẫn lạc quan, chia sẻ, sống cuộc sống đầy ắp tình người: “Tôi nhớ buổi chiều anh cõng tôi lên/ Chân tôi yếu không thể nào leo hết dốc/ Mỗi bước anh đi tôi đếm từng nhịp thở/ Hai trái tim thì thầm to nhỏ/ Hơi ấm lưng anh sưởi ấm cả lòng tôi”; “Nói đến đây anh bỗng cười xòa/ Đất nước khó khăn, quân thù còn đó/ ... Ôi hồn anh là tâm hồn thời đại/ Còn khó khăn nào hơn thế nữa không anh” (Điểm tựa - Lê Đức Thọ); hay “Trong tiếng súng, trong hương rừng có mật/ Truyền cho nhau cách rung phím đàn bầu/ Quen thân rồi chẳng muốn xa đâu/ Sống chết theo tầm cao dáng đứng/ Như hoa đậu vào báng súng/ Tiếng cười tuổi trẻ ra đi/ Như lẽ đời nối mọi lưu ly/ Bắc những nhịp cầu qua dòng Bến Hải/ Dưới tầm bom rải dọc Trường Sơn/ Hoa đời cảng tỏa hương thơm/ Bên cột mốc bập bùng lửa cháy/ Việt Nam ơi đứng ở đâu cũng thấy/ Con đường biên chạy dọc trái tim mình...” (Đường biên chạy dọc - Nguyễn Trung Kiên).
Theo thống kê, có khoảng 400 bài thơ được sáng tác trong giai đoạn này mà tác giả thơ là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những nhà thơ nổi tiếng và đôi khi là chính những chiến sĩ quân hàm xanh. Dù âm hưởng, thi pháp khác nhau, song tựu chung đều khắc họa rõ nét hình ảnh người chiến sĩ nơi biên cương, thể hiện phẩm chất anh dũng, kiên trung, lòng yêu thương nhân hậu, nghĩa tình quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội, tình bạn chân thành keo sơn gắn bó, tình yêu trong sáng, thủy chung, tinh thần lạc quan yêu đời, vượt lên trên tất cả mọi khó khăn gian khổ coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt"...