Hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã hình thành được nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) 'từ trang trại đến bàn ăn', đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng; góp phần thay đổi tư duy, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của gia đình ông Lê Trí Lợi, xã Quảng Ninh (Quảng Xương).

Tại huyện Quảng Xương, để xây dựng chuỗi cung ứng TPAT hiệu quả, huyện đã thành lập ban chỉ đạo quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, cho biết: Trước mỗi vụ sản xuất, huyện đều triển khai phương án, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, kết nối cung - cầu giữa các HTX với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, như: vùng chăn nuôi lợn, gà, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất lúa gạo tập trung, vùng sản xuất thủy sản an toàn. Đến nay, huyện đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng rau, củ, quả an toàn; 13 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng trứng, thịt gia súc, gia cầm an toàn; 12 chuỗi cung ứng thủy sản an toàn. Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị sản xuất và cung ứng trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đưa ra thị trường trên 16.560 tấn lương thực, thực phẩm các loại. Trong đó, gạo 9.750 tấn; rau, quả 2.880 tấn; thịt gia súc, gia cầm 2.275 tấn, còn lại là thủy sản. Các sản phẩm đưa ra thị trường đều đảm bảo chất lượng, có đầu ra ổn định và đem lại giá trị thu nhập cao.

Điển hình trong chuỗi cung ứng TPAT là mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học của gia đình ông Lê Trí Lợi, xã Quảng Ninh. Hiện trang trại của ông duy trì thường xuyên 200 lợn thịt và lợn nái. Ông Lợi chia sẻ: “Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng quan tâm hơn đến TPAT, qua tìm hiểu sách báo, tham gia các hội thảo, tôi quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dụng chuồng trại có quạt thông gió để làm mát và thoáng khí cho đàn lợn phát triển tốt, mua máy nghiền, máy trộn thức ăn cho lợn...”. Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, ông Lợi tách lợn giống từ 20 đến 30kg/con ra khỏi lợn mẹ và cho ăn 100% cám sinh học. Nhờ vậy mà chất lượng thịt dai, khi luộc chín thịt thơm ngon, ngọt, không có mùi hôi... Với quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, sản phẩm của gia đình tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, nhà hàng mà không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện, gia đình ông nuôi 3 lứa lợn/năm, mỗi lứa 200 - 300 con, sau khi trừ chi phí, mỗi năm trang trại của ông thu về gần 350 triệu đồng.

Tại Thọ Xuân, huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các xã nâng cao kiến thức cho người dân về đảm bảo vệ sinh ATTP, xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT. Bên cạnh đó, lựa chọn các hộ dân tham gia sản xuất và các cửa hàng kinh doanh đủ điều kiện thông qua hợp đồng tiêu thụ để xây dựng chuỗi; phối hợp với tổ giám sát cộng đồng ký cam kết với các hộ xác nhận nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân sản xuất rau, quả, thịt gia súc, gia cầm an toàn. Hiện nay, huyện đã xây dựng thành công các chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, TPAT tại các xã Nam Giang, Xuân Minh, Xuân Vinh, Bắc Lương, Thọ Hải, Xuân Lai... Sản phẩm thực phẩm thông qua các chuỗi cung cấp ra thị trường đạt 29.800 tấn; trong đó, 16.500 tấn gạo, 5.600 tấn rau, củ, 4.700 tấn thịt gia súc, gia cầm, 3.000 tấn thủy sản; 65% trở lên số lượng thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn huyện được cung cấp thông qua chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng TPAT, có xác nhận; duy trì 100% tỷ lệ xã, thị trấn đạt tiêu chí ATTP.

Việc phát triển các chuỗi cung ứng TPAT bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 chuỗi, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Đối với các chuỗi đang hoạt động, cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm; mở rộng phạm vi cung ứng TPAT theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng...

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/hieu-qua-mo-hinh-chuoi-cung-ung-thuc-pham-an-toan/188547.htm