Hà Lê không còn 'Ở trọ'
Trong album mới nhất 'Đơn sơ', Hà Lê cho thấy sự trưởng thành trong tâm hồn khi thực hiện một concept về gia đình và sự chữa lành, kết hợp với chất liệu âm nhạc mới mẻ.
Vốn được giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo, mỗi lần trở lại của Hà Lê là một lần gây bất ngờ với người yêu nhạc. Bắt đầu sự nghiệp âm nhạc với việc làm mới tác phẩm của Trịnh Công Sơn, Hà Lê đã ngay lập tức được đánh giá là người làm tốt nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, mang lại một chiếc áo mới đầy thuyết phục cho nhạc Trịnh như cách mà Hồng Nhung đã từng làm vào thập niên 90. Anh thậm chí còn chứng minh mình sẵn sàng đi đến tận cùng với lựa chọn này bằng một album được đầu tư công phu về mặt sản xuất là Ở trọ, được đánh giá cao bởi cả công chúng nói chung cũng như những thính giả yêu nhạc Trịnh nói riêng.
Sau khi kết thúc dự án Trịnh Contemporary, Hà Lê bắt tay với nhạc sĩ Khắc Hưng để sản xuất EP Lost phát hành năm 2022, chuyển qua màu sắc R&B hiện đại khá ấn tượng. Nó cho thấy một Hà Lê rất đa màu sắc, sẵn sàng làm mới bản thân, không bị bó buộc vào một thể loại hay một phong cách nhất định.
Quay trở lại với âm nhạc trong năm nay, Hà Lê một lần nữa xoay chuyển cả chất liệu âm nhạc lẫn đề tài âm nhạc, chứng minh rằng bản thân anh vẫn còn rất nhiều sáng tạo và ý tưởng.
Chủ đề về gia đình, sự chữa lành
Nếu như ở Trịnh Contemporary là một Hà Lê táo bạo, dám bứt phá ra khỏi khuôn khổ của những thứ đã quen tai, đến EP Lost lại là một Hà Lê hiện đại, “hướng ngoại” với nhiều chất liệu, hình ảnh cảm hứng phương Tây, thì đến với Đơn sơ, Hà Lê lựa chọn chủ yếu là các sáng tác về gia đình, về sự “hướng nội”, quay vào trong để tìm kiếm sự bình an, hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất.
Ngay từ single mở đường cho album là I will call it love, Hà Lê đã cho thấy sự hoài niệm về những niềm hạnh phúc xưa cũ, cổ vũ sống chậm lại để nhìn nhận mọi thứ “Còn không? Đồi hoa năm ấy giữa lối đi về/ Những câu ca chiều hè/ Đâu đây còn văng tiếng ve”, “Đôi khi muốn dừng lại, thảnh thơi nhìn thời gian trôi”,... Hay ở bài hát chủ đề Đơn sơ, Hà Lê cũng liên tục nhấn mạnh ước mơ được “nhỏ lại nữa” để tiếp tục tận hưởng những niềm hạnh phúc đơn giản: “Em nhớ em thời bé nhỏ/ Em lắng nghe những ước mơ/ Em nói ra những khát khao/ Mỗi nắng và gió/ Cứ thế đưa em bay cao”. Nỗi đau trưởng thành và sự tự chữa lành còn được Hà Lê tiếp tục khai thác trong Như Ngày bé, Em nhìn xem hay Bước cùng nhau, tạo nên một không gian âm nhạc chung cho toàn bộ album.
Gia đình cũng là chủ đề được Hà Lê khai thác trong album Đơn Sơ lần này của mình. Cụ thể, trong bài Nằm mơ giữa ban ngày, anh nhắc đến người bà của mình “Ngẩn ngơ chạy xuống bếp nơi bà/ Bà cặm cụi nhóm than cho bữa cơm”, “Giật mình bà hỏi ai lại đánh cháu/Tiếng khóc bỗng nhiên cứ thế vỡ òa”, hình ảnh người bà hiện lên như một chốn bình yên để nhân vật trong bài quay về sau những vấp ngã trong cuộc sống.
