Grab giả lộng hành

Tôi là khách hàng thường xuyên của dịch vụ gọi xe ứng dụng qua smartphone. Từ ngày dịch vụ này ra đời, tứ bề thuận lợi. Giá rẻ, khỏi sợ chặt chém, lại được cám ơn vì thường tip thêm cho tài xế. Dịch vụ cũng tạo rất nhiều việc làm thêm chính đáng cho người lao động, nhất là các bạn sinh viên. Chỉ thiệt cho cánh xe ôm truyền thống, lâu nay đa phần tha hồ hét giá độc quyền.

Grab giả có mặt khắp nơi. Cứ “nhìn mặt mà hét giá” - Ảnh: minh họa

Tối chủ nhật vừa rồi tôi gọi xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về quận 7. Nhận được điện thoại, lái xe năn nỉ tôi đi qua khỏi trạm xăng. Thường thì chỉ cần qua cổng thu phí là được. Vừa đón khách, lái xe đã giục tôi lên xe, chạy thêm gần cây số mới dừng lại để xếp hành lý và đội nón bảo hiểm. “Em làm gì mà cứ như chạy lén vậy?”. “Dạ anh thông cảm. Tuần trước em vừa bị đánh xuội tay, may mà không gãy, phải nghỉ chạy cả tuần”. “Chỗ này là độc quyền của grab hả?”. “Toàn grab giả, tụi nó dữ lắm”.

Ngoài grab, còn có mấy hãng khác, nhưng toàn hàng giả. Chỉ tội mấy người ở quê, hoặc không biết xài ứng dụng, cứ tưởng grab thật. Lên xe là dính chấu. Các loại xe gọi qua ứng dụng, mà nhiều nhất là grab-bike giả lộng hành khắp nơi, tập trung đông nhất ở sân bay và các bến xe. Chở khách đến thì không sao nhưng đón khách về thì phải chịu khó đi ra ngoài vùng cấm “bất thành văn”. Bên trong sân bay là các loại xe ôm truyền thống chào mời. Ngay trạm đón lúc nào cũng thường trực hàng chục grab giả chèo kéo.

Grab giả có mặt khắp nơi. Cứ “nhìn mặt mà hét giá”. Rẻ nhất cũng đắt hơn grab thật chừng 50%, còn đa số phải từ 100% trở lên, nhất là ở sân bay và các bến xe. Grab thật đàng hoàng và lịch sự. Có lúc nhầm điểm đến, grab tới đề nghị đặt cuộc gọi lại chứ không nhận đại. Có lúc nhờ chuyển vài thứ lặt vặt cũng không nhận mà đề nghị gọi dịch vụ giao hàng. Có lần vội quá, không đợi được, tôi đã đi nhầm grab giả và nhận trái đắng. Không hỏi giá trước, về tới nhà phải trả gấp đôi.

Lân la hỏi chuyện, mới biết grab giả chụp giật, thu nhập khá hơn, nhàn hơn. Giá chở khách cao hơn, lại không bị trích nộp cho hãng, chỉ góp tiền bảo kê nhưng cũng thất thường chứ không ổn định như grab thật. Áo, nón đồng phục thì mua lại của mấy grab bỏ nghề. Có người bị kỷ luật, có người tự ý bỏ việc, có người mới. Đội quân ô hợp này sẵn sàng gây sự để bảo vệ lãnh địa độc quyền và gây không ít khó khăn không chỉ cho grab thật mà cả hành khách.

Lạ là không thấy cơ quan quản lý ra tay. Có lẽ “chưa nghe báo cáo”. Nhiều người khẳng định là có bảo kê, chỗ nào cũng vậy. Không thể tự dưng độc chiếm lãnh địa. Bảo vệ tại chỗ cũng phải làm lơ. Chuyện nhỏ đang có nguy cơ lây lan và phát triển, tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc quản lý, làm xấu môi trường vận chuyển và du lịch; cần phải kiên quyết dẹp bỏ.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/grab-gia-long-hanh-114281.html