Hành trình no ấm
Hơn 10 năm tái định cư đối với người Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) là cả một chặng đường đầy nỗ lực trong xây dựng cuộc sống mới. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước phải kể đến sự mạnh dạn trong thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Nhắc đến 'bản' Mông hôm nay là nhắc đến một khu dân cư văn hóa, đời sống kinh tế đang khởi sắc từng ngày...
Chặng đường gian khó
Những năm 2006, 2007 để “nhường” đất xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, hàng chục hộ dân người Mông ở xã Thúy Loa (Na Hang) đã chuyển về nơi định cư mới ở thôn Nà Xé (cũ), xã Bình An (Lâm Bình). Ông Cháng A Mà, dân tộc Mông năm nay đã ngoài 60 tuổi ở thôn Tiên Tốc nhớ lại, việc di chuyển đồ đạc, di chuyển vật nuôi sang quê mới đúng là kể cả ngày không hết. Người dân phải chèo thuyền để chở đồ dùng đến bến Thủy xã Thượng Lâm hoặc Khuôn Hà rồi đi bộ cả ngày trời mới đến quê mới. Bà con lạ lẫm trên quê mới song rất đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau dựng lại nhà cửa, làm chuồng nuôi gia súc, chẳng mấy chốc ngôi làng mới được lập lên như một kỳ tích giữa vùng đất hoang vu.
Về quê mới bà con được Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất ruộng, đất rừng và tiền làm nhà ở..., song đời sống của bà con lúc bấy giờ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Chuyện trồng cây gì, con gì hay việc học hành, khám chữa bệnh đều được chính quyền các cấp nghĩ tới và lo cùng người dân tái định cư. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, nhất là thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, bà con dân tộc Mông ở Tiên Tốc đã có bước chuyển mình đáng kể, hành trình thoát nghèo của bà con được ghi nhận bởi chỉ trong thời gian ngắn số hộ nghèo đã giảm nhiều so với trước.

Điểm trường Mầm non và Tiểu học thôn Tiên Tốc được đầu tư xây dựnggiúp con em dân tộc trong thôn được học tập đầy đủ.
Theo thống kê, năm 2015, khi thôn Tiên Tốc được tách ra từ thôn Nà Xé, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chiếm đến hơn 87%, vậy mà chỉ hơn 3 năm sau tỷ lệ hộ nghèo trong thôn đã giảm hơn 20%, xuống còn 65% (cuối năm 2018). Nhiều người tò mò hỏi không biết bà con ở Tiên Tốc đã làm gì để thoát nghèo nhanh và bền vững, câu trả lời đã được giải đáp kể từ khi bà con biết giữ gìn nghề nuôi trâu, bò, những con vật vốn được coi là “đầu cơ nghiệp”. Đi cùng tôi lên Tiên Tốc, anh Ma Văn Ngàn, công chức Địa chính - xây dựng xã kể, bà con dân tộc Mông ở Tiên Tốc rất chịu khó, bình thường mỗi sáng sớm tinh mơ khi mình dậy đánh răng, rửa mặt đã thấy bà con lên nương, đi cắt cỏ về cho trâu, bò ăn rồi. Chăm sóc kỹ thế nên trâu nhà ai cũng đều béo tốt, bán được giá cao. Nhắc đến Tiên Tốc là nhắc đến thôn có nhiều trâu, bò nhất xã.
Nghề cũ “hốt bạc” nhờ cách làm mới
Hiện nay, toàn thôn có 55 hộ với 278 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 80%. Đối với người Mông Tiên Tốc, mỗi con trâu, bò luôn được coi như cả cơ nghiệp, bởi vậy họ yêu quý, gắn bó với con vật này và trong thời gian gần đây nghề nuôi trâu, bò đã trở thành “cứu cánh” giúp nhiều hộ dân trong thôn vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá. Tiêu biểu như gia đình Trưởng thôn Cháng A Bào cũng vượt lên nhờ nghề “nuôi trâu vỗ béo”. Tính trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán 3 - 4 lứa trâu vỗ béo đem lại thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng. Dẫn chúng tôi tham quan khu vực chuồng nuôi mới thấy sự chăm chút của các thành viên trong gia đình đối với con vật “đẻ ra tiền”. Anh Bào nói, anh mới đầu tư hơn 30 triệu đồng để đổ bê tông khung chuồng trâu và mua mái tôn về lợp. Ngôi nhà gỗ khang trang hay các đồ dùng đầy đủ của gia đình anh đều từ tiền bán trâu mà có. Nghề nuôi trâu hiệu quả như vậy nên anh tích cực vận động bà con trong thôn cùng phát triển nghề này.
