Hành động cần thiết

Căng thẳng giữa Nga và Ucraina đang gia tăng sau khi lực lượng Nga bắt giữ ba tàu hải quân của Ucraina trên Biển Đen, kéo theo những cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau giữa Moscow và Kiev. Không chỉ dừng ở đó, vụ việc còn có nguy cơ leo thang nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Nga - phương Tây nói chung, Nga - Mỹ nói riêng.

Hãng tin TASS dẫn thông báo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, lực lượng biên phòng trực thuộc FSB đã bắt giữ ba tàu hải quân Ucraina trên Biển Đen khi các tàu này “cố gắng xâm nhập lãnh hải Nga một cách trái phép” và các tàu của Nga đã buộc phải sử dụng vũ khí. Nga cũng đã khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xâm phạm biên giới quốc gia.

Còn phía Ucraina thông báo rằng các tàu của Nga đã cản trở ba tàu hải quân của Kiev di chuyển tự do qua eo biển Kerch để vào biển Azov. Bộ Ngoại giao Ucraina đã đề nghị Moscow trao trả các thủy thủ bị Nga bắt giữ và bồi thường thiệt hại do vụ việc gây ra.

Vụ việc nói trên cũng gây bầu không khí căng thẳng tại Ucraina vì những lo ngại an ninh. Quốc hội Ucraina đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống P.Poroshenko áp đặt thiết quân luật trong thời gian 30 ngày tại các khu vực biên giới. Kiev cũng hối thúc các đồng minh và đối tác đưa ra các biện pháp cần thiết phù hợp, chẳng hạn như áp dụng những lệnh trừng phạt mới và tăng cường những lệnh trừng phạt đang có hiệu lực đối với Nga, đề nghị cấp viện trợ quân sự giúp Kiev bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình… Thậm chí, Tổng thống Poroshenko còn kêu gọi Quốc hội Ucraina ban bố tình trạng chiến tranh.

Về phía mình, Moscow thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của Ucraina. Sau cuộc họp khẩn của Liên hợp quốc (LHQ) về vụ việc nêu trên, đại diện phái đoàn Nga tại LHQ cho rằng, ba tàu hải quân Ucraina đã xâm phạm lãnh hải của Nga bất hợp pháp và không chịu rút lui khi tàu Nga cảnh báo; khẳng định hành động này vi phạm Hiến chương LHQ, luật pháp và thông lệ quốc tế. Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga, việc Ucraina áp đặt tình trạng thiết quân luật là công việc nội bộ của Kiev, tuy nhiên điều đó có nguy cơ làm gia tăng xung đột tại Ucraina, nhất là ở khu vực đông-nam.

LHQ và các nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ xung đột tại eo biển Kerch; kêu gọi hai bên giải quyết vấn đề qua đàm phán, thương lượng hòa bình; kiềm chế có hành động hay ngôn từ gây căng thẳng, đồng thời cần phải kiểm soát để tránh vụ việc tại đây leo thang nguy hiểm. Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hối thúc xoa dịu căng thẳng giữa Nga và Ucraina trên Biển Đen, đồng thời đề nghị Moscow khôi phục tự do đi lại tại eo biển này.

NATO kêu gọi Nga bảo đảm việc tự do tiếp cận các cảng của Ucraina tại biển Azov phù hợp luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Đức U.Leyen cũng thúc giục Nga trả tự do cho các tàu và thủy thủ đoàn bị bắt giữ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan, Bộ trưởng Ngoại giao Áo C.Kneissl tuyên bố căng thẳng cần giải quyết thông qua đàm phán và phương Tây nên tìm cơ hội đối thoại với Nga, như trong khuôn khổ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Trong khi đó, vụ đụng độ trên biển giữa Nga và Ucraina đang có nguy cơ trở thành “vật cản mới” trong quan hệ Nga - Mỹ vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Tổng thống Mỹ D.Trump hôm 27-11 trong trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Washington đã tiết lộ rằng, có khả năng ông sẽ hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga V.Putin bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tuần này tại Argentina, do vụ đụng độ tại eo biển Kerch. Truyền thông Ucraina cho biết, một máy bay do thám của Mỹ đã tiến vào Biển Đen.

Quan hệ giữa Moscow và Kiev vốn lâu nay căng thẳng bởi liên quan vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nay càng xấu đi nghiêm trọng hơn. Quan hệ Nga - phương Tây, nhất là quan hệ Nga - Mỹ, cũng trở nên khó hàn gắn sau một loạt “sóng gió” liên tục suốt mấy năm qua. Trong bối cảnh nêu trên, giải pháp duy nhất để “tháo ngòi nổ” xung đột hướng tới bình thường hóa quan hệ là các bên cùng “hạ nhiệt” và ngồi vào bàn đàm phán. Tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ vừa qua, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, bà R.DiCarlo nhấn mạnh rằng, trong vụ đụng độ ở eo biển Kerch, chỉ những hành động mang tính xây dựng mới giúp các bên liên quan giải tỏa bế tắc.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, việc các bên cùng ưu tiên đưa ra những hành động mang tính xây dựng là vô cùng cần thiết lúc này, nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ đụng độ vừa qua tại khu vực biển có ý nghĩa chiến lược với cả Nga và Ucraina.

VIỆT HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38403502-hanh-dong-can-thiet.html