Hệ thống bảo tàng trong thời đại số: Đổi mới, sáng tạo để hút khách
Trong kỷ nguyên số, hệ thống các bảo tàng với vai trò lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của quá khứ đang đứng trước bài toán cần phải đổi mới để thu hút khách.
Trước yêu cầu này, không ít bảo tàng có cách làm sáng tạo, hấp dẫn, qua đó góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc tới người dân, du khách trong và ngoài nước.
Những mô hình đổi mới thành công
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được xem là bảo tàng có diện tích và quy mô lớn nhất hiện nay, sau hơn 1 tháng mở cửa đã thu hút rất đông công chúng đến tham quan.
Sở dĩ có được sức hấp dẫn lớn, một phần vì bảo tàng được xây dựng với quy mô lớn, hệ thống trưng bày hiện đại, nhưng quan trọng hơn là bảo tàng tái hiện sống động những dấu mốc lịch sử lớn của dân tộc. Các phòng trưng bày hiện vật tại bảo tàng, đặc biệt là những khu vực tái hiện chiến thắng lẫy lừng như Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã để lại ấn tượng sâu sắc nhờ sự kết hợp giữa lịch sử và công nghệ trình chiếu hiện đại.
Là người 2 lần tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, anh Nguyễn Quang Thái (quận Tây Hồ) chia sẻ, điều hấp dẫn của bảo tàng là cách trưng bày mới lạ, kết hợp công nghệ đã kể câu chuyện lịch sử một cách sinh động, cuốn hút với cả người lớn và trẻ em.
Sự thành công của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là bài học lớn trong công tác quản lý, vận hành và trưng bày. Ngoài Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đã có không ít bảo tàng thành công nhờ những đổi mới, sáng tạo.
Điển hình như Bảo tàng Quảng Ninh trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách, tạo được nguồn thu lớn từ hoạt động du lịch, trở thành bảo tàng cấp tỉnh đầu tiên tự chủ 100%. Không chỉ thu hút bởi kiến trúc mang tính biểu tượng, Bảo tàng Quảng Ninh còn mang đến những trải nghiệm mới lạ khi tích hợp công nghệ hiện đại trong trưng bày, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa sáng tạo, hấp dẫn để hút khách.
Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một mô hình thành công trong việc thu hút du khách với nhiều hoạt động trải nghiệm sống động, khu trưng bày ngoài trời độc đáo tái hiện cuộc sống của các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đi tiên phong trong việc đưa công nghệ số, triển khai nhiều trưng bày ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D để tăng trải nghiệm cho du khách.
Tạo giá trị mới cho bảo tàng
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ trên 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập hiện vật quý giá về lịch sử, văn hóa, dân tộc học, mỹ thuật… Bên cạnh những bảo tàng thành công trong công tác trưng bày, thu hút khách, trở thành điểm đến của văn hóa, du lịch, vẫn có không ít bảo tàng còn loay hoay trong việc đáp ứng nhu cầu của người xem.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, việc chuyển đổi số không chỉ giúp các bảo tàng nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn tạo ra những trải nghiệm mới cho khách tham quan. Để tăng sức hấp dẫn, ngoài công tác trưng bày hiện vật để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, các bảo tàng cần nâng cao giá trị bằng cách tổ chức những hoạt động, sự kiện văn hóa ý nghĩa.
“Thành phố Hà Nội vừa ra mắt Trung tâm Điều phối các hoạt động sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội, đây là động lực để bảo tàng phát huy giá trị, trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết.
Là người từng tham gia cùng các bảo tàng xây dựng nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm như tour đêm “Chữ Tâm chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch bền vững Vietnam S.T.I.D Phùng Quang Thắng góp ý, các bảo tàng cần thường xuyên thay đổi chủ đề trưng bày, trở thành không gian sáng tạo có tính đặc thù. “Cần nâng cao giá trị cho các bảo tàng bằng những hoạt động trải nghiệm thực tế”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, các bảo tàng cần mở rộng chuyên đề, liên kết với những nhà sưu tầm tư nhân để bổ sung thêm tư liệu, hiện vật quý. “Rất nhiều nhà sưu tầm tư nhân đang giữ những món đồ cổ, hiện vật thuộc hàng quý hiếm. Các bảo tàng nên có cơ chế phối hợp, huy động được số lượng hiện vật này để làm phong phú thêm nội dung trưng bày”, Tiến sĩ Nguyễn Việt gợi ý.
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (tháng 11-2024) đã bổ sung nhiệm vụ mới cho bảo tàng. Đó là không chỉ dừng lại ở chức năng sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện vật, bảo tàng còn có nhiệm vụ diễn giải, giáo dục và truyền thông di sản văn hóa thuộc đối tượng và phạm vi hoạt động. Điều này cũng đặt ra bài toán cho các bảo tàng cần mạnh dạn đổi mới tư duy trong quản lý, vận hành, tổ chức trưng bày và quảng bá, từ đó phát huy tốt vai trò của bảo tàng trong đời sống đương đại.