GS Nguyễn Gia Bình: Nên dừng các lễ hội

GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai cho biết mỗi năm đến mùa lễ hội là bản thân ông sợ hãi vô cùng.

GS Nguyễn Gia Bình chia sẻ về tụ tập đông người

GS Bình cho biết hiện nay virus Corona (nCoV) đang là dịch bệnh mới, virus mới thường làm người ta lo sợ và điều đáng lo nhất đó là người bệnh không có triệu chứng gì mấy. Có người mang virus đi đến đâu, văng virus từ ho, hắt hơi thì không ai mà biết được. Trong khi đó người dân các nơi lại đang chen nhau ở lễ hội Chùa Hương, lễ hội chùa Tam Chúc, Bái Đính… đủ các lễ hội ngày xuân.

Cả ba người dương tính với virus corona ở miền Bắc đều đi từ vùng dịch về và qua cửa khẩu kiểm tra thân nhiệt đều không có tác dụng vì bệnh ủ 14 ngày và người bệnh vô tư đi qua các nơi, lên xe khách.

Dịp đầu năm thường nhiều lễ hội, GS Bình cho biết hãy dừng tất cả các lễ hội vì năm nay không có lễ hội thì sang năm, còn dịch bệnh không chờ ai. Trước hình ảnh cả nghìn người chen chúc nhau du xuân, vị bác sĩ này ngao ngán “tôi sợ lắm”. Nhiều virus lây qua đường hô hấp chưa kể lây trực tiếp qua tiếp xúc, vì thế bác sĩ Bình khẩn cấp khuyến cáo nên dừng các lễ hội. Người dân không đến nơi đông người vì nếu dịch xảy ra cả nghìn người mắc thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt.

GS Bình kể năm nào vào mùa lễ hội ông cũng né những nơi tập trung đông người bởi vì virus, vi khuẩn có ở trong không khí và chỉ một người nhiễm bệnh ho, hắt hơi có thể phát tán virus ra ngoài môi trường và những người xung quanh hít phải chúng.

Không riêng gì dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona mà bất cứ dịch bệnh gì do virus lây qua đường hô hấp đều thực sự đáng sợ.

Trong khi đó, phòng bệnh cho các trường hợp lây qua hô hấp là rất khó vì chỗ đông người thì chỉ cần một người trong số đó có các biểu hiện cúm, hắt hơi thì virus cúm sẽ đi theo các giọt bắn nhỏ của nước bọt ấy có thể văng xa đến 5 mét. Con người đi qua hít phải cũng không biết được.

Hiện nay chúng ta hay làm việc trong các tòa nhà văn phòng nên nguyên tắc là cần phải thông gió, có luồng khí đi vào và đi ra. Nếu trong văn phòng chỉ cần có một người bị cúm, người bệnh cần đeo khẩu trang và thông báo cho đồng nghiệp biết để phòng người bệnh ho, hắt hơi văng bọt nước ra người khác. Đây là những biện pháp rất đơn giản để phòng bệnh.

Khi trong phòng kín, một người nhiễm virus cúm sẽ mang virus vào và phát tán trong khu vực đó, làm người khác rất dễ nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Văn phòng cần được mở cửa đón ánh nắng vào vì nhiều loại virus sợ ánh nắng mặt trời.

Hiện nay dịch viêm phổi cấp corona nCoV đang được tổ chức Y tế Thế giới báo động ở mức nguy hiểm. Việt Nam cần phải có những biện pháp dự phòng ngay khi chưa bùng phát dịch. Một trong những biện pháp dự phòng hữu hiệu là người dân tự bảo vệ mình, dinh dưỡng luyện tập tăng sức đề kháng, tránh tập trung nơi đông người.

Chủng mới nCoV có những đột biến nên cơ thể chưa nhận biết hết để hình thành hệ miễn dịch đầy đủ, do đó dễ gây bệnh nặng. Giáo sư Bình khuyến cáo những người cao tuổi nhất là những người mắc nhiều bệnh mãn tính, ít vận động đi lại, ăn uống ít, thất thường mới dễ mắc bệnh do virus nói chung cần nâng cao cảnh giác và dự phòng bệnh, hạn chế tối đa chỗ đông người.

Khi virus xâm nhập và tấn công vào đường hô hấp sẽ gây viêm các niêm mạc đường hô hấp và tạo ra các biểu hiện như sốt, ho, sổ mũi, khó thở, khó chịu... Những người này cần chủ động tiêm phòng cúm hàng năm và nâng cao thể trạng. Virus không phải ai cũng mắc và thường những cơ thể có sức đề kháng kém dễ bị tấn công nhất.

Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả để tăng sức đề kháng. Theo dân gian còn có một số loại thức uống giúp tăng sức đề kháng như nước ép tỏi, nước chanh, nước ép từ tinh dầu cam, bưởi..., các loại hoa quả tươi.

Còn những người bắt buộc phải đi vào nơi đông người như bến phà, bến xe, sân bay thì cần giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang. Mọi người cần cố gắng phòng bệnh hơn chữa bệnh nếu không có ý thức cộng đồng thì sẽ phải trả giá rất đắt.

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/gs-nguyen-gia-binh-nen-dung-cac-le-hoi-post330656.info