Hiệu quả trong áp dụng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen

Năm 2019, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) là đơn vị nằm trong vùng dịch tả lợn châu Phi thời gian dài, mặc dù đã áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng không tránh khỏi bị thiệt hại về kinh tế và vật nuôi, gia súc, gia cầm.

Trăn trở với bài toán ấy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, chủ động ứng phó với dịch bệnh, với quyết tâm cao nhất là giữ ổn định đời sống bộ đội. Một hướng chuyển đổi phù hợp ở thời điểm này là áp dụng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm theo hướng an toàn sinh học, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa giảm chi phí chăn nuôi.

Chúng tôi đi tham quan khu tăng gia tập trung của các đơn vị trong Trung đoàn mà không khỏi ngỡ ngàng khi "mục sở thị" tận mắt khu chăn nuôi của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2. Ở đây, khu vực chuồng trại, tăng gia được quy hoạch hợp lý, bảo đảm theo tiêu chuẩn quy trình công nghiệp với đàn gà hơn 5.000 con. Thiếu tá Bùi Thanh Sang, Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn chia sẻ: “Bí quyết để có mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả như vậy là do đơn vị đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gà theo hướng an toàn sinh học”.

Hiệu quả trong áp dụng mô hình “nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm, theo hướng an toàn sinh học” ở Trung đoàn 2 với hơn 5.000 con gà chăn nuôi theo mô hình mới.

Giải thích về vấn đề này, Thiếu tá Bùi Thanh Sang cho biết thêm, ấu trùng ruồi lính đen, một loại thức ăn mới được sử dụng để chăn nuôi gà, vịt ở Trung đoàn 2. Ấu trùng ruồi lính đen hay còn gọi là sâu canxi, là loại thức ăn có hàm lượng protein cao, đủ chất dinh dưỡng có thể tăng sức đề kháng và kích thích ra lông ở đàn gia cầm. Ngay khi chuyển hướng chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi, theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương, cơ quan hậu cần Trung đoàn 2 đã tìm hiểu, nghiên cứu và sử dụng loại thức ăn này để bổ sung vào nguồn thức ăn cho gà với mục tiêu trước mắt là tăng hiệu quả chăn nuôi nhưng lại đem đến hiệu quả bất ngờ.

Trung úy Phan Đình Dương, trợ lý hậu cần Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 cho biết: “Mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng để nuôi gà vừa giải quyết được nguồn thức ăn thừa của bộ đội, vừa tăng hiệu quả của quá trình nuôi gà. Con gà sau khi ăn ấu trùng, bảo đảm phát triển tốt và tăng cân nhanh, sức đề kháng cao, đem lại giá trị, hiệu quả lớn”.

Trung úy Phan Đình Dương, trợ lý Hậu cần Tiểu đoàn 3 đang giới thiệu và hướng dẫn bộ đội về mô hình “nuôi ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn cho gia cầm, theo hướng an toàn sinh học” ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3.

Với đặc điểm có thể phân hủy tốt phế phẩm nông sản, thức ăn dư thừa, bã đậu để phát triển nên việc nuôi ruồi lính đen có chi phí thấp. Trong thực trạng cần tăng đàn gia cầm lên gấp đôi so với thường xuyên, thì đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu, cách làm sáng tạo, độc đáo để cắt giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả chăn nuôi, giúp đơn vị sớm đạt được mục tiêu bảo đảm 100% nhu cầu gia cầm trong bối cảnh khó khăn sau dịch bệnh.

Đại úy Nguyễn Đình Thiệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 cho biết: “Thông thường trung bình mỗi ngày, một đàn gà 1000 con tiêu tốn khoảng 530.000 đồng tiền cám, tuy nhiên áp dụng mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng nuôi gà mỗi ngày chỉ tiêu tốn từ 300.000-350.000 đồng tiền thức ăn, do đó giảm được 1/3 chi phí trong chăn nuôi”.

Thượng tá Trần Công Quân, Chính ủy Trung đoàn 2 chia sẻ thêm: “Qua thí nghiệm chăn nuôi gia cầm theo mô hình này từ tháng 9 năm 2019 đến nay, chúng tôi xác định chi phí đầu vào giảm 30-50% tiền thức ăn cho gà. Chính vì vậy, giá thành thức ăn từ gia cầm bảo đảm cho bộ đội được tiết kiệm. Nhờ đó, dịch tả lợn châu Phi đã không ảnh hưởng lớn đến đời sống của bộ đội, chất lượng bữa ăn của bộ đội vẫn được duy trì, bảo đảm đủ định lượng, dinh dưỡng. 100% nguồn thực phẩm của bộ đội do chính đơn vị tự cung cấp, bảo đảm an toàn vệ sinh”.

Với đặc điểm có thể phân hủy tốt phế phẩm nông sản, thức ăn dư thừa, bã đậu để phát triển nên việc nuôi ruồi lính đen có chi phí thấp.

Cùng với mở rộng chăn nuôi gia cầm, các đơn vị của Trung đoàn 2 cũng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xen canh, gối vụ trồng các loại rau cao cấp như: Củ cải Hàn Quốc, súp lơ, khoai tây trong vụ Đông để tạo điều kiện cho cơ quan quân nhu tăng cường chế biến, linh hoạt thực đơn cân đối, đa dạng các món ăn phục vụ bộ đội. Trong 6 tháng cuối năm 2019, trung đoàn thu hoạch được gần 250 tấn rau xanh, gần 10 tấn cá tươi và hơn 8 tấn gia cầm… cung cấp bảo đảm định lượng cho bộ đội đúng, đủ định mức. Với những cách làm sáng tạo, mạnh dạn đi đầu trong áp dụng mô hình mới, đạt chất lượng, hiệu quả cao, Trung đoàn 2 trở thành điểm sáng về tăng gia sản xuất của Sư đoàn 395 và Quân khu 3, là điểm đến tham quan, học hỏi cho các đơn vị trong Quân khu và toàn quân.

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, được nhiều nước trên thế giới nuôi. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 40-45 ngày, trải qua 4 giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành. Trong quá trình sống, nó có thể đẻ từ 500 đến 800 trứng. Ấu trùng của ruồi lính đen có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản… tạo ra chất mùn.

Ấu trùng ruồi sống có hàm lượng protein và chất béo thô lần lượt là 15% và 5,8%, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn nuôi trực tiếp cho lợn, gà, vịt, cá. Ruồi lính đen sống trong tự nhiên và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.

Bài, ảnh: ĐÀO HIỆP

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/hieu-qua-trong-ap-dung-mo-hinh-nuoi-au-trung-ruoi-linh-den-610202