Hành trình bão táp của chàng trai Việt chinh phục cung đường huyền thoại ở Nepal
Chọn chinh phục đỉnh Annapurna Circuit (AC) tại Nepal vào mùa thời tiết đẹp, nhưng chàng trai Trần Trung Hiếu không thể ngờ, mình lại có một hành trình đầy bão táp.
Trần Trung Hiếu, sinh năm 1990 tại Hội An, là một người đam mê du lịch và những môn thể thao vận động như marathon hay leo núi.
Đã từng leo núi cung Langtang ở Nepal vào năm 2020, tới mùa thu năm 2022, Hiếu quyết định trở lại Nepal để chinh phục một cung khác: cung Annapurna Circuit. Đây là cung leo không được nhiều người lựa chọn bởi hành trình dài, mất rất nhiều thời gian, trung bình 15 ngày chưa kể thời gian để di chuyển đến Nepal. Tuy nhiên Trung Hiếu vẫn quyết đinh dành hẳn 22 ngày để thực hiện hành trình này bởi cung đường này được đánh giá là rất đẹp với sự đa dạng về địa hình.
Không lựa chọn đi theo tour mà hoàn toàn tự túc, từ việc xin visa, di chuyển, cho đến mang vác đồ… vậy nên trước khi đi, Trung Hiếu đã lên youtube và các diễn đàn du lịch để tìm hiểu kỹ thông tin và chuẩn bị đầy đủ đồ dùng. Từ đồ ấm, túi ngủ, giày leo núi, găng tay, mũ…đến đồ ăn, thuốc chống sốc độ cao, thiết bị sơ cứu…Chọn đi vào thời điểm thời tiết đẹp, Hiếu yên tâm lên đường.
Cung Annapurna Circuit có độ dài gần 200km. Hiếu cùng đoàn leo phải đi xe Jeep hơn 3 tiếng mới tới được chân núi. Ngày đầu tiên của hành trình, mọi việc đều thuận lợi suôn sẻ, nắng đẹp và chưa có tuyết. Thế nhưng chỉ đến ngày thứ hai, thời tiết bất ngờ thay đổi. Mưa liên tục và tuyết bắt đầu rơi.
Mưa lớn khiến nước suối chảy cuồn cuộn, gió rít từng cơn như muốn cuốn bay những con người nhỏ bé. “Bọn mình đã đi qua rất nhiều đoạn sạt lở vì mưa lớn. Có khi mới đi qua được vài phút thì nghe tiếng ầm ấm phía sau. Nhìn lại thì thấy cả một phần sườn núi đã sạt lở hết, vùi lấp cả con đường. Lúc ấy có muốn quay lại thì cũng không được nữa.” Trung Hiếu chia sẻ.
Chỉ trong 2 ngày, trên đèo Thorung-La tuyết đã ngập tới bụng, mưa tuyết cùng gió lạnh ngấm sâu vào cơ thể, run bần bât. Cả đoàn di chuyển vô cùng khó khăn. Trung Hiếu lúc đó cảm thấy rất thất vọng và lo lắng. Thế nhưng tình thế lúc ấy buộc chàng trai Hội An phải tự động viên bản thân mình cố gắng vượt qua, không thể bỏ cuộc dễ dàng như thế.
Ngày thứ năm, khi tới điểm Manang ở độ cao 3500m, điều không mong muốn nhất đã xảy đến. Vì tuyết rơi quá dày và gió lớn, cung leo núi không cho du khách leo tiếp. Tình thế lúc ấy, không lên được mà cũng không xuống được. Nhiều du khách quyết định bỏ cuộc và thuê trực thăng để về. Còn Trung Hiếu thì vẫn quyết định ở lại, chờ đến khi nào thời tiết tốt hơn rồi tính tiếp.
Hiếu đã kẹt lại ở điểm Manang tới tận 5 ngày. Mỗi ngày, số lượng thành viên trong đoàn lại ít dần đi, từng người leo lên trực thăng. Cuối cùng cũng chỉ còn 4 người bám trụ. Nhiệt độ ngoài trời lúc ấy là -10 độ C, tất cả mọi vật lẫn con người đều đông cứng vì lạnh. Thế nhưng trong 5 ngày mắc kẹt, chỉ có 1 ngày là Hiếu ở trong Teahouse (nhà trà, nơi du khách có thể ghé chân sưởi ấm, uống trà, ngủ qua đêm) để nghỉ ngơi hồi sức. 4 ngày còn lại, Hiếu cố gắng khám phá khu vực quanh đó cho đỡ phí thời gian. Thế nhưng chàng trai cũng không thể đi xa được do tuyết rơi quá dày, không an toàn.
Không uổng phí công sức hi vọng và chờ đợi, đến ngày thứ 10, thời tiết bắt đầu chuyển biến tích cực. Khoảnh khắc khi người chủ Teahouse nói với Hiếu rằng đèo đã cho qua, Hiếu như vỡ òa trong sung sướng và tức tốc lên đường. Ngày hôm đó là ngày đẹp nhất trong cả hành trình, khi mây mù tan, trời quang tạnh ráo, tuyết bắt đần tan và các đỉnh núi bắt đầu hiện ra phía xa xa chân trời.
Trong suốt hành trình, cảnh vật tại AC luôn thay đổi, không chỗ nào giống chỗ nào. Khi là rừng thông với hương thơm dìu dịu, khi là những khu rừng nguyên sinh thay lá, những con suối nhỏ, những sông băng, núi tuyết với những ngôi làng sơ nguyên của người dân bản địa. “Cứ đi được một lúc là mình lại phải dừng lại để chụp hình, mà vẫn cảm thấy những bức hình không thể nào lột tả được hết vẻ đẹp của nơi đây.”Trung Hiếu bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc đã in sâu trong trí nhớ.
Thời tiết ủng hộ, Hiếu đã cùng những người bạn còn lại trong đoàn chinh phục thành công đèo Thorung-La. Thorung-La (5.416 m) là đèo cao nhất thế giới, cũng là điểm cao nhất của hành trình AC trong niềm tự hào về bản thân vì đã không bỏ cuộc.
Vốn là một cung được đánh giá không quá khó đi vì ít dốc, tuy nhiên sự “trở mặt” khó lường của thời tiết đã khiến chuyến đi của Trung Hiếu trở thành thử thách khó quên. Thế nhưng dù lịch trình bị thay đổi hoàn toàn, dù liên tục phải đấu tranh giữa việc bỏ cuộc hay tiếp tục hay những lúc tưởng như mình sắp bị “đóng băng” đến nơi, Hiếu vẫn cảm thấy tất cả trải nghiệm đều đáng giá, đâu phải mọi chuyến đi đều suôn sẻ. Nếu biết trước mọi thứ thì sẽ chẳng còn gì thú vị nữa. Những tình huống bất ngờ sẽ giúp mình học cách xoay sở trước mọi tình huống.
“Sau chuyến mình đã thay đổi khá nhiều trong suy nghĩ, lạc quan hơn trong mọi việc. Mình thấy mọi công sức bỏ ra rồi sẽ được đền đáp xứng đáng, bằng cách này hay cách khác. Chuyến đi này thực sự đã mang đến cho mình những trải nghiệm không thể mua được bằng tiền.”Trung Hiếu chia sẻ.
Do toàn bộ là tự túc, nên chi phí cho chuyến đi 22 ngày của Hiếu là 24 triệu đồng. Chàng trai vẫn dang ấp ủ kế hoạch sẽ quay lại Nepal vào tháng 4 năm sau để chinh phục cung Everest Three Passes.