Hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều bảo tàng khác không có

Nắp hầm tướng De Castries và ghế của vị tướng này dùng ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là hiện vật hiếm, nhiều bảo tàng khác không có, đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trưng bày chuyên đề Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt vừa khai mạc sáng 25/4 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội).

Trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 150 tài liệu, hiện vật theo 2 phần nội dung chính: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sửQuyết chiến, quyết thắng.

Trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 150 tài liệu.

Các hình ảnh, tài liệu, hiện vật ở trưng bày đều thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng với đó là những tấm gương đóng góp, hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của các anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Phần kết giới thiệu tinh thần Điện Biên Phủ qua một số tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ; sự tri ân của đồng bào cả nước, sự đổi thay của Điện Biên hôm nay.

Bản hiệu triệu của Tổng Quân ủy gửi các đảng viên do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1953.

Ngoài ra, công chúng được chiêm ngưỡng nhiều tài liệu, hiện vật quý. Trong đó có chiếc khăn của phụ nữ Pháp ở Geneva (Thụy Sĩ) tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954; bản hiệu triệu của Tổng Quân ủy gửi các đảng viên do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký năm 1953; điện thoại Bộ Chỉ huy mặt trận chiến dịch Điện Biên Phủ sử dụng chỉ huy chiến dịch năm 1954; sổ tay dân công hỏa tuyến thị xã Phú Thọ ghi chép về các hoạt động của đoàn xe thồ gạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1953-1954.

Cùng với đó là huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cho các chiến sĩ đã chiến đấu và chiến thắng tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954...

Máy điện thoại Bộ Chỉ huy mặt trận Chiến dịch Điện Biên Phủ sử dụng trong chiến dịch năm 1954.

Tham dự trưng bày, Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đưa ra giải pháp trưng bày rất chuyên nghiệp, nhiều hiện vật bảo tàng khác không có. Đó là nắp hầm tướng De Castries và ghế của vị tướng này dùng ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".

Nắp hầm tướng De Castries và ghế của vị tướng này dùng ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn nêu rõ, lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 20 đánh dấu những trang vàng chói lọi, kỳ tích nhân dân ta đã làm nên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một trong những kỳ tích ấy là chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 - biểu tượng của khát vọng hòa bình, ý chí độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Từ đây, Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng sáng ngời tinh thần quật cường và bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, trở thành niềm tin, sự cổ vũ cho các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.

Tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với quyết tâm giương cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng,” các chiến sĩ Điện Biên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo cùng toàn dân, toàn quân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang vàng mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Trưng bày Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt diễn ra đến hết tháng 6/2024 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, góp phần nêu bật ý nghĩa, tầm vóc, giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ, yếu tố tiên quyết là sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của QĐND Việt Nam.

Ảnh: Tình Lê

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hien-vat-ve-chien-dich-dien-bien-phu-nhieu-bao-tang-khac-khong-co-2274526.html