Hiệu quả từ phối hợp chặt chẽ trong thi hành án dân sự

Khi trao đổi về phương pháp giải quyết án, ông Võ Hồng Diệp - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Kế Sách thông tin, những năm qua, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan đã giúp đơn vị đạt kết quả cao trong công tác.

UBND cấp xã hỗ trợ tốt cho THADS

Với tình hình lượng án thụ lý ngày một tăng, giá trị thi hành lớn, khiến các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh luôn trong tư thế chạy đua cùng công việc. Theo ông Võ Hồng Diệp, năm 2019, Chi cục THADS huyện Kế Sách thụ lý 2.022 việc (tăng gần 5,5% so với cùng kỳ) và giá trị thi hành gần 71 tỉ đồng (tăng gần 20%). Trong những tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 1-10-2019 đến 31-3-2020), số vụ việc đơn vị phải thi hành lên đến 1.365 (tăng trên 14% so với cùng kỳ), với giá trị hơn 74 tỉ đồng (tăng trên 36%). Nguyên nhân lượng án tăng là do kinh tế phát triển và trên địa bàn huyện Kế Sách lại mở cụm công nghiệp, các tuyến lộ, dẫn đến phát sinh tranh chấp về đất đai, chia thừa kế...

Đại diện lãnh đạo Chi cục THADS huyện Kế Sách (vị trí thứ 2 từ trái sang phải) nhận khen thưởng do tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: S.M

Đại diện lãnh đạo Chi cục THADS huyện Kế Sách (vị trí thứ 2 từ trái sang phải) nhận khen thưởng do tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: S.M

Trước tình hình án tăng, Chi cục trưởng đã chú trọng vai trò “đầu tàu” trong quản lý, điều hành. “Tôi không ôm án nhiều mà tập trung dành thời gian cho công tác điều hành và tăng cường công tác phối hợp; luôn tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp ủy, UBND các cấp” - ông Diệp chia sẻ. Chấp hành viên của đơn vị được phân công giải quyết án theo địa bàn để có sự chủ động hơn trong công tác. Lãnh đạo đơn vị đặt ra yêu cầu là chấp hành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc một cách khoa học, mỗi chuyến công tác đến địa bàn cần kết hợp giải quyết nhiều vụ việc. Chấp hành viên cũng cần tranh thủ các ngày nghỉ làm thêm việc, còn giờ hành chính thì nên đi thực tế, bám sát địa bàn. Chú trọng việc xác minh, phân loại án chính xác và thường xuyên cập nhật danh sách án gửi về chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn. Bởi UBND xã vừa là nơi phối hợp trong nhiều khâu giải quyết án vừa là nơi tuyên truyền hiệu quả cho công tác THADS, nhất là việc “giới thiệu” người mua tài sản bán đấu giá.

Thông thường, người dân muốn mua tài sản bán đấu giá (phần lớn là đất đai) thì hay đến UBND xã để tìm hiểu thêm thông tin. “Cán bộ địa phương, nhất là chủ tịch UBND xã rất có tiếng nói và uy tín trong nhân dân. Chỉ cần họ nắm được thông tin tài sản, tiến hành vụ việc thi hành án và trao đổi thì người dân rất vững lòng để tham gia mua tài sản bán đấu giá” - ông Diệp cho biết. UBND xã, thị trấn cũng không muốn trên địa phương mình tồn tại những trường hợp chống đối, có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án, án phức tạp, kéo dài nhiều năm… Với lại, cán bộ UBND xã, thị trấn thường xuyên gần gũi, tiếp xúc và thấu hiểu từng hoàn cảnh của người dân địa phương. Do đó, khi nắm được danh sách, nội dung vụ việc phải thi hành án trên địa bàn, họ sẽ góp phần ra sức vận động, thuyết phục và dẫn đến sự tự nguyện thi hành rất cao. Đáng ghi nhận, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kế Sách rất tích cực phối hợp trong công tác THADS.

Quyết liệt nâng cao hiệu quả THADS

Lãnh đạo Huyện ủy luôn quan tâm động viên cán bộ THADS nêu cao tinh thần trách nhiệm trước lượng án ngày một tăng. UBND huyện chỉ đạo quyết liệt và yêu cầu các đơn vị trực thuộc trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ cho công tác THADS. Hoạt động Ban Chỉ đạo THADS huyện tiếp tục được kiện toàn với 21 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể và thường xuyên họp, giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp. Đặc biệt, Cục THADS đã quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ để giúp chi cục giải quyết lượng án tăng cao và hỗ trợ nghiệp vụ kịp thời. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án cùng cấp để thực hiện xét, miễn giảm thi hành án; phối hợp với tòa án trong chuyển giao bản án, quyết định; phối hợp với công an trong chuyển giao vật chứng, bảo vệ cưỡng chế…

Mỗi chấp hành viên, cán bộ đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương trong thực hiện nhiệm vụ và đưa ra nhiều phương pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án. Có tính phán đoán, những vụ việc chỉ cần “có thể” sẽ kiên quyết vận động đến cùng và kiên quyết cưỡng chế, nếu cố tình không tự nguyện thi hành; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để được tháo gỡ, chỉ đạo. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, thảo luận, cập nhật các quy định pháp luật mới và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động THADS. Đơn vị còn thực hiện tốt công tác tự kiểm tra nhằm hạn chế và khắc phục các sai sót trong thực hiện nhiệm vụ ở từng bộ phận.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp của các cấp và sự quyết tâm của tập thể, công tác THADS trên đia bàn huyện Kế Sách luôn đạt tỷ lệ cao trong nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ thi hành về việc vượt 2,41% so với chỉ tiêu Cục THADS giao; tỷ lệ thi hành về tiền vượt 3,18%. Riêng những tháng đầu năm 2020, Chi cục THADS huyện Kế Sách đứng đầu tỉnh về giá trị thi hành án.

Tuy đạt tỷ lệ khá cao về việc lẫn về tiền, lãnh đạo chi cục vẫn lo lắng về kết quả hoạt động của những tháng cuối năm 2020. Ông Võ Hồng Diệp cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giai đoạn tháng 3, 4-2020 hầu như đơn vị không thực hiện được việc cưỡng chế, chấp hành viên hạn chế đến địa bàn. Do đó cũng ảnh hưởng một phần của hoạt động THADS. Trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, tòa án tạm ngừng việc xét xử và tập trung nghiên cứu án thì đồng nghĩa với việc lượng án cuối năm sẽ tăng mạnh”. Chính vì vậy, Chi cục THADS phải “tăng tốc” thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hieu-qua-tu-phoi-hop-chat-che-trong-thi-hanh-an-dan-su-36930.html