Góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân

Nhằm đẩy mạnh việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, qua đó đảm bảo trật tự an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động trên địa bàn Thủ đô.

Vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội khá phức tạp

Tại Hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn Thủ đô" do Ban Nội chính Thành ủy tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết: Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đang diễn biễn phức tạp.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy phát biểu tại Hội nghị

Cụ thể, tính đến tháng 7/2019 có 32.642 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với 454.029 lao động; số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 1.811,4 tỷ đồng, chiếm 4,17% Kế hoạch thu. Về tình hình khởi kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố cho biết: Từ năm 2016 đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị tổ chức Công đoàn khởi kiện đối với 592 đơn vị, với số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội 475,6 tỷ đồng. Tổ chức Công đoàn đã gửi thông báo khởi kiện và nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghĩa vụ đóng số tiền bảo hiểm xã hội đang nợ. Qua đó, đã có một số đơn vị khắc phục trả toàn bộ hoặc trả một phần số tiền nợ, số tiền nợ thu hồi là 100,1 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố, công tác đôn đốc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng khó khăn. Hiện nay, thành phố Hà Nội còn khoảng 70.000 doanh nghiệp với hơn 410.000 lao động có kê khai thuế nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Tính đến 31/7/2019, đã có 10.534 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, hết lao động thuộc đối tượng tham gia với số tiền nợ là 1.160,9 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra; không phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu và làm việc với đoàn thanh tra, kiểm tra. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đạt 100% đối tượng lao động phải tham gia theo quy định của pháp luật. Nhiều đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, không tham gia cho người lao động, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chây ì không chấp hành nộp tiền phạt theo các Quyết định hành chính đã ban hành, mặc dù đã được đôn đốc nhiều lần.

Tích cực gỡ vướng, đảm bảo quyền lợi người tham gia

Thượng tá Cao Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Nội cho biết: Trong hai năm 2017 và 2018, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận 7 vụ việc cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển hồ sơ sang đề nghị xử lý hình sự doanh nghiệp vi phạm về bảo hiểm xã hội; từ đầu năm 2019 đến nay đơn vị tiếp nhận thêm 3 vụ việc. Việc xử lý hình sự với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài được coi là biện pháp mạnh cuối cùng. Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ việc được xử lý theo các Điều luật 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự đến thời điểm này chưa có.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có chuyển cơ quan điều tra - Công an các tỉnh, thành phố nhưng đến nay một số vụ việc khởi tố hình sự nhưng theo tội danh khác như: Giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; một số vụ chuyển sang nhưng chưa bị xử lý hành chính nên cơ quan điều tra chưa xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm; hoặc có những vụ việc cơ quan bảo hiểm chuyển sang nhưng cơ quan điều tra không tiến hành thụ lý do hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực.

Thừa nhận tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội vẫn cao, trong đó có nguyên nhân tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chưa hiệu quả, song Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Lê Đình Hùng nhấn mạnh: Hiện công tác này đang rất vướng. Theo “Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội quy định “Tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động”.

Thế nhưng, theo Luật Tố tụng dân sự, khi tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội thì phải có sự ủy quyền của người lao động cho Công đoàn và thực hiện theo thủ tục tố tụng tranh chấp lao động của từng cá nhân. Ví dụ, doanh nghiệp có 1.000 lao động thì phải có 1.000 chữ ký của người lao động ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện. Quy định này khó khả thi, khó thực hiện.

Đề cập đến những vướng mắc, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Từ 2015 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố chưa truy tố, xét xử vụ án nào liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Việc các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài nhiều năm trước thời điểm 1/1/2018 tìm cách lách luật bằng hình thức trích nộp bảo hiểm xã hội cho những lao động mới phát sinh từ 1/1/2018 đến nay đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ Bảo hiểm xã hội nói chung, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý bằng biện pháp hình sự. Do vậy, cần có văn bản hướng dẫn, quy định về việc số tiền đóng mới của doanh nghiệp từ 1/1/2018 đến nay đối với các doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng BHXH trong thời gian trước ngày 1/1/2018.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động trên địa bàn Thủ đô. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP, ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 214,215,216 của Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố, Tòa án Nhân dân Thành phố, Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố có hướng dẫn trình tự thủ tục để thiết lập, củng cố hồ sơ, chứng cứ, tài liệu chuyển cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tiến hành khởi tố một số vụ việc điển hình để đưa ra xét xử, tăng tính răn đe với các doanh nghiệp vi phạm.

T.Vân - B.Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-bao-ve-quyen-loi-chinh-dang-cua-nguoi-dan-96048.html