Hệ lụy từ những chiếc xe 'nhiều không' - Bài cuối
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ XE KHÔNG ĐẢM BẢO AN TOÀN
BPO - “Nói đến những chiếc môtô, xe máy không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mọi người thường hay nói vui là xe nhiều không. Đó là không giấy tờ, không phanh, không biển số, không còi, không đèn chiếu sáng và vài thứ không nữa. Những phương tiện như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT) rất cao. Vì vậy, năm 2022, Công an huyện Bù Gia Mập kiên quyết triển khai chuyên đề xử lý nghiêm những trường hợp xe nêu trên để phòng ngừa TNGT trên địa bàn” - Trung tá Khổng Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bù Gia Mập cho biết.
Xe “nhiều không”
Hằng ngày, chị Đào Thị Duyên ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập rong ruổi bán rau khắp các tuyến đường trong thôn, xã. Chiếc xe hiệu Wave tuy đã quá cũ nhưng với chị lại là tài sản có giá trị, nuôi sống cả gia đình. Hai chiếc vỏ xe mòn không còn gai, một bên gương bị hư chỉ còn chân gương nên chị tận dụng để treo bịch ni-lon. Chiếc phanh chân sử dụng quá lâu cũng choãi hẳn ra ngoài. Mỗi lần muốn dừng xe, chị Duyên phải choải phụ thêm chân trái mới dừng lại được vì phanh quá mòn. Chị Duyên cho biết: “Gia đình nghèo không có rẫy, vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi, công ty, xí nghiệp không nhận nên chỉ trồng rau đi bán dạo, lấy tiền chi tiêu hằng ngày. Chiếc xe này mua từ 3 năm trước, tuy đã hư hỏng nhiều bộ phận nhưng tôi chưa có tiền để sửa”.
Đi dọc tuyến đường liên xã Phú Văn - Đức Hạnh không khó để bắt gặp những chiếc xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Rất nhiều xe chỉ còn lại bộ khung, thậm chí bình xăng cũng không còn tác dụng nên xăng được đựng vào chai nhựa. Thi thoảng lại có vài thanh niên rú ga, nẹt pô inh ỏi, khói đen mù mịt vừa chạy, vừa giỡn nhau trên đường khiến người đi bộ phải dạt hẳn xuống vệ đường để được an toàn.
Anh Điểu Nêm ở thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn cho biết: “Nhà mình có 4 chiếc xe. Trong đó có 1 chiếc mới mua để đi ra đường lớn, ra chợ Phước Long hoặc đi công việc ở xa. 3 chiếc còn lại đều dùng chở mủ, cao su, củi, cà phê, điều trong rẫy. Ở đây, nhà nào cũng chỉ có xe như vậy. Bà con không có tiền mua xe mới”.
Nhắc trước, xử lý sau
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng số lượng xe không phanh, không giấy tờ, không biển số, không kèn, không đèn chiếu sáng được người dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập sử dụng khá phổ biến. Phần lớn bà con dùng để đi rẫy, thuận tiện trong việc chở hàng hóa, nông sản. Tuy nhiên, việc có khá nhiều loại xe này lưu thông trên đường liên thôn, liên xã đã uy hiếp đến sức khỏe, tính mạng người khác và thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm dẫn đến chết người. Đối với những lao động nghèo, thu nhập thấp, để mua được chiếc xe môtô mới cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình phải bán trâu, bò, thậm chí nhiều trường hợp còn cầm cố rẫy, bán điều non để mua. Tuy nhiên, nếu để bà con sử dụng những phương tiện không đảm bảo các yếu tố an toàn kỹ thuật thì nguy cơ xảy ra TNGT rất cao và hệ lụy để lại khôn lường.
Trước hết, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện và công an các xã phải đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi nội dung này đến các tầng lớp nhân dân. Khuyến cáo người dân không sử dụng những phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, bởi đó là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT. Mặt khác, chúng tôi cũng tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp có những chương trình, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con phát triển kinh tế. Có thu nhập cao thì người dân mới có điều kiện mua xe đảm bảo an toàn kỹ thuật để tham gia giao thông an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Bù Gia Mập
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu vĩnh viễn phương tiện quá niên hạn sử dụng, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định, đồng thời cũng tịch thu những xe mà người điều khiển không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xử lý được những trường hợp sử dụng xe này? Trung tá Khổng Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Bù Gia Mập cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với công an các xã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, thậm chí tới tận các thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vào từng nhà tuyên truyền nội dung kế hoạch xử lý các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật của Công an huyện. Đồng thời, đề nghị bà con làm cam kết trong thời gian tới phải lắp ráp đầy đủ các bộ phận mới được lưu thông trên đường. Sau khi đã làm cam kết mà không thực hiện, khi phát hiện, trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu theo quy định”.
Năm 2021, trên các tuyến đường do huyện Bù Gia Mập quản lý đã xảy ra 9 vụ TNGT, làm 8 người chết, 7 người bị thương, 14 xe môtô hư hỏng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ TNGT tăng 30%. Trong số này có 2 vụ, cả 2 xe môtô đều không có đèn chiếu sáng đã đâm trực diện vào nhau. 2 vụ khác, mặc dù xe có đèn chiếu sáng nhưng không đạt yêu cầu, do vậy đã đâm vào người đi bộ dẫn đến tử vong. “Vẫn biết việc xử lý các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định sẽ gây khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, nếu đổi lại sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng người dân thì khó khăn mấy cũng phải thực hiện” - Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Bù Gia Mập khẳng định.
Từ 17-19 giờ hằng ngày là khoảng thời gian thường xảy ra tai nạn nhiều nhất. Lý do là ánh sáng chuyển từ chiều sang tối, thường gọi là chập choạng tối khiến việc quan sát của người điều khiển các phương tiện bị hạn chế. Do vậy, khoảng thời gian này trở đi, người điều khiển các xe đã phải bật đèn chiếu sáng. Còn đi buổi tối, xe không có đèn thì làm sao thấy đường. Xe đang di chuyển không có đèn và xe dừng lại bên lề đường cũng không có đèn thì tai nạn xảy ra là điều tất yếu.