Hi vọng những mùa văn chương tươi mới

Năm nay, từ hơn 800 hồ sơ, qua các vòng làm việc, ngày 28/12/2022, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thay mặt Ban Chấp hành ký quyết định kết nạp 44 tác giả vào Hội. Sáng ngày 7/1/2023, trong không gian ấm cúng tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, Hội Nhà văn đã tổ chức Lễ Kết nạp Hội viên mới năm 2022.

Nhiều người trong giới văn chương quan niệm: "Tấm thẻ không làm nên nhà văn", nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là mong ước, khát khao chính đáng của đại bộ phận người viết, là sự ghi nhận của đồng nghiệp đối với mỗi tác giả, đây cũng là dịp để độc giả và bạn văn hi vọng vào những mùa văn chương tươi mới.

Cùng điểm danh một vài tác giả sung sức, thuộc thế hệ 8X vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam để hiểu hơn về con đường sáng tạo của họ.

Viết như một sự trải lòng và gửi gắm tâm tư

Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang.

Vũ Thị Huyền Trang, sinh năm 1987, tại Thanh Ba, Phú Thọ.

Chị bén duyên với văn chương từ khi còn là cô nữ sinh THPT. Tình yêu con chữ đến với Trang một cách dung dị, tự nhiên, được hun đúc từ những năm ấu thơ sống trên miền quê Trung du nghèo khó. Tình người, tình quê đã thôi thúc chị viết như một sự trải lòng và gửi gắm tâm tư. Năm 2006, Trang thi đỗ vào Khoa Sáng tác, lý luận và phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội và từ đó chị thực sự bước vào con đường viết văn chuyên nghiệp. Đến nay, sau gần 20 năm cầm bút, Vũ Thị Huyền Trang sở hữu một gia tài văn chương không hề nhỏ.

Chị là một trong số ít tác giả thuộc thế hệ 8X có vốn liếng trên 200 truyện ngắn với 14 tập truyện, tản văn đã xuất bản, giành khoảng 30 giải thưởng Trung ương và địa phương. Trang luôn tự tin vào nội lực bản thân và con đường đã lựa chọn, thế nên sau khi tốt nghiệp đại học, chị không cố bám trụ thành phố, không cố kiếm một công việc để "nuôi văn", mà một lòng một dạ hướng về quê, xây dựng tổ ấm, viết văn, làm báo tự do. Có thể nói, trong số các tác giả trẻ hiện nay, Vũ Thị Huyền Trang là người sống được bằng nghề viết, độ "phủ sóng" của chị trên các báo, tạp chí khiến bạn viết không khỏi "ghen tị".

Đọc văn Vũ Thị Huyền Trang độc giả nhận thấy rõ hai vệt không gian mà chị chú tâm khai thác là nông thôn trung du Bắc bộ và đô thị, trong đó phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ trẻ) là nhân vật chủ đạo với nhiều ẩn ức, lắm nỗi đa đoan. Mỗi trang văn đều thấm đẫm lòng trắc ẩn của một người nữ ưa quan sát và suy nghiệm.

"Cảm xúc của tôi khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là niềm vui góp mặt trong một ngôi nhà văn chương lớn, mà ở đó có các đồng nghiệp mà tôi kính trọng và yêu quý. Để cùng động viên nhau, khích lệ nhau trong con đường lao động chữ nghĩa nhọc nhằn. Đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và phát triển nền văn học Việt Nam qua các hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình và dịch thuật văn học" - Vũ Thị Huyền Trang chia sẻ.

Là một cây bút đa dạng, Trang cho biết thêm, trong thời gian tới, chị sẽ tập trung vào mảng văn học thiếu nhi "với mong muốn trên tay các em nhỏ sẽ có thêm những tác phẩm hay, như một món quà tinh thần đồng hành cùng các em trong hành trình khôn lớn".

Văn chương - con đường khiến lòng mình bình yên sau những bộn bề

Tống Phước Bảo (1983), còn có bút danh Trúc Thiên, hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Nhà văn Tống Phước Bảo.

Nếu như Vũ Thị Huyền Trang bền bỉ trên cánh đồng chữ để gieo gặt những mùa màng văn chương từ khá sớm thì hành trình của Tống Phước Bảo với văn chương làm bạn bè liên tưởng đến hình ảnh chiếc lò xo bị nén. Bảo cũng từng ham hố viết lách khi còn là cậu học trò trường huyện, gửi thơ, truyện in các tờ báo tuổi hoa. Nhưng rồi, khi bước vào đời, cơm áo gạo tiền giữa Sài thành cuốn anh đi, thế nên đúng mười lăm năm gác bút Bảo mới quay trở lại với văn chương.

Và trong vòng 5 năm gần đây, chính cái tên Tống Phước Bảo đã làm cho các diễn đàn văn chương từ Nam chí Bắc thêm phần sôi động bởi sự sung sức, "máu lửa" của anh. Chỉ 5 năm, anh đã kịp "giắt lưng" 6 tập truyện, tản văn, 2 tập bản thảo truyện ngắn đã gửi ở các đơn vị xuất bản; gần chục giải thưởng văn chương, tiêu biểu như: Tặng thưởng Văn xuôi năm 2020 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Giải B Giải thưởng Cây Bút Vàng năm 2021 của Bộ Công an; Giải C Trại sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân" năm 2022 của Bộ Công an, Giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn "Một nửa làm đầy thế giới" - NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút - Báo Thanh niên 2020, Giải Nhất cuộc thi Tạp bút - Báo Áo trắng 2020 và một số giải thưởng khác càng khẳng định "nội công" đáng nể của văn nhân họ Tống.

