Heo sọc dưa - hướng đi mới cho người dân Đắk Psi

Trong những năm gần đây, người dân xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà được chính quyền địa phương quan tâm và hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) theo hướng phát triển triển bền vững. Bước đầu, mô hình chăn nuôi heo sọc dưa đã và đang đem lại lợi nhuận cho bà con đáng kể.

Heo sọc dưa được chăn nuôi tại xã Đắk Psi là dòng lai F2 từ heo rừng gốc, dòng heo này có đặc điểm ăn nhiều, thức ăn tự nhiên dễ tìm kiếm, ít bệnh dịch và có sức đề kháng cao hơn heo nhà. Heo lai được bà con mua về làm giống lại có giá thành khá thấp nên việc nhân rộng mô hình nuôi heo sạch là hướng đi phù hợp với xã Đắk Psi.

Heo sọc dưa được chăn nuôi tại xã Đắk Psi là dòng lai F2 từ heo rừng gốc, dòng heo này có đặc điểm ăn nhiều, thức ăn tự nhiên dễ tìm kiếm, ít bệnh dịch và có sức đề kháng cao hơn heo nhà.

Để có điều kiện chăm sóc tốt giống heo rừng lai này, người chủ trang trại phải chuẩn bị cho mình cả một trang trại có diện tích từ một đến vài héc ta. Từ việc xây dựng chuồng trại và hệ thống tưới tắm phải được bố trí bài bản, ở làng Kon Tu Wang, xã Đắk Psi bà con kết hợp mô hình trồng cây cà phê, xen canh cây ăn quả, hồ nước sạch có sẵn từ những dòng sông tự nhiên.

Tại đây, mô hình chăn nuôi kết hợp (vườn- ao- chuồng), một trong những mô hình khá phổ biến trong phát triển kinh tế trang trại. Heo nuôi sạch có phân được thải ra để bón cho cây trồng lâu năm và cây ăn quả, vừa rất hiệu quả cho sự phát triển của cây trồng vừa giảm thiểu mùi hôi, ô nhiễm môi trường.

Với địa phương có nhiều đồng bào, người dân tộc thiểu số sinh sống như ở xã Đắk Psi thì chăn nuôi heo sạch được chính quyền địa phương áp dụng là rất đúng đắn, phù hợp với khả năng kinh tế gia đình

Theo anh Lưu Hồng Nam - chủ trang trại heo lai F2, ngụ tại làng Kon Tu Wang, xã Đắk Psi cho biết: “Mô hình nuôi heo sạch trên địa bàn xã là chủ trương của UBND xã, với cá nhân mình thì đây là hướng đi mới, thực tế tại địa phương nuôi heo sọc dưa rất có nhiều lợi thế. Cái thuận lợi mà người chăn nuôi được tận dụng là nguồn thức ăn có sẵn như cỏ, rau, cây chuối… Mà bản thân loài heo này rất thích ăn và đem lại nguồn thịt sạch, thơm, ngon. Nói chung, bà con chúng tôi đã và đang chú trọng để phát triển mô hình chăn nuôi này để ổn định và phát triển kinh tế vườn”.

Với địa phương có nhiều đồng bào, người dân tộc thiểu số sinh sống như ở xã Đắk Psi thì chăn nuôi heo sạch được chính quyền địa phương áp dụng là rất đúng đắn, phù hợp với khả năng kinh tế gia đình. Nguồn vốn bỏ ra ban đầu chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng, mất một thời gian từ 1 đến 2 năm, bà con tại địa bàn xã có cả một đàn heo sạch, có thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch UBND xã Đắk Psi cho biết thêm: “Ý tưởng xây dựng mô hình nuôi heo sạch xuất phát từ diện tích đất vườn rộng, tận dụng được nguồn thức ăn thô có sẵn như chuối, cỏ voi… Tận dụng ngày công lao dộng của người dân, trước lợi thế sẵn có phát triển mô hình chăn nuôi heo sạch, tập trung vào nuôi heo sọc dưa. Chính quyền địa phương xây dựng phương án cho ra hai dòng sản phẩm heo nuôi thịt sạch, sản xuất con giống chất lượng cao nhằm cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện”.

Ngoài ra, mô hình nuôi heo sạch đem lại giá trị kinh tế cao 120-140kg heo hơi/con; thị trường ưa chuộng sản phẩm sạch, thịt ngon, khả năng nuôi bán hoang dã, có nguồn thức ăn sạch. Hiện nay, trên địa bàn xã Đắk Psi có tới 27 hộ nuôi heo sạch với hơn 150 con giống. Để có được mô hình như hiện nay chính quyền địa phương đã tạo và sử dụng nguồn vốn từ nguồn phát triển sinh kế của dịch vụ môi trường rừng.

Tiến Nhuệ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/heo-soc-dua-huong-di-moi-cho-nguoi-dan-dak-psi-219062.html