Hà Nội: Tìm cách đột phá thị trường trong mùa mua sắm

Trong khi các yếu tố vĩ mô khác như xuất nhập khẩu, đầu tư vẫn đang có dấu hiệu suy giảm thì thị trường nội địa tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2023. Hà Nội đang phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng đột phá hơn cho thị trường nội địa. Đây được nhận định là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Người tiêu dùng đang thanh toán tại quầy thanh toán siêu thị BigC. Ảnh: Khánh Huy

Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tháng 9 ước tính đạt 64,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố (TP) đạt 559,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Là một trong những doanh nghiệp (DN) điện máy được ưa chuộng của Việt Nam, ông Phùng Thế Vinh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam chia sẻ, mảng thị trường nội địa là mảng thị trường quan trọng với Kangaroo.

Thời gian qua, Kangaroo đã đẩy mạnh triển khai 4 giải pháp để xúc tiến thương mại nội địa như đẩy mạnh phát triển kinh tế số qua nền tảng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng; Tăng cường truyền thông về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đầu tư hiện đại hóa kênh phân phối trên khắp cả nước; Kích cầu tiêu dùng, đưa ra sản phẩm đặc thù phù hợp với mức tiêu dùng và nhu cầu ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường nội địa, PGS,TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, mức tăng trưởng 9,7% là con số rất ấn tượng. Con số này cũng cho thấy cấu trúc thị trường nội địa và tiêu dùng đang thay đổi, có những bộ phận trước đây chưa nổi lên như thương mại điện tử thì giờ đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tiêu dùng. Trước đây người dân thường mua bán hàng ngoài chợ, siêu thị, còn sau đại dịch, kênh thương mại điện tử ngày càng được ưa chuộng.

Mong chờ “mùa vàng” cuối năm

Giai đoạn cuối năm là thời điểm quan trọng của thị trường nội địa khi vào mùa mua sắm cao điểm. Hiện nay các địa phương đều có kế hoạch triển khai các giải pháp kích cầu lớn để thúc đẩy tiêu dùng.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều quyết sách liên quan thúc đẩy thị trường trong nước như chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó là triển khai hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại để thúc đẩy tăng trưởng thị trường.

Ông Lê Huy Khôi, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương nhấn mạnh, hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng. “Trong thời gian tới, hoạt động này cần tập trung nhiều hơn cho phân khúc thị trường nông thôn. Đây là khu vực có quy mô dân số lớn, thu nhập của người dân đã dần được thu hẹp so với khu vực thành thị nên dư địa còn rất nhiều để có thể khai thác. Cho nên cần nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, đưa hàng về nông thôn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng nhận định: Để tạo tăng trưởng đột phá hơn cho thị trường nội địa trong 3 tháng cuối năm cần dựa vào tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực cầu mạnh, khả năng lan tỏa lớn đến các ngành sản xuất và chi tiêu của cả nền kinh tế. Cùng với đó, cần tận dụng làn sóng mua sắm dịp cuối năm để có các chương trình kích cầu tiêu dùng quy mô lớn, đồng thời thúc đẩy dịch vụ du lịch nội địa và thu hút mạnh du khách quốc tế đến trong dịp này.

Để tiếp tục kích cầu tiêu dùng, từ nay tới cuối năm, TP Hà Nội sẽ tổ chức loạt sự kiện hấp dẫn. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, trong tháng 10/2023, Sở Công thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết, khai thác hàng hóa các địa phương vào Hà Nội để bảo đảm nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô như; Lễ hội Mua sắm Hà Nội; 1.000 điểm khuyến mại - Rộn ràng ưu đãi; Ngày vàng giá shock, Hà Nội online festival… đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, Sở Công thương theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất và thương mại.

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tim-cach-dot-pha-thi-truong-trong-mua-mua-sam-356238.html