Hà Nội: Cần làm rõ việc cấp điện 'chui' cho khu chợ trái phép tại huyện Mê Linh

Dù Tp. Hà Nội yêu cầu Công an và lực lượng chức năng làm rõ tình trạng có hay không một số cán bộ điện lực hoặc mượn danh cán bộ điện lực để tiếp tay cho việc cấp điện trái phép, thì tại huyện Mê Linh lại có dấu hiệu đấu nối điện 'chui' phục vụ khu chợ trái phép ở xã Thanh Lâm.

Điện rực sáng cả khu chợ trái phép tại huyện Mê Linh

Quá trình phản ánh thông tin về khu chợ trái phép tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh nhiều người dân cho biết, ngoài việc các cá nhân đứng ra thu tiền "bảo kê" không đúng quy định của pháp luật và cho xây dựng nhiều công trình kiên cố, những cá nhân này còn thực hiện đấu nối điện 3 pha, điện dân dụng để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Việc làm trên khiến người dân cảm thấy lo sợ hiện tượng cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bởi việc đấu nối điện một cách "vô tội vạ" nếu xảy ra chập cháy thì hậu quả khôn lường. Trong khi đó mỗi ngày có hàng trăm phương tiện ô tô ra vào tập kết bốc xếp hàng hóa càng làm tăng nguy cơ kể trên.

Một góc khu chợ trái phép tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Tp. Hà nội.

Một góc khu chợ trái phép tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Tp. Hà nội.

Sau nhiều ngày có mặt ghi nhận theo thông tin người dân cung cấp, phóng viên Người Đưa Tin nhận thấy xung quanh khu chợ trái phép tại xã Thanh Lâm có rất nhiều các loại dây điện được kéo từ các cột điện gần đó và được đấu nối với các công trình, lều lán, nhà kiến cố, container lạnh…Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy các dây điện được đấu nối một cách chằng chịt và qua loa.

Nhiều dây điện được kéo từ các cột điện vào khu chợ trái phép.

Nhiều dây điện được kéo từ các cột điện vào khu chợ trái phép.

Về đêm khu chợ này rực sáng cả một vùng với đủ loại các bóng đèn cao áp, điện thắp sáng phục vụ cho các lái buôn mua bán giao dịch và sinh hoạt của nhiều cá nhân.

Tại góc chợ, một căn nhà được xây dựng kiên cố ngoài điện thắp sáng công trình trên còn được lắp đặt hệ thống điều hòa công suất lớn phục vụ nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi cho các lái xe tập kết hoa quả về đây.

Các kiot khu chợ hoa quả Thanh Lâm về đêm.

Các kiot khu chợ hoa quả Thanh Lâm về đêm.

Tự ý đấu nối điện trái phép

Để làm rõ những thông tin trên phóng viên Người Đưa Tin đã liên hệ với Công ty điện lực Mê Linh. Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc công ty này cho biết sẽ cử cán bộ kiểm tra và thông tin lại sau.

Ngày 16/12, qua điện thoại bà Nhung cho biết, sau khi đi kiểm tra địa điểm phóng viên phản ánh, đơn vị phát hiện có vi phạm, phía điện lực đã nhắc nhở người dân rồi và yêu cầu người dân không được phép cung cấp điện ra đây nữa. Bà Nhung cho biết thêm: "Phía điện lực Mê Linh không lập biên bản đối với các trường hợp này".

Khi phóng viên thông tin tình trạng đấu nối sử dụng điện hiện này vẫn diễn ra một cách ngang nhiên bất chấp việc kiểm tra của điện lực, bà Nhung cho rằng khả năng đây là đèn đường… và sẽ tiếp tục cho kiểm tra lại.

Tại các container lạnh chứa hoa quả đèn điện được thắp sáng và hoạt động hết công suất.

Tại các container lạnh chứa hoa quả đèn điện được thắp sáng và hoạt động hết công suất.

Ngay trong buổi tối cùng ngày, cả khu chợ trái phép tại xã Thanh Lâm vẫn bừng sáng và hoạt động mua bán vẫn diễn ra một cách nhộn nhịp.

