Hiểu đúng về quy định phong tỏa tài khoản thanh toán từ ngày 1-7

Nhiều người bày tỏ lo ngại không biết rằng từ ngày 1-7 tới có khi nào tài khoản thanh toán của mình 'bỗng dưng' bị phong tỏa chỉ vì ai đó yêu cầu hay không?

Điểm mới trong Nghị định 52/2024 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 1-7 quy định: Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Phong tỏa tài khoản thanh toán có dễ dàng?

Trước quy định trên, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu quy định này có được hiểu rằng từ ngày 1-7 tới đây, nếu ai đó chẳng may chuyển nhầm tiền sang tài khoản khác thì hoàn toàn có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa số tiền bị chuyển nhầm hay không?.

Để làm sáng tỏ về thắc mắc này, PLO đã trao đổi với Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại. Vị này cho biết: Theo tình huống đặt ra ở câu hỏi là người A chuyển nhầm vào tài khoản của người B. Vậy người A có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người B không? Câu trả lời của tôi là “Không”."

Bởi lẽ theo quy định tại Nghị định 52/2024, tài khoản thanh toán sẽ bị phong tỏa trong trường hợp "theo yêu cầu của chủ tài khoản", tức là chính chủ sở hữu của tài khoản thanh toán – người B mới được chủ động yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Còn người A chỉ là người chuyển tiền tới tài khoản người B nên không được quyền này.

Việc phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của chính chủ tài khoản được coi là một trong các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng, giúp khách hàng chủ động kiểm soát các tài khoản của mình tại ngân hàng.

Đặt ra giả thiết khác, có trường hợp trong tài khoản thanh toán của khách hàng A đang có sẵn 5 triệu đồng, khách hàng B bất ngờ chuyển nhầm 1 triệu đồng vào tài khoản của khách hàng A. Đúng lúc đó, khách hàng A ra ATM rút 5,5 triệu đồng (nhưng do tài khoản không đăng ký thông báo số dư qua SMS, cũng không cài app mobile banking nên khách hàng A không biết có tiền chuyển nhầm). Vậy số tiền khách hàng A rút lố sẽ được xử lý như thế nào?

Trả lời tình huống này, vị Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết: Khi xác định có người chuyển nhầm vào tài khoản, người nhận được tiền cần liên hệ với ngân hàng hoặc thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm và ngân hàng sẽ hỗ trợ kiểm tra thông tin của người chuyển để người nhận chuyển trả lại tiền cho bên chuyển.

Một cách khác là thông báo, giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an gần nhất để thông báo công khai cho người chuyển nhầm biết nhận lại. Điều này đã được quy định tại Điều 165, 228, 579 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.

"Trong trường hợp này, dù khách hàng A không biết có tiền chuyển nhầm nhưng khi nhận được yêu cầu hoàn trả của ngân hàng hoặc UBND cấp xã hoặc công an thì có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận cho người chuyển nhầm" - vị lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, khi khách hàng không may làm mất thẻ vật lý hoặc nghi ngờ bị lộ thông tin tài khoản thanh toán của mình, ngay lập tức họ chủ động liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ để thông báo khóa tài khoản hoặc khóa thẻ.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chủ động thực hiện việc khóa tài khoản thanh toán qua Internet Banking hoặc Mobile Banking. Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện còn cung cấp dịch vụ khóa thẻ qua tin nhắn với thao tác đơn giản, tiện lợi.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank

 Chỉ có chính chủ tài khoản mới được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp dịch vụ khóa tài khoản thanh toán của chính mình. Ảnh:T.L

Chỉ có chính chủ tài khoản mới được quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp dịch vụ khóa tài khoản thanh toán của chính mình. Ảnh:T.L

Những trường hợp nào sẽ được phong tỏa tài khoản thanh toán?

Kể từ ngày 1-7 tới đây, khi Nghị định số 52/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt chính thức có hiệu lực, sẽ có 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau.

Trường hợp thứ nhất, theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

Trường hợp thứ hai là khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ ba là khi ngân hàng có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền (phát sinh chủ động từ phía cán bộ hoặc hệ thống ngân hàng), ngân hàng được phép phong tỏa hoặc yêu cầu ngân hàng đối tác thực hiện phong tỏa số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Trường hợp thứ tư là khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, NHNN cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản. Trong đó bổ sung một số quy định rất chặt chẽ khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip. Trường hợp không có căn cước công dân gắn chip phải đến trực tiếp mở tài khoản để xác định chính chủ".

Điểm mới của Nghị định 52/2024 so với quy định hiện hành là bổ sung thêm quy định về phong tỏa tài khoản thanh toán có thể được thực hiện theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/hieu-dung-ve-quy-dinh-phong-toa-tai-khoan-thanh-toan-tu-ngay-1-7-post792237.html