Hà Nội chi 114 tỷ rửa đường chống nắng: Tiền có 'chạy nhầm chuồng'?

Nhiều ý kiến đồng tình việc Hà Nội chi 114 tỷ để rửa đường chống nắng tuy nhiên yêu cầu phải làm cách nào để đồng tiền chi đúng, chi trúng. Bởi thực tế vụ mua máy xét nghiệm COVID-19 vừa qua, CDC Hà Nội đã bị phát hiện nâng khống giá, biển thủ...

Thành phố Hà Nội vừa quyết định chi 114 tỷ đồng năm 2020 cho công tác tưới nước rửa bụi bẩn trên đường và chống nóng. Trước đó, Hà Nội đã từng dừng tưới nước rửa đường từ năm 2017 nhằm tiết kiệm khoảng 70 tỷ mỗi năm bởi khi đó Hà Nội đã mua xe cơ giới quét hút hiện đại, sẽ góp phần làm sạch đường phố thay rửa đường.

Liên quan việc Hà Nội chi 114 tỷ rửa đường chống nóng, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc nên làm. Tuy nhiên, dư luận cũng yêu cầu Hà Nội phải làm cách nào để đồng tiền chi đúng, chi trúng. Bởi đây là bài toán khó vì thực tế vụ mua máy xét nghiệm COVID-19 vừa qua, CDC Hà Nội đã bị phát hiện nâng khống giá, biển thủ...

Ảnh minh họa.

Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt bởi là thủ đô của cả nước. Do đó, Hà Nội phải đảm bảo làm sao được không khí trong lành và môi trường sinh thái, môi trường sống xanh sạch đẹp. Bởi không chỉ người dân thủ đô được hưởng mà quốc tế người ta nhìn vào ca ngợi Việt Nam cũng như kêu gọi đầu tư.

“Vấn đề Hà Nội đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất để xứng tầm là một thủ đô. Tuy nhiên, trong đầu tư hạ tầng, chi phí từ xây dựng cơ bản đến vấn đề mua sắm trang thiết bị phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật cho rõ ràng, cụ thể để tránh trường hợp đáng tiếc như vụ việc nâng giá thiết bị máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội gây dư luận không tốt” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Hòa cho rằng, trước đây Hà Nội đã từng triển khai tưới nước rửa đường một cách thường xuyên bây giờ thực hiện trở lại cũng khiến dư luận yên tâm.

“Việc tưới nước rửa đường hết sức là cần thiết nhưng chi số tiền đó, Hà Nội phải tính toán cụ thể, chi li, tính toán cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Quan trọng nhất là tiết kiệm cho ngân sách để đầu tư hạ tầng, để đầu tư phát triển mà tiền ngân sách là tiền thuế của người dân. Cho nên phải thận trọng để sử dụng cho tốt, đạt hiệu quả cao nhất để không mang lại tai tiếng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Vị đại biểu nhấn mạnh, quan trọng là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không phải mang lại lợi ích riêng cho cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào.

Mời độc giả xem video Hà Nội "chơi lớn", chi hơn 100 tỷ đồng rửa đường

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ha-noi-chi-114-ty-rua-duong-chong-nang-tien-co-chay-nham-chuong-1394447.html