Đáng chú ý, phóng viên Người Đưa Tin còn ghi nhận được nhiều người mặc quần áo ngành điện đang thực hiện thực hiện kỹ thuật nghiệp vụ với đồ bảo hộ và các thiết bị chuyên dụng tại một mái công trình trong khu chợ này.

Hình ảnh một số người mặc quần áo nghành điện tại khu chợ hoa quả Thanh Lâm.

Hình ảnh một số người mặc quần áo nghành điện tại khu chợ hoa quả Thanh Lâm.

Về việc này, bà Trịnh Thị Hồng Nhung vị này cho biết, lực lượng của công ty điện lực Mê Linh đang đi tăng cường kiểm tra…

Thế nhưng suốt nhiều giờ có mặt tại đây, phóng viên phát hiện nguồn điện chỉ mất điện ít phút rồi cả khu vực này lại bừng sáng trở lại. Lúc này lực lượng điện lực cũng rời khỏi ví trí trước đó.

Khu chợ chỉ mất điện ít phút khi lực lượng điện lực Mê Linh có mặt.

Khu chợ chỉ mất điện ít phút khi lực lượng điện lực Mê Linh có mặt.

Ngày 19/12, trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trịnh Thị Hồng Nhung khẳng định đã xuống kiểm tra, điện đang được sử dụng tại khu chợ này là nguồn điện từ máy phát điện, ắc quy điện chứ không phải lưới điện của công ty.

Trái với những gì bà Nhung thông tin, tại vị trí các container đông lạnh đèn điện vẫn sáng, các kiot với hàng trăm bóng đèn điện đủ loại cũng được bật sáng… nhưng tuyệt nhiên lại không hề có tiếng máy phát điện nào tại đây.

Khu chợ bừng sáng trở lại và lực lượng điện lực cũng rời đi ngay sau đó.

Khu chợ bừng sáng trở lại và lực lượng điện lực cũng rời đi ngay sau đó.

Tuy nhiên, không loại trừ khi các cán bộ kiểm tra của bên điện lực rút đi, các cá nhân điều hành khu chợ trái phép lại lén lút thực hiện hành vi đấu nối điện từ các hộ dân gần đó và sử dụng một cách bất hợp pháp.

Một nhân viên điện lực đang thực hiện kỹ thuật nghiệp vụ trên mái một công trình trong khu chợ trái phép.

Một nhân viên điện lực đang thực hiện kỹ thuật nghiệp vụ trên mái một công trình trong khu chợ trái phép.

Trước đó Thành ủy Hà Nội đã ban hành Công văn 2572-CV/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy yêu cầu Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ có hay không có tình trạng một số cán bộ điện lực hoặc mượn danh nghĩa cán bộ điện lực để tiếp tay cho việc cấp điện trái phép.

Vừa qua Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa quyết nghị sẽ cắt điện, nước với 8 loại công trình vi phạm từ ngày 1/1/2025 theo quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi.

Ngay sau đó UBND Tp. Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tập huấn các quy định của Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND đến Chủ tịch UBND các cấp, cán bộ phụ trách đô thị, xây dựng và đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước; đồng thời, tổ chức tuyên truyền phổ biến đến người dân, từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Quay trở lại việc hoạt động trái phép tại hku chợ hoa quả xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, đến nay phía UBND huyện Mê Linh vẫn chưa cung cấp các tài liệu mà phóng viên Người Đưa Tin đã đề xuất trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND huyện Mê Linh. Thêm vào đó, dù lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định sẽ tăng cường giám sát kiểm tra khu chợ "nhiều không" này nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên vấn đề trên vẫn đang bị bỏ ngỏ, có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý... "bật đèn xanh" cho vi phạm tồn tại.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin tình trạng nhóm người đứng ra kiểm soát, “làm luật” các phương tiện ra vào khu chợ hoa quả trái phép này như thế nào trong bài viết tiếp theo.

Về mặt pháp lý Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022, sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

Khoản 15 Điều 2 Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện; hoặc tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Nghị định 17/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 134/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi.

Theo quy định tại Điều 356 Mục 1 Chương XXIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Vũ Ngọc Tân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-can-lam-ro-viec-cap-dien-chui-cho-khu-cho-trai-phep-tai-huyen-me-linh-204241220011632394.htm