Hai ứng viên vào 'chung kết' cuộc đua tới ghế Thủ tướng Anh

Tân thủ tướng Vương quốc Anh sẽ ông Rishi Sunak hoặc bà Liz Truss sau khi cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ gút lại còn hai ứng cử viên cuối cùng trong ngày 20/7.

Ông Rishi Sunak (phải) và bà Liz Truss (trái) là hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua kế nhiệm ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh. Ảnh: Getty Images

Ông Rishi Sunak (phải) và bà Liz Truss (trái) là hai ứng cử viên cuối cùng trong cuộc đua kế nhiệm ông Boris Johnson làm Thủ tướng Anh. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Boris Johnson đã từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền vào đầu tháng này sau một loạt vụ bê bối khiến hàng chục bộ trưởng phải từ chức. 10 đảng viên Bảo thủ đã tham gia trong cuộc tranh cử thay thế ông, và qua 5 vòng bỏ phiếu, các nghị sĩ quốc hội đã giảm số ứng viên xuống còn hai người.

Ông Sunak giành được 137 phiếu và bà Truss được 113 phiếu ở vòng bỏ phiếu gần nhất. Cả hai ứng cử viên đã lên Twitter để bình luận về kết quả.

"Biết ơn vì các đồng nghiệp của tôi đã đặt niềm tin vào tôi ngày hôm nay. Tôi sẽ làm việc ngày đêm để truyền tải thông điệp của chúng tôi trên khắp đất nước", ông Sunak đăng dòng tweet.

Về phần mình, bà Truss viết: "Cảm ơn các bạn đã đặt niềm tin vào tôi. Tôi đã sẵn sàng bắt tay vào công việc ngay ngày đầu tiên."

Giờ đây, khoảng 160.000 thành viên của Đảng Bảo thủ sẽ thể hiện tiếng nói của mình, và vào tháng 9, người chiến thắng - tân thủ tướng Anh - sẽ được công bố.

Cả hai ứng cử viên lọt vào vòng chung kết trong cuộc đua tới ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ đều phục vụ trong chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson, và do đó có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những vụ bê bối đã hạ bệ ông Johnson.

Đầu tiên là việc ông Johnson bảo vệ một đồng minh chính trị bị phát hiện là đã vi phạm các quy tắc vận động hành lang, và kết thúc bằng những tiết lộ rằng ông đã bổ nhiệm phó chánh văn phòng Chris Pincher, người bị cáo buộc tấn công tình dục nhiều lần.

Vụ bê bối được biết đến nhiều nhất là "Partygate", trong đó ông Johnson và một số đồng minh chính trị - bao gồm cả ông Sunak - bị cảnh sát phạt vì vi phạm các hạn chế phòng dịch COVID-19 của chính phủ. Vụ việc khiến ông Johnson trở thành thủ tướng Anh đầu tiên trong lịch sử bị kết tội vi phạm luật khi đương nhiệm.

Nhiệm vụ mà hai ứng cử viên cuối cùng phải đối mặt là rất lớn, với việc Anh đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và Đảng Bảo thủ ngày càng mất lòng dân sau 12 năm cầm quyền.

Hôm 20/7, ông Johnson đã tham dự phiên chất vấn cuối cùng của Thủ tướng tại Hạ viện. Ông vẫn tự hào về phản ứng của chính phủ đối với đại dịch và sự hỗ trợ tích cực dành cho Ukraine trong xung đột với Nga.

Vòng cuối cùng của cuộc đua gút lại ứng viên ghế Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh đợt nắng nóng kỷ lục, làm bùng phát các đám cháy rừng và càng làm nổi rõ những thiếu sót của nước Anh trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu.

Ông Rishi Sunak hoặc bà Liz Truss sẽ được đảng Bảo thủ lựa chọn làm người lãnh đạo đảng, đồng thời là Thủ tướng Anh vào tháng 9 tới. Ảnh: Getty Images

Ông Rishi Sunak hoặc bà Liz Truss sẽ được đảng Bảo thủ lựa chọn làm người lãnh đạo đảng, đồng thời là Thủ tướng Anh vào tháng 9 tới. Ảnh: Getty Images

Dưới đây là những thông tin về hai ứng cử viên chung cuộc cho vị trí Thủ tướng Anh:

Rishi Sunak

Ông Sunak vốn được coi là ứng viên dẫn đầu. Ông từng là Bộ trưởng Tài chính thời kỳ 2020-2022, và gây chú ý khi đưa ra các biện pháp được lòng dân như kế hoạch mở cửa và giảm giá khi ăn uống tại các nhà hàng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Gần đây, ông Sunak chịu áp lực liên quan đến tình trạng thuế của vợ ông, bà Akshata Murthy, một triệu phú sống ở Ấn Độ. Áp lực này có thể gia tăng nếu ông đắc cử thủ tướng. Mặc dù vậy, ông Sunak đã liên tục dẫn đầu trong các vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Nếu lên nắm quyền, ông cũng sẽ phải vượt qua những lời chỉ trích từ đối thủ chính trị. Các nhà lãnh đạo đối lập sẽ nhanh chóng nhắc Sunak rằng ông cũng đã bị phạt tại sự kiện Partygate như Thủ tướng Boris Johnson.

Liz Truss

Bà Truss cũng mắc một vấn đề liên quan đến ông Johnson. Bà vẫn đang giữ chức ngoại trưởng trong nội các Boris Johnson và sẽ tiếp tục vị trí này cho đến khi ông rời nhiệm sở vào tháng 9.

Liz Truss đã đứng về phía lãnh đạo của mình trong tất cả các vụ bê bối của ông, biện minh rằng việc bà không từ chức vì vụ bê bối Pincher là do đang điều phối phản ứng của Anh đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Bà Truss cũng được phần lớn người theo Đảng Bảo thủ coi là ứng cử viên tiếp nối ông Johnson. Trong số những người ủng hộ chính của bà có một số đồng minh trung thành nhất của ông Johnson.

Ứng viên này cũng sẽ rất khó để tránh xa các chính sách của người tiền nhiệm. Bà Truss, từng bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu, đã trở thành một người ủng hộ Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Kể từ khi ông Johnson nhậm chức, bà là Bộ trưởng thương mại và Ngoại trưởng. Bà cũng là người ủng hộ nhiệt thành kế hoạch của ông Johnson viết lại một phần gây tranh cãi của thỏa thuận Brexit là Nghị định thư Bắc Ireland.

Bà Truss đã dành phần lớn thời gian tại chức để xây dựng cơ sở quyền lực và rất được lòng các nghị sĩ cũng như đảng Bảo thủ.

Cả hai ứng viên Sunak và Truss dự kiến dành cả mùa hè để vận động các đảng viên Bảo thủ trước khi đảng này công bố người chiến thắng vào ngày 5/9.

Sau đó, Thủ tướng Boris Johnson sẽ nộp đơn từ chức lên Nữ hoàng, và người kế vị lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ đến thăm Nữ hoàng và được bà mời thành lập chính phủ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hai-ung-vien-vao-chung-ket-cuoc-dua-toi-ghe-thu-tuong-anh-20220721001836363.htm