Hai dạng bài nghị luận xã hội thường gặp trong bài thi Văn vào 10

Nhằm giúp thí sinh đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ văn vào 10, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn các em hệ thống lại kiến thức trọng tâm về kiểu bài nghị luận xã hội.

Đề nghị luận xã hội chia thành hai kiểu bài: Nghị luận về tư tưởng đạo lý (bàn luận về những vấn đề thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống, cách ứng xử) và nghị luận về hiện tượng đời sống (bàn luận về những hiện tượng, những sự việc cụ thể xảy ra trong đời sống hàng ngày, mang tính cấp bách, gần gũi, có ảnh hưởng đến cuộc sống).

Với từng kiểu bài, thí sinh cần triển khai theo các luận điểm rõ ràng.

Cụ thể, với kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lý, thí sinh cần triển khai thành các luận điểm như sau:

Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm về tư tưởng đạo đức.

Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về biểu hiện/vai trò của tư tưởng đạo lý.

Luận điểm 3: Liên hệ - Phản đề (Bàn luận mở rộng các tư tưởng vấn đề trái ngược).

Luận điểm 4: Bài học nhận thức, hành động cho bản thân, kết luận.

Còn với kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống, đầu tiên cần giải thích hiện tượng đời sống đó là gì. Tiếp theo, các em nêu lên biểu hiện, thực trạng của vấn đề. Nếu đó là vấn đề tích cực thì sau đó hãy nên ra vai trò, lợi ích của vấn đề; nếu đó là vấn đề tiêu cực thì cần lập luận về hậu quả, tác hại của vấn đề. Cuối cùng nêu lên giải pháp, liên hệ thực tế.

Khi đứng trước bất cứ đề bài nghị luận xã hội nào, cũng cần quy về dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống hoặc nghị luận về tư tưởng đạo lý. Từ việc nắm vững được các bước triển khai luận điểm như trên, các em sẽ đảm bảo được việc lập luận thuyết phục.

Một điều nữa mà thí sinh cần ghi nhớ trong quá trình làm bài nghị luận xã hội, đó là cần đan xen kết hợp giữa lập luận và dẫn chứng, điều này sẽ làm tăng tính thuyết phục cho bài văn nghị luận. Để đưa dẫn chứng phù hợp cho kiểu bài nghị luận xã hội, các em cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng dẫn chứng phù hợp với phạm vi đề bài, đưa dẫn chứng gần gũi, có tính thời sự và phải thuyết phục.

Do đó, nên sưu tầm một vài dẫn chứng tiêu biểu, có thể sử dụng trong nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều học sinh còn khá lúng túng khi làm kiểu bài nghị luận xã hội.

Ở video dưới đây, cô Trang sẽ giải đáp một số thắc mắc của học sinh trong quá trình học và ôn luyện phần nghị luận xã hội:

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/hai-dang-bai-nghi-luan-xa-hoi-thuong-gap-trong-bai-thi-van-vao-10-20210508090231388.htm