Hà Lê chia sẻ rằng album này đã được anh ấp ủ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Chính về thế, nội dung tự chữa lành trong album được thể hiện ở mức độ vừa phải và khá dễ chịu. Mặc dù dịch bệnh đã trôi qua, tuy nhiên chủ đề chữa lành chưa bao giờ là cũ. Có thể Hà Lê không phát hành album đúng vào thời điểm “âm nhạc chữa lành” thịnh hành nhất ở quốc tế, tuy nhiên với sự đơn giản, dễ cảm và những chiêm nghiệm rất cá nhân như ở album Đơn Sơ, việc thưởng thức album này sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường. Anh cũng tập trung vào chính bản thân và nội tâm của mình, khác với giai đoạn "Ở trọ" với nhiều âm thành hào nhoáng trước đây.
Chất liệu ballad nhưng không dễ đoán
Với việc lựa chọn concept chủ đề cho album nhẹ nhàng như vậy, Hà Lê cũng lựa chọn các sáng tác chủ yếu là ballad. Anh có chia sẻ rằng “ballad là thử thách vì không phải sở trường”, tuy nhiên những gì anh thể hiện trong album vẫn khiến cho người nghe hài lòng.
Hầu hết các sáng tác trong album Đơn sơ khá đơn giản với cấu trúc verse - chorus quen thuộc, nó không quá thách thức tai nghe của khán giả, để người nghe tập trung phần lớn vào phần ca từ chữa lành. Có những ca khúc có phần phối khí cũng khá cơ bản của thể loại như Nằm mơ giữa ban ngày, Đơn sơ sử dụng không nhiều nhạc cụ lạ tai, đặc biệt Em nhìn xem chỉ sử dụng độc tiếng piano.
Tuy nhiên, Hà Lê cùng ekip sản xuất không khiến album quá nhàm chán bằng cách thêm thắt một vài yếu tố thú vị khác trong các bài hát. Với sự tham gia của Kent Trần - một nhà sản xuất kỳ cựu có thế mạnh về nhạc điện tử, Hà Lê đã sử dụng một đoạn drop EDM khá ấn tượng, gây bất ngờ trong một album khá êm đềm ở ca khúc Bước cùng nhau. Ở I will call it love, Hà Lê cũng đan cài thêm tiếng synth khá hiện đại, gợi nhắc đến cách sản xuất ballad quen thuộc của Khắc Hưng - cộng sự của anh trong EP Lost. Món quà thì lại thêm tiếng guitar điện khá thông minh vào cuối bài để tạo nên đoạn kết bùng nổ cho cả album.
Hà Lê cũng không một mình thể hiện toàn bộ cả 8 ca khúc trong album. Anh có mời thêm 2 giọng ca nhiều kinh nghiệm là Đỗ Tố Hoa và Dương Trần Nghĩa kết hợp trong 2 ca khúc trong Như ngày bé và Ta đâu một mình. Sự góp mặt của 2 ca sĩ này đều mang lại hiệu quả tích cực cho album, khi giọng ca thính phòng của Đỗ Tố Hoa xuất hiện ngay từ bài đầu tiên để tạo cảm hứng mạnh mẽ ngay lập tức cho khán giả, còn Dương Trần Nghĩa lại xuất hiện trong bài thứ 6, mang giọng hát trầm ấm áp của mình làm dịu lại bầu không khí trước khi bùng nổ với 2 bài hát cuối cùng.
Sau hơn 1 năm nghỉ ngơi, lần quay trở lại này của Hà Lê có thể nói là đủ ấn tượng. Anh cho thấy sự trưởng thành trong việc lựa chọn chủ đề, tinh thần chữa lành tích cực, và sự chỉn chu sạch sẽ trong việc sản xuất. Tổng thể cả album không có điểm gì để chê trách, và có cả những điểm nhấn thú vị. Sự chuyển mình này của Hà Lê cho thấy anh vẫn là một nhân tố rất đáng nghe của nhạc Việt.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ha-le-khong-con-o-tro-post1467711.html