Hải sản 'tắm' hóa chất: Bỏ 100.000 đồng ngâm cả tấn

Chị N cho biết, mỗi lần gia đình chị muốn ăn tôm, mực, chị thường lấy hàng mới nhập từ tàu vào, hàng đã 'tắm' hóa chất chị phải để riêng.

Hiện nay trên thị trường đặc biệt là thị trường hải sản ở các thành phố xa biển có một thực trạng rât nguy hiểm cho người tiêu dùng đang xảy ra, đó là hải sản bị "tắm" hóa chất rồi mới chuyển đến tay người tiêu dùng.

Hầu hết cá, mực, đặc biệt là cá biển… bày bán ở chợ đều đã chết, để đánh lừa người mua, người bán dùng hóa chất pha loãng với nước đá rồi nhúng hải sản vào.

Ngày 10/8, PV báo Đất Việt có buổi tìm hiểu 1 chủ buôn hải sản lâu năm ở Hà Nội về việc này thì được biết, hóa chất dùng để ngâm hải sản mà chị dùng có nhãn mác từ Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị N (chủ buôn hải sản 17 năm ở Hà Nội) cho rằng: "Tôi ở xa vùng biển nên mỗi lần nhập hàng phải nhập nhiều và mất thời gian đi lại, nếu về không bán hết, tôi phải pha lọ thuốc có nhãn mác của Trung Quốc với nước đá để nhúng tôm, cá vào rồi mới cung cấp cho bên phía các quán ăn hay mang ra chợ bán.

Những mặt hàng đã qua xử lý bằng hóa chất như vậy sẽ giúp hàng của tôi còn tươi và không mùi, bán được thêm 2 ngày".

Hải sản ngâm trong nước đá với hóa chất sẽ giúp dân buôn không bị mất tiền.

Nói về loại hóa chất này, chị N cho rằng, chỉ cần mất 100.000 đồng chị có thể dùng để ngâm được hàng tấn hải sản. Loại hóa chất này chị thường nhờ người quen ở Móng Cái mua giúp.

"Nếu dùng theo liều lượng vừa phải và để hải sản không quá lâu thì người ăn sẽ không bị độc lắm. Chỉ sợ khi cho quá tay gói thuốc vào nước đá rồi rửa lại bằng ít nước, người tiêu dùng ăn vào nguy hiểm.

Còn tôi làm lâu năm rồi nên kinh nghiệm pha thuốc với liều lượng vừa phải nên không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chỉ những mặt hàng để lâu không bán được tôi mới phải dùng đến hóa chất như vậy thôi. Cũng nhờ những lọ thuốc đó mà tôi không bị lỗ nhiều tiền hàng", chị N tiết lộ thêm.

Nói thêm về việc này, chị N cho biết, mỗi dịp biển động hay các ngày lễ, tết, chị đều phải dùng đến hóa chất để ngâm hải sản giữ hàng bán thu lợi nhuận lớn trong những ngày khan hiếm.

"Khách hàng không phải dân vùng biển thường rất khó phân biệt những mặt hàng hải sản tươi nên tôi bán cũng yên tâm hơn. Tôi lấy ví dụ như mực ống tươi, người không phải dân biển thường thích những con mực có màu hồng mà không để ý xem mực đó còn tươi mới không. Những con mực vừa được đánh bắt thường có ánh bạc, da mực không bị trầy xước", chị N nói.

Cũng theo chị N, những mặt hàng đã qua rửa hóa chất đều có màu trắng nhợt và không mùi, còn những hàng tươi thường có màu trắng tự nhiên và mùi tanh đặc trưng của hải sản. Hơn nữa, nếu để ý kỹ sẽ thấy, hải sản có dấu hiệu hư hỏng thì mô thịt thường nhão hơn hàng tươi.

Còn nhớ, cách đây không lâu, ngày 25/7, lực lượng chức năng Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở nghi tẩy trắng bạch tuộc, mực bằng hóa chất ở Phúc Xá, quận Ba Đình. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở này đang sơ chế khoảng 330kg bạch tuộc không rõ nguồn gốc và có hành vi tẩy trắng bạch tuộc bằng hóa chất.

Theo đó, bạch tuộc sau khi thu mua về được rửa ngay trên vỉa hè, rồi được phân loại theo kích cỡ, trọng lượng từng con. Tiếp đó, bạch tuộc được đổ vào 2 khay inox chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng để tẩy trắng, khử mùi hôi trong vòng 30 phút.

Mỗi ngày, cơ sở này nhập khoảng 1 tấn mực, bạch tuộc không rõ nguồn gốc về chế biến, ngâm và tẩy trắng. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu dung dịch ngâm bạch tuộc để đem đi xét nghiệm.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng Hà Nội bắt cơ sở dùng hóa chất tẩy trắng hải sản. Trước đó, tại khu chợ thủy hải sản Long Biên, vào năm 2009 và năm 2014 cơ quan Công an TP Hà Nội cũng phát hiện một số cơ sở dùng oxy già (Hydro Peroxid) để tẩy trắng, loại bỏ mùi thối của mực, bạch tuộc hư hỏng rồi bán ra thị trường.

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/hai-san-tam-hoa-chat-bo-100000-dong-ngam-ca-tan-3363480/