GS Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam qua đời

Khoảng 13 giờ chiều 23/6, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê qua đời sau một tuần nằm viện, hưởng thọ 85 tuổi. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn đối với ngành Sử học nước nhà.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học (ĐHQGHN) Quốc gia Hà Nội cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, mặc dù tuổi cao nhưng GS Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn đi công tác Trường Sa. Khi về Hà Nội, sức khỏe của GS Phan Huy Lê vẫn bình thường, nhưng mấy ngày sau thì bị mệt. Ông đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch mai điều trị. Bác sĩ kết luận ông bị bệnh tim, cùng với tuổi cao sức yếu nên đã qua đời.

Theo báo vnexpress.net, GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại làng Thu Hoạch, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh). Cụ thân sinh của ông là Phan Huy Tùng, tiến sĩ Nho học, từng làm quan trong triều đình Huế, nổi tiếng thanh liêm.

Những công trình nghiên cứu đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ (1959), Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn (1959), Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam (1959)…

Ông sau đó chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc với nhiều công trình như: Khởi nghĩa Lam Sơn (1965); Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam (1973), Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc (1976), Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (1988)...

Từ giữa những năm 1970, ông mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hóa - truyền thống với các công trình tiêu biểu như: Truyền thống và cách mạng (1982), Vấn đề dân chủ trong truyền thống Việt Nam (1988), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (3 tập, 1994, 1996, 1997), Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại (2002)…

Ngoài giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ông còn dạy ở nhiều trường trong và ngoài nước, như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan)... Hàng nghìn học trò của ông đã trở thành chuyên gia nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam.

Từ năm 1988, ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Năm 2015, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Hội, giáo sư Lê đề nghị thôi giữ chức Chủ tịch vì tuổi cao. Do tất cả đại biểu tham dự không tán thành, ông tiếp tục làm Chủ tịch thêm nhiệm kỳ nữa.

Cuối đời, ông dành toàn bộ tâm sức để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay với tư cách Tổng chủ biên. Dự kiến, năm 2019 bộ Quốc sử hoàn thành.

Ông Phan Huy Lê được phong học giáo sư năm 1980; nhà giáo nhân dân năm 1994; giải thưởng Nhà nước (2000); giải thưởng Quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996); huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (2002); danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011).

Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học (2016) vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.

HOA HẠ (t/h)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gs-phan-huy-le-cay-dai-thu-cua-nen-su-hoc-viet-nam-qua-doi-d75597.html