Đến nay, thôn có gần 100% hộ dân phát triển nuôi trâu, bò, trong đó hộ dân có từ 2 con trở lên chiếm đa số. Nhiều hộ nuôi từ 5 con trở lên như gia đình anh Cháng A Thư, Giàng A Làng, Cháng A Nghênh... Theo các hộ nuôi trâu, việc nuôi trâu, bò nhốt chuồng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bà con chăn thả tự do trước đây. Bởi việc chăn thả tự do trâu, bò phá phách cây trồng, nguồn thức ăn không đảm bảo, việc lấy giống tự do gây thoái hóa đàn vật nuôi. Chính vì thế, người dân thôn Tiên Tốc đã thay đổi phương thức chăn nuôi, họ làm chuồng trại cẩn thận, trồng thêm cỏ voi, giữ ấm cho trâu bò về mùa đông, làm chuồng thoáng mát vào mùa hè... Nhờ thế trâu, bò lớn nhanh mang lại thu nhập ổn định cho mỗi gia đình.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Cháng A Bào, thôn Tiên Tốc cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm.
Nhắc đến chuyện nuôi trâu, bò không thể không nói đến anh Giàng A Làng, người hiện nay có đàn trâu, bò lên đến gần trăm con. Anh Làng bảo, nghề nuôi trâu, bò vốn được duy trì từ đời ông cha mình nên mình chỉ việc phát huy. Có khác là ngày nay việc chăn nuôi tập trung chứ không phân tán như trước. Đặc biệt, việc chú ý đến yếu tố kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh để vật nuôi phát triển là mấu chốt để thành công. Bên cạnh đó, các lớp tập huấn chăn nuôi hay việc hỗ trợ của xã, các cấp, các ngành trong tỉnh đối với người dân tái định cư trong phát triển ngành nghề có vai trò rất quan trọng để gia đình anh và các hộ dân trong thôn phát triển nghề này đem lại cuộc sống ấm no.
Trong quá trình triển khai các giải pháp giảm nghèo, xã Bình An đã lựa chọn và xác định phát triển mô hình chăn nuôi gia súc là một hướng đi phù hợp, tạo đà giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Xã tạo điều kiện về nguồn vốn vay tín chấp, phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn, dạy nghề phù hợp để hỗ trợ người dân trong phát triển chăn nuôi, tạo bước đột phá góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Đổi thay mọi mặt
Nói về sự đổi thay của Tiên Tốc, đồng chí Ma Công Khâm, Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, so với thời kỳ mới tách thôn năm 2015 là một bước tiến dài của người dân trong thôn. Từ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân mỗi hộ dân, Tiên Tốc hôm nay đã vươn lên trở thành một khu dân cư có đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Trong thôn có nghề nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao và đây cũng chính là mô hình mà xã đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng để mang lại thu nhập ổn định, tạo đà trong phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Nhờ kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, người Mông ở Tiên Tốc đã yên tâm và rất nỗ lực trong các hoạt động xây dựng đời sống, giữ gìn văn hóa tại địa phương. Đến thôn, chúng tôi dễ dàng bắt gặp người dân trong thôn vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống và truyền dạy nghề thêu trang phục dân tộc đến lớp trẻ. Đối với việc học, con em các dân tộc trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. Theo thống kê của trường Mầm non và Tiểu học Bình An, tỷ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến trường ở Tiên Tốc đạt 100%, tỷ lệ học sinh học hết Tiểu học đạt 100%. Một số học sinh người Mông ở Tiên Tốc đã học đại học, cao đẳng và có việc làm ổn định, tiêu biểu như trường hợp anh Cháng A Cường, sinh năm 1994 đang công tác ở lực lượng Công an huyện Lâm Bình hay chị Cháng Thị Ga hiện là sinh viên trường Đại học Tân Trào...
Đời sống và kinh tế, văn hóa ngày càng ổn định, phát triển, người dân Tiên Tốc đã chứng minh mọi khó khăn, trở ngại ban đầu nếu có ý chí, quyết tâm sẽ vượt qua. Và hôm nay, Tiên Tốc đang vững bước trên con đường đổi mới, góp sức tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Bình An của huyện Lâm Bình.
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/hanh-trinh-no-am-123042.html