Hành trình mang theo giấc mơ và niềm tin khuyến học
Tháng Bảy, Hà Nội đón tôi bằng hơi thở nhẹ, hoa bằng lăng cuối mùa vẫn e ấp sắc tím muộn; nắng vàng trải trên từng phiến đá cổ kính, và những con phố thâm trầm như đang thì thầm kể chuyện ngàn năm. Tôi bước đi, lặng lẽ mà rưng rưng. Có điều gì đó vừa thân thuộc, vừa mới mẻ, như tiếng gọi từ ký ức, nghĩa tình.

Đoàn cán bộ khuyến học tiêu biểu toàn quốc đã có thâm niên cống hiến cho công tác khuyến học tại các tỉnh thành trên cả nước gặp mặt Chủ tịch nước Lương Cường ngày 10/7/2025. Ảnh: Nhân Dân
Sáng ngày 10/7/2025, tôi cùng những người bạn đồng hành – những cán bộ tiêu biểu trong công tác khuyến học từ mọi miền Tổ quốc – đã có mặt tại phòng họp lớn của Văn phòng Chủ tịch nước. Chúng tôi được gặp gỡ, lắng nghe và sẻ chia cùng Chủ tịch nước Lương Cường – một lãnh đạo chân thành, rất gần gũi, luôn thấu hiểu nỗi niềm của những người đang lặng lẽ đi "gieo chữ". Buổi gặp không chỉ là niềm vinh dự mà còn là động lực để mỗi người trong chúng tôi tiếp tục dấn thân, thắp lên những ngọn lửa niềm tin trên hành trình khuyến học.
Tôi đứng đó – giữa lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến, mang theo bao yêu thương từ Quảng Nam thân thương: một vùng đất thắm đượm nghĩa tình, nơi tôi cùng đồng đội từng ngày vun trồng những mầm xanh tri thức, nâng bước tới trường cho bao phận học trò nghèo.
Nay, khi tỉnh Quảng Nam hợp nhất với thành phố Đà Nẵng – hai miền quê cùng quy tụ về một cội nguồn xứ Quảng, trong tôi trỗi dậy niềm tiếc nuối khi cái tên "Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam" lặng lẽ khép lại.
Nhưng ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận được một ngọn gió mới mát lành, dịu nhẹ thổi đến, mang theo những tia hy vọng về một hành trình mới – nhiều cơ hội, nhiều khát vọng hơn.
Quảng Nam – nơi đã sản sinh biết bao hiền tài, từ lâu đã khơi nguồn truyền thống hiếu học, ươm mầm tài năng và khuyến học cho bao thế hệ. Tự hào là quê hương của "Ngũ phụng tề phi", "Tứ Kiệt", "Tứ Hổ"... – nơi từng in dấu bước chân cụ Huỳnh Thúc Kháng khi khởi xướng phong trào khuyến học từ năm 1934.
Tôi nhớ đến những cây đa, những giếng nước đầu làng, tiếng mẹ ru con mỗi buổi trưa hè, và hình ảnh người mẹ tảo tần "gánh chữ" cho con, người cha lam lũ gồng gánh giấc mơ đại học cho con cháu... – tất cả đã hòa quyện thành mạch nguồn bất tận trong máu thịt người xứ Quảng, bồi đắp nên một phong trào khuyến học bền bỉ và thấm đẫm ân tình.
Tôi không tự hào về chính mình, bởi tôi chỉ là một chiếc lá xanh giữa rừng cây lớn – nơi có hàng ngàn, hàng vạn người vẫn ngày ngày lặng lẽ cống hiến.
Họ là những thầy, cô giáo cắm bản vùng cao, giữ lớp như giữ lửa; là những cụ già đọc sách mỗi ngày, truyền cảm hứng về tinh thần học suốt đời: "học không bao giờ cùng"; là những hội viên khuyến học ở khắp các miền quê của Quảng Nam – Đà Nẵng, đang âm thầm gom góp từng tấm lòng nuôi dưỡng ước mơ học trò. Có những người chưa một lần ra Hà Nội, nhưng chính họ đã nâng bước tôi đi trọn cuộc hành trình này.

Hà Nội – nơi tôi đang đứng – không chỉ là điểm hẹn mà còn là miền nhớ, miền ký ức dịu dàng. Là phố cổ rêu phong dưới ánh đèn vàng, tiếng rao khuya vọng qua ô cửa nhỏ, gánh hoa tươi trên vai người thiếu nữ... Nhưng sâu sắc nhất vẫn là khoảnh khắc những người làm khuyến học được đón nhận sự trân trọng từ chính người đứng đầu Nhà nước. Hà Nội đã thắp lên trong chúng tôi niềm tin rằng những hạt giống âm thầm hôm nay rồi sẽ nở hoa rực rỡ vào mai sau.
Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng kết tinh từ hai vùng đất hiếu học không đơn thuần là một mô hình hành chính, mà là biểu tượng của sự hòa quyện, của một khát vọng lớn hơn: xây dựng một xã hội học tập toàn diện, nơi mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng và từng cá nhân đều là chủ thể.
Tôi mong rằng sau chuyến đi này, mỗi cán bộ Hội – từ trung tâm thành phố đến tận vùng sâu, vùng xa – đều thấy mình được tiếp thêm sức mạnh, tin yêu để vững bước. Tôi nhớ lắm những ánh mắt học trò khi nhận học bổng, những buổi họp mặt của đồng nghiệp khuyến học nơi vùng sâu vùng xa, những phần quà nghĩa tình từ người thầy, cô nghỉ hưu âm thầm gom góp cho học sinh, sinh viên nghèo. Những điều ấy tưởng chừng nhỏ bé mà sâu nặng tôi mang theo trong tim, như mang theo ánh sáng của ngọn đèn chưa từng lụi tắt.
Nhân dịp này, tôi không thể không nhắc đến những người đi trước – những bậc khai sơn, mở lối cho phong trào khuyến học Quảng Nam, các vị Chủ tịch Hội Khuyến học đầu tiên ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cùng biết bao anh chị khác. Họ là những người gieo hạt đầu tiên, là rễ nguồn nuôi dưỡng cội cây tri thức. Giờ đây, chúng tôi chỉ là người tiếp lửa – giữ lửa và thắp thêm ngọn lửa...
Tôi biết, hành trình khuyến học phía trước còn rất dài và lắm chông gai. Nhưng nếu mỗi người đều thắp lên một ngọn lửa, thì đêm tối mấy rồi cũng sẽ sáng. Nếu mỗi bàn tay cùng dang ra, mỗi tấm lòng cùng mở rộng, sẽ không một học sinh nghèo nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình đến với tri thức.
*Bài viết của Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng Nguyễn Văn Long