Gỡ vướng để đưa gói an sinh xã hội đến với người lao động

Trên cơ sở đề xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg theo hướng nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn để trả lương cho người lao động.

Trước tình trạng chi trả gói an sinh 62.000 tỷ đồng đợt 2 với nhóm người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 còn chậm ở một số địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công điện hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung cao độ triển khai, để cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng trong tháng 6-2020.

Tại Hà Nội, trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng luôn tìm cách tháo gỡ vướng mắc nhằm đưa nguồn lực trợ giúp đến với những người bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.

Lao động tự do ở quận Hà Đông phấn khởi nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội.

Linh hoạt triển khai

Sau quy trình rà soát, lập danh sách các đối tượng dự kiến được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể, huyện Mê Linh công khai danh sách đề xuất hỗ trợ tại nhiều địa điểm, qua nhiều kênh thông tin.

Những ngày gần đây, hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn huyện Mê Linh liên tục phát danh sách đề nghị hỗ trợ để đông đảo người dân được biết và đóng góp ý kiến. Nội dung thông báo nêu rõ thông tin, địa chỉ, dự kiến mức hỗ trợ của từng trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tám, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh cho hay, thông tin về các trường hợp được đề xuất hỗ trợ qua hệ thống loa truyền thành vừa giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách, vừa hỗ trợ các cơ quan chức năng sàng lọc chính xác đối tượng đủ điều kiện, bảo đảm nguồn lực hỗ trợ đến đúng người, đối tượng thụ hưởng. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, địa phương, đến nay, huyện Mê Linh đã chi kinh phí hỗ trợ cho gần 700 trường hợp.

Với cách làm tương tự huyện Mê Linh, huyện Chương Mỹ đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho gần 2.000 trường hợp; quận Hà Đông đã chi trả kinh phí hỗ trợ cho gần 2.600 trường hợp…

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho gần 7.000 trường hợp, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động tự do; lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; hộ kinh doanh cá thể.

Nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mới có rất ít địa phương triển khai hỗ trợ. Còn nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, hiện các địa phương chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực để triển khai chi trả gói an sinh xã hội đến với đối tượng người lao động và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song, quá trình thực hiện còn chậm so với mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân.

Toàn thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho gần 7.000 trường hợp, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động tự do.

Bà Ngô Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) phản ánh, mức thu nhập là tiêu chí cơ bản nhất để xác định, xét duyệt các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ, trong khi các hướng dẫn triển khai chính sách này của Trung ương và Hà Nội lại không quy định rõ nguồn thu nhập của người lao động là của riêng cá nhân họ hay xét đến gia cảnh của gia đình, khiến chính quyền cơ sở không có tiêu chí cụ thể để bình xét. Với nhóm lao động tự do, việc xác định công việc của họ theo danh mục các ngành, nghề được hỗ trợ chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động cung cấp, nên rất khó xác định chính xác đối tượng được thụ hưởng.

Còn ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh nêu rõ, nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động hầu như không có hồ sơ đề nghị hỗ trợ là vì theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi có từ 20% đến 30% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, đang gặp khó khăn về tài chính, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.... Khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, doanh nghiệp phải chứng minh tài chính, khiến doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên không chủ động trong việc lập hồ sơ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, mục tiêu chính của gói an sinh xã hội là hỗ trợ kịp thời cho một số người dân, người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Đây là giải pháp cấp bách, nên nguồn lực hỗ trợ cần được đưa đến những người bị ảnh hưởng càng sớm càng tốt. Vì vậy, các địa phương cần triển khai chính sách theo hướng linh hoạt, đối tượng nào đã xác định tương đối rõ thì các địa phương có thể chi kinh phí sớm. Với nhóm lao động tự do, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, các địa phương chỉ xác định thu nhập của chính người lao động, không xét đến gia cảnh của họ.

Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra gồm đại diện nhiều cơ quan, đơn vị chức năng, đang tiến hành kiểm tra việc triển khai chính sách tại một số địa phương. Các đoàn kiểm tra ghi nhận những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để kiến nghị UBND thành phố và các bộ, ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ.

Trên cơ sở đề xuất của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có dự thảo tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg theo hướng nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn để trả lương cho người lao động.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, địa phương, hy vọng gói an sinh xã hội sẽ đến với người lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/970919/go-vuong-de-dua-goi-an-sinh-xa-hoi-den-voi-nguoi-lao-dong