Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19: Chủ động phòng dịch

Khi ra mắt 'Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu', PSG. TS. Trần Xuân Bách tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội) mong có thể góp công sức phục vụ cho việc xây dựng những kế hoạch ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.

PSG. TS. Trần Xuân Bách tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội)

Đầu tháng Ba vừa qua, những ngày diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên khắp thế giới, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội) do PGS.TS Trần Xuân Bách làm trưởng nhóm chuyên gia đã giới thiệu một sản phẩm mới là Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, tại địa chỉ website http://covid19global.net.

Quả đúng như những dự báo ban đầu của hệ thống này vào thời điểm ấy, Việt Nam đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 mới qua nguồn lây từ các thành phố du lịch có đường bay quốc tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... Nước Mỹ cũng gia tăng nhanh về số thành phố có ca lây nhiễm theo đúng mô hình cảnh báo này đưa ra...

Công nghệ “made in Việt Nam”

Ngay từ khi xuất hiện các ca bệnh nhiễm virus corona ở Trung Quốc, các cán bộ nghiên cứu dày dặn kinh nghiệm trong nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Xuân Bách đã có những phân tích chuyên sâu, tham gia cố vấn chuyên môn kỹ thuật cho các tổ chức và cá nhân trong nước và trên thế giới.

“Chúng tôi đã có những theo dõi và trao đổi trong các chuyên gia quốc tế, từ đó có các nhận định và tích lũy thông tin để chuẩn bị cho một quá trình xây dựng kịch bản đáp ứng việc kiểm soát dịch. Bởi vậy, hệ thống ra đời dựa trên các kết quả nghiên cứu này và tiến hành liên tục trên những số liệu cập nhật hàng ngày từ hệ thống ghi nhận ca bệnh và các cơ sở dữ liệu quốc tế”, PGS.TS Trần Xuân Bách chia sẻ.

Ưu điểm nổi bật của Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu là sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và đánh giá đường đi của dịch bệnh, khác với các bản đồ trước đây chỉ thuần túy ghi nhận các sự kiện mắc, tử vong và hồi phục. Nguy cơ này dựa vào những phân tích về khả năng phát hiện ca bệnh trong giai đoạn tương lai của một quốc gia qua nhiều dữ liệu khác nhau.

PGS.TS Trần Xuân Bách cho biết, lớp dữ liệu đầu tiên là ghi nhận các ca bệnh, quá trình hồi phục của bệnh nhân, đặc điểm của các tác nhân gây bệnh. Lớp dữ liệu thứ hai là quần thể dân cư các vấn đề liên quan đến hành vi và mức độ bảo vệ. Lớp dữ liệu thứ ba là năng lực đáp ứng y tế của mỗi quốc gia cũng như sự kiểm duyệt y tế từ các hãng hàng không... Nhờ vậy, hệ thống có thể đưa ra một cách ước tính khả năng trong một thời gian ngắn thì dịch bệnh có thể được xuất hiện ở một số địa bàn nhất định trên phạm vi toàn cầu.

“Mục đích chính của Hệ thống là phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đón đầu, ứng phó và chừng nào còn các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn ở các quốc gia thì chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện của ca bệnh. Hệ thống sẽ giúp cảnh báo nguy cơ ấy có thể xuất hiện tại địa bàn nào, tốc độ tấn công của nó ra sao và mức độ bao phủ thế nào để có những thông tin hữu ích đến quá trình kiểm soát dịch bệnh”, anh nói.

Hệ thống cảnh báo nguy cơ dịch bệnh Covid-19 toàn cầu, tại địa chỉ website http://covid19global.net.

Mỗi người dân là một nguồn dữ liệu

PGS.TS Trần Xuân Bách là người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và chính phủ về vấn đề phát triển và y tế toàn cầu ở Đông Nam Á. Phần lớn công việc của anh tập trung vào đánh giá chi phí - hiệu quả của các chương trình can thiệp, đánh giá dịch vụ và đổi mới y tế, củng cố hệ thống y tế... Bởi vậy, sáng tạo mới của anh cùng nhóm nghiên cứu chính là nguồn dữ liệu tin cậy để các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý tham khảo, thảo luận và phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu để có những đánh giá chiến lược kiểm soát tối ưu nhất.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định họ không có thẩm quyền và chức năng hướng dẫn công tác phòng dịch Covid-19 tại Việt Nam. Hệ thống này chỉ trình bày một vài lớp số liệu trong hàng trăm chỉ số được ước tính và chỉ có tính chất tham khảo cho các cán bộ chuyên môn. Vì vậy, việc áp dụng các kết quả tổng thể cần có sự thảo luận và phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Bách, việc xuất hiện ca bệnh mới là một việc bình thường và điều quan trọng là có giai đoạn cửa ngõ rất ngắn để kiểm soát hiệu quả nhất, ngăn ngừa dịch lan rộng. “Thông tin về dịch bệnh sẽ cập nhật hàng ngày khi có sự thay đổi trên toàn cầu của tất cả các lớp dữ liệu. Bất cứ một việc làm tùy tiện, theo cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân lúc này có thể tạo thêm nguy cơ mới. Nếu mọi người cùng hỗ trợ chia sẻ thông tin về nguy cơ của bản thân, người thân, những người xung quanh mình tại địa chỉ này, chúng tôi sẽ xác định được quy mô cần cách ly tối ưu và các mức độ cảnh báo với từng khu vực theo mức độ ảnh hưởng tiềm tàng”, anh cho biết.

Hiện nay, PGS.TS Trần Xuân Bách đang làm chuyên gia Phân tích dự báo, Thông tin và Lập kế hoạch cho Nhóm Hỗ trợ Quản lý Sự cố Covid-19 của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO WPRO) tại Manila, Philippines. Anh cùng nhóm nghiên cứu vẫn luôn cập nhật hệ thống và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với những người quan tâm, đặc biệt với mục đích nghiên cứu và phát triển.

PHƯƠNG LINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/he-thong-canh-bao-nguy-co-dich-covid-19-chu-dong-phong-dich-111339.html