Giúp việc cận Tết giá tăng, chất lượng có tương xứng?

Sát những ngày cuối năm, gần Tết Nguyên đán, nhu cầu thuê người giúp việc nhà càng tăng cao, nhiều lao động đã tranh thủ thời điểm tốt này để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, người sử dụng dịch vụ cho rằng còn nhiều bất cập.

Những ngày cuối năm gần đến Tết Nguyên đán này, chị T.T.L (đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân) đã chọn thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp để lau dọn nhà cửa đón Tết. “Bên doanh nghiệp dịch vụ vệ sinh báo giá 80.000 đồng/giờ, người ta sẽ cử 2-3 nhân viên đến lau dọn cho đến khi xong việc. Căn nhà hơn 90m2 của tôi lau dọn trong 2 ngày hết hơn 4 triệu đồng. Có những hạng mục như vệ sinh cửa kính, sàn nhà họ làm khá tốt nhưng những vị trí góc cạnh hay chỗ khuất như gầm cầu thang, tủ bếp thì họ lau dọn không kĩ”, chị L. chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Chia sẻ về việc thuê giúp việc theo giờ, anh N.T.V (đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình anh vẫn thuê giúp việc theo giờ hàng tuần với mức giá 60.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, lần thuê gần đây giúp việc đã “báo giá” làm ngày Tết tăng thêm 20.000 đồng/giờ cho các công việc không khác thường lệ.

Trong khi nhu cầu tìm người giúp việc chuyên nghiệp rất lớn, thì theo khảo sát tại một số phiên giao dịch việc làm, số doanh nghiệp tuyển người giúp việc nhà rất hạn chế, chỉ 1-2 đơn vị/phiên giao dịch.

Người có nhu cầu thuê giúp việc nhà cũng ít tìm đến các phiên giao dịch việc làm, mà chỉ liên hệ với các trung tâm môi giới quảng cáo trên mạng xã hội hoặc theo giới thiệu của người quen.

Thực tế đang tồn tại tình trạng thiếu lao động giúp việc đã qua đào tạo hay được tập huấn kỹ năng, phần lớn là làm việc theo thói quen hoặc quan điểm, làm nhà mình thế nào thì làm cho khách hàng như vậy.

Đến nay, khi giúp việc đã được coi là một nghề, nhiều đơn vị đã đào tạo người giúp việc để giới thiệu cho cơ quan, gia đình có nhu cầu. Đây là mô hình hay, nếu quản lý tốt về giờ giấc lao động, chất lượng tay nghề, chế độ chính sách được hưởng sẽ đưa công việc này lên tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế xã hội đang chủ yếu thuê người giúp việc qua các mối quan hệ họ hàng, quen biết, trao đổi công việc bằng miệng, với mức kinh phí thỏa thuận.

Hình thức này ít ràng buộc về pháp lý nên dễ xảy ra mâu thuẫn khó giải quyết. Về lâu dài, lĩnh vực giúp việc gia đình cần có cơ chế quản lý, khuyến khích nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, sự quản lý của nhà nước về việc làm.

Vì cả người đi tìm việc lẫn người thuê giúp việc đều không quan tâm đến tư cách pháp nhân của đơn vị cung cấp dịch vụ. Tiền đặt cọc, tiền lương chuyển vào tài khoản cá nhân nên khi xảy ra tranh chấp lao động rất khó xử lý...

Để thị trường lao động trong lĩnh vực này lành mạnh, cả người thuê và người giúp việc phải nâng cao nhận thức về nghề nghiệp cũng như chấp hành các quy định pháp luật hơn nữa.

N.T.D

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giup-viec-can-tet-gia-tang-chat-luong-co-tuong-xung-412746.html