Trong một lần gặp gỡ, tôi hỏi: "Bảo nghĩ sao về quãng thời gian trở lại với văn chương?", Tống Phước Bảo cười hiền: "Tính ra đến lúc này đã hơn 5 năm tái hợp với văn chương. Và may mắn duyên lành này dẫn Bảo đến một con đường khiến lòng mình bình yên sau những bộn bề cơm áo gạo tiền của cuộc đời".

Văn của Bảo đậm phong vị phương Nam, anh thường hướng trái tim mình đến những vẻ đẹp bình dị, gần gũi của thiên nhiên đất trời, người châu thổ chín nhành sông xuôi. Nhiều tác phẩm của Bảo găm vào lòng người đọc bởi tình yêu xứ sở, sự day diết trước những kiếp phận bé mọn, thiệt thua, những mối tình ngang trái.

Khi biết tin được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, Tống Phước Bảo rất vui bởi anh cảm thấy được ghi nhận, được sự động viên từ thế hệ đi trước, đó là điều quí giá bởi nó tiếp thêm lửa giữ nhiệt cho những tác giả trẻ như anh. Tống Phước Bảo quan niệm: "Nghề viết vẫn là hành trình tự thân phấn đấu, rèn luyện và cày xới trên cánh đồng chữ. Từ ý thức này chúng tôi sẽ phải biết mình gieo gì vào cánh đồng của mình để được những vụ mùa xanh cành tốt trái".

Khi được hỏi về những dự định phía trước, chàng nhà văn chia sẻ: "Trước mắt có thể trong thời gian gần nhất, đôi khi ngay Tết này, tôi sẽ cho ra mắt tập truyện mới mang tên "Linh đinh tình phù sa". Trong năm 2023, tôi hy vọng mình hoàn thành xong tiểu thuyết đầu tay của mình. Chỉ nhiêu đó thôi, tưởng dễ, nhưng với người viết thì quả thật rất hao tổn tâm sức".

Đến với văn chương để được khám phá bản thân và mở ra những thế giới khác

Nhà văn Đào Thu Hà.

Đào Thu Hà (1988), nguyên quán: Ninh Bình, hiện là chuyên viên của Ban Dân vận tỉnh Đắk Nông.

Từ khi còn nhỏ, trong khi các bạn đồng trang lứa nô đùa với các trò chơi tuổi thơ đầy thú vị như đuổi bắt, chơi chắt chuyền, ô ăn quan… thì cô bé Đào Thu Hà lại thích đắm mình trong các trang sách và thỏa sức tưởng tượng với những điều kỳ thú trong thế giới mà sách mở ra. Bố mẹ Hà là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng luôn hiểu tầm quan trọng của việc đọc nên thường xuyên đi xin sách, báo cũ về cho con gái. Những lúc không có gì để đọc, Hà nảy ra ý định viết những câu truyện nhỏ, đóng thành tập để… đọc dần cho đỡ thèm.

Những mẩu chuyện non nớt từ thời thơ ấu ấy đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà văn trong cô gái mộng mơ, ham đọc, ham viết Đào Thu Hà. Lúc ấy, chị đã có suy nghĩ mình sẽ viết nên thật nhiều câu chuyện cho những đứa trẻ như mình đọc. Lớn lên, văn chương lại trở thành điểm tựa cho Đào Thu Hà trong những lúc gặp khó khăn, gục ngã, chữa lành những tổn thương trong tâm hồn. Chị quan niệm: "Đến với văn chương, tôi được khám phá chính bản thân mình và văn chương cũng mở ra những thế giới khác nhau miễn là tôi đủ sức sáng tạo ra những thế giới ấy".

Chính thức xuất hiện trên các diễn đàn văn chương từ năm 2010, tính đến cuối năm 2022, Đào Thu Hà đã xuất bản 6 đầu sách, trong đó có 3 tập sách thiếu nhi, 2 tập truyện ngắn, 1 tập truyện ngắn lịch sử và 1 tiểu thuyết. Chị từng đạt một số giải thưởng: Giải Ba cuộc thi thơ Bút Mới lần 8, giải Nhất truyện ngắn Tạp chí Nâm Nung 2017, giải C giải thưởng VHNT tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015 - 2020, giải C Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân do Bộ Công an tổ chức năm 2022…

Sinh ra và lớn lên giữa vùng đất cố đô, nơi lưu giữ nhiều trầm tích lịch sử - văn hóa, Đào Thu Hà có thế mạnh về lịch sử, năm 2021, chị trình làng tập truyện "Mây khói vàng son" (10 truyện ngắn lịch sử) ít nhiều gây tiếng vang đối với bạn văn và độc giả. "Mây khói vàng son" là sự bạch hóa những điểm mờ sương của lịch sử, là khúc tụng ca những anh hùng, những mối tình vừa lỗng lẫy vừa bi ai trong quá khứ... từ điểm nhìn nhân bản, phóng khoáng, khách quan của một tác giả trẻ, được đan dệt bằng những câu chữ mộc mà đẹp.

Trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Đào Thu Hà trải lòng: "Tôi có rất nhiều cảm xúc: vui mừng, hồi hộp xen lẫn lo lắng. Đây là một cột mốc đẹp trên hành trình viết lách của tôi, đồng thời cũng dấu mốc khởi đầu cho một giai đoạn mới. Tôi nghĩ, chỉ đam mê thôi chưa đủ, mình cần phải chăm chỉ, nghiêm túc và chỉn chu hơn nữa với nghề viết, với sự sáng tạo chữ nghĩa dẫu nhọc nhằn nhưng lại chứa đựng nhiều bất ngờ thú vị".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hi-vong-nhung-mua-van-chuong-tuoi-moi-i681195/