Góc nhìn nghị trường: Có nên bỏ giấy chuyển viện?

Giấy chuyển viện chứa đựng thông tin liên quan đến diễn tiến của bệnh được điều trị từ tuyến trước, từ đó để bệnh viện tuyến sau tiếp tục có phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Do đó, vai trò của giấy chuyển tuyến rất cụ thể, nêu rõ tình trạng, lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Thế nhưng, vấn đề nổi lên hiện nay là thủ tục làm giấy chuyển viện còn nhiều phiền phức. Tại nghị trường Quốc hội, vấn đề này được các đại biểu quan tâm thảo luận, tìm cách tháo gỡ.

Khám bệnh cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, nhiều cử tri phản ánh, bệnh nhân có bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh và xin giấy chuyển tuyến điều trị rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi. Đại biểu cho rằng, nên bỏ giấy chuyển viện trong bối cảnh khoảng 93% dân số Việt Nam đã có thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông suốt. Theo đó, sắp tới, khi sửa Luật Bảo hiểm y tế, các cơ quan cần hướng đến mục tiêu người có bảo hiểm y tế muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc.

Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, huyện và tuyến tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám, chữa bệnh. Trường hợp bệnh nhân cần chuyển viện điều trị lên tuyến cao hơn thì phải có giấy chuyển tuyến (chuyển viện), bệnh nhân mới được thanh toán toàn phần bảo hiểm y tế. Nếu không có giấy chuyển viện, họ phải tự chi trả một phần viện phí.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ năm 2014, người bệnh phải chuyển tuyến theo tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc (người có thẻ bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến). Như vậy, việc chuyển tuyến bệnh viện của người dân đã được thuận lợi hơn rất nhiều. Vấn đề còn lại là người dân có được chuyển thẳng từ bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, lên Trung ương hay không? Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, giấy chuyển viện nhằm bảo đảm hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Giấy chuyển viện rất cần thiết, ghi rõ lịch sử khám, chữa bệnh, tình trạng bệnh. Để giảm phiền hà cho người dân, Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám, chữa bệnh điện tử.

Thực tế cho thấy, việc chuyển tuyến vốn có ý nghĩa là để quản lý quỹ bảo hiểm y tế và nhằm bảo đảm hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Nếu bỏ giấy chuyển viện, bệnh nhân bảo hiểm y tế có thể đi đến bất cứ bệnh viện nào để khám, chữa bệnh, nhất là những bệnh nhân tình trạng bệnh nhẹ lẽ ra có thể điều trị ở tuyến dưới lại chạy lên tuyến trên điều trị, gây quá tải, không cần thiết. Trong khi đó tuyến dưới sẽ không có bệnh nhân. Như vậy là phá vỡ sự cân bằng của hệ thống y tế. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trong quá trình khám, chữa bệnh, thay vì bỏ giấy chuyển viện như ý kiến, Bộ Y tế nên đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải tiến các thủ tục chuyển viện theo hướng đơn giản, hiệu quả hơn; phát triển y tế cơ sở, tránh cảnh cứ bệnh là người dân mong muốn lên thẳng tuyến trên để điều trị.

Theo QĐND

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/210884/goc-nhin-nghi-truong-co-nen-bo-giay-chuyen-vien