Guess lại bị tố đạo nhái

Đây là lần thứ hai thương hiệu thời trang nổi tiếng bị tố 'lấy cắp' chữ ký của các nghệ sĩ đường phố để đưa vào dòng sản phẩm mới.

Các nghệ sĩ đường phố đã cáo buộc thương hiệu thời trang Guess đánh cắp sở hữu trí tuệ của họ, lần này là đưa vào dòng quần áo "lấy cảm hứng từ graffiti".

Theo Hyperallergic, vụ kiện được Patrick Griffin, nghệ sĩ đường phố người Đan Mạch, đệ trình tại Tòa án Quận Trung tâm của California (Mỹ).

Vụ kiện xuất phát từ việc Guess được cho là đã sử dụng "tag" của Sean Griffin, anh trai của Patrick Griffin, và một nghệ sĩ khác trên áo phông.

Các tag này xuất hiện xen kẽ loạt biểu tượng thời trang đường phố như băng cassette, biển báo, graffiti và tất nhiên là một phiên bản phun sơn logo của hãng.

Chữ ký của các nghệ sĩ đường phố xuất hiện trên dòng sản phẩm mới của Guess. Ảnh: Jeff Gluck.

Trong nghệ thuật đường phố, "tag" thường sử dụng để chỉ một biểu tượng, tên, hoặc ký hiệu cá nhân được nghệ sĩ đường phố sử dụng để thể hiện sự hiện diện của họ trên một tác phẩm.

Mỗi tag thường được tạo ra với những đường nét độc đáo, có phong cách riêng biệt, đại diện cho tính cá nhân của nghệ sĩ.

Trước khi qua đời vào năm 2012, Sean đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật đường phố với tag "Nekst" và có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng yêu thích graffiti và thời trang đường phố ở New York (Mỹ).

Nghệ sĩ đường phố còn lại là Robin Ronn, người thường ký lên các tác phẩm của mình với tên “Bates”.

Theo Hyperallergic, Macy's, một trong nhiều nhà phân phối của Guess, đã rút dòng sản phẩm này khỏi trang web của họ. Tuy nhiên, các item này dễ dàng tìm thấy trên các trang bán hàng trực tuyến khác.

Đơn khiếu nại đề cập rằng hãng thời trang đã "không đưa ra bất kỳ thông báo nào hay xin phép phía nghệ sĩ" về việc đưa các tác phẩm nghệ thuật vào dòng sản phẩm của họ.

Các mẫu áo nằm trong dòng sản phẩm mới ra mắt của Guess bị tố đạo nhái. Ảnh: Guess.

Jeff Gluck, luật sư đại diên các nghệ sĩ, nói với Hyperallergic rằng Guess đã "sao chép nguyên văn, máy móc các tag, chữ ký thực tế của nghệ sĩ".

Năm 2022, Banksy, nghệ sĩ đường phố ẩn danh nổi tiếng, cũng đã cáo buộc thương hiêu sử dụng trái phép tác phẩm của mình trên tài khoản Instagram có hơn 11,5 triệu lượt theo dõi.

Ông cũng gợi ý những người hâm mộ hãy ăn trộm đồ tại một cửa hàng Guess ở London (Anh).

"Họ đã tự tiện lấy tác phẩm của tôi mà không hỏi một lời, nên bạn làm điều tương tự với quần áo của họ thì có gì là sai?", ông viết. Hiện bài viết này đã bị xóa.

Vào thời điểm đó, Guess cho biết dòng sản phẩm thời trang Banksy được “lấy cảm hứng từ” các tác phẩm của nghệ sĩ.

Song, trên thực tế, họ hợp tác với một công ty tên là Brandalised, “có sứ mệnh cung cấp cho người hâm mộ Banksy những bộ sưu tập graffiti với giá cả phải chăng”.

“Hình vẽ graffiti của Banksy đã tạo sức ảnh hưởng phi thường, gây tiếng vang khắp nền văn hóa đại chúng. dòng sản phẩm thời trang mới này, được hợp tác với Brandalised, là cách để giới thời trang thể hiện lòng biết ơn tới nghệ sĩ”, Paul Marciano, Giám đốc sáng tạo của Guess, cho biết trong thông cáo báo chí.

Banksy từng bày tỏ sự bức xúc đối với Guess khi đạo nhái tác phẩm của anh. Ảnh: Hyperart.

Brandalised bán thiệp chúc mừng có in hình ảnh tác phẩm Flower Thrower của Banksy. Công ty này đã cố gắng và thành công trong việc thuyết phục Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh châu Âu rằng Banksy không phải là "chủ sở hữu thực sự" đối với các tác phẩm của mình.

Việc Banksy giữ bản thân ẩn danh và không có hệ thống chính thức để xác nhận quyền sở hữu đã làm cho việc xác định chủ sở hữu trở nên phức tạp, từ đó dẫn đến những tranh cãi.

Gluck nói với Hyperallergic rằng vụ kiện này có thể châm ngòi cho các hành động mạnh mẽ hơn trong cộng đồng nghệ thuật đường phố.

"Một số nghệ sĩ khác đã đứng ra tố cáo kể từ khi vụ kiện này được đệ trình và nói rằng họ cũng có một số hình graffiti và tag trên áo của Guess”, ông nói.

Guess chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/guess-lai-bi-to-dao-nhai-post1459326.html