Giữa thương chiến với Trung Quốc, Mỹ đàm phán mua đất hiếm của Úc

Bộ Quốc phòng Mỹ đang đàm phán để mua đất hiếm từ Úc, một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung các vật liệu chuyên dụng được sử dụng trong thiết bị quân sự từ Trung Quốc, Reuters trích lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Các lọ chứa đất hiếm do Lynas Corp của Úc sản xuất. Ảnh: REUTERS / Melanie Burton

Động thái này diễn ra khi Trung Quốc đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, một nhóm 17 khoáng chất được sử dụng trong sản xuất máy bay chiến đấu, xe tăng và thiết bị điện tử công nghệ cao.

Nguyên tố đất hiếm còn được gọi là “vitamin của hóa học”, khi mà một lượng nhỏ thứ “chất bổ” này sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong đồ điện tử: nam châm mạnh hơn, màn hình thiết bị điện tử sáng hơn, dung lượng pin cao hơn đều nhờ có đất hiếm.

Trung Quốc là nhà chế biến và sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% công suất chế biến toàn cầu.

“Chúng tôi quan tâm đến bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra với chuỗi cung ứng và đặc biệt là khi đối thủ kiểm soát nguồn cung. Reuters trích lời Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần”, bà Ellen Lord nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Washington hôm 26/8.

Bà Lord cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét một số lựa chọn để hợp tác với các cơ sở sản xuất đất hiếm, đồng thời nói thêm một trong những đối tác tiềm năng cao nhất là Úc.

Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Úc, hợp tác về các khoáng sản quan trọng đã bắt đầu vào năm 2018 vẫn đang diễn ra.

Đảm bảo nguồn cung đất hiếm và các loại khoáng sản quan trọng không bị đứt đoạn rất quan trọng đối với một loạt các lĩnh vực, bao gồm cả quốc phòng. Hợp tác với các đối tác quốc tế là không thể thiếu trong nỗ lực này, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nói với Reuters.

Thông báo của Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi Mỹ cho biết hồi đầu năm nay rằng họ sẽ tìm đến Úc và Canada để phát triển các khu sản xuất đất hiếm trên khắp thế giới để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán với các dự án đất hiếm trên khắp châu Phi.

Bà Lord cho biết đã tổ chức một số cuộc hội đàm với các quan chức Úc trong năm nay, bàn bạc việc một nhà máy như vậy có thể cung cấp cho nhu cầu đất hiếm của Lầu Năm Góc hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã yêu cầu cho Lầu Năm Góc tìm ra những nguồn cung đất hiếm khác, cảnh báo rằng phòng thủ quốc phòng của nước này sẽ phải chịu hậu quả nếu không có kho dự trữ đầy đủ.

Một công nhân làm việc tại mỏ đất hiếm tại huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, năm 2010. Ảnh: Reuters

Australia Lynas Corp là công ty khai thác và xử lý đất hiếm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc và đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến trong vòng bốn năm tới cũng như phát triển một nhà máy ở Texas.

Các công ty sản xuất đất hiếm ở Úc đang tiến gần hơn đến việc xây dựng các nhà máy xử lý. Đất nước này chỉ chiếm 2,8% trữ lượng đất hiếm của thế giới, nhưng nắm giữ hơn một nửa số dự án mới trên toàn cầu.

Phát ngôn viên của Northern Minerals cho biết, đã xây dựng một nhà máy sản xuất thí điểm tại khu dự án Browns Range ở miền Tây nước Úc, sẽ sẵn sàng duyệt kế hoạch xây dựng một nhà máy quy mô trong khoảng một năm.

Đất hiếm cần được xử lý sau khi chúng được khai thác từ mặt đất. Xử lý đất hiếm cần acid mạnh và một lượng phóng xạ có thể gây ung thư.

Chỉ có một mỏ đất hiếm hoạt động ở Mỹ, mặc dù nước này không có cơ sở chế biến.

Giữa thập niên 68 và 80, lượng lớn đất hiếm của thế giới tới từ mỏ Mountain Pass tại Mỹ. Nhà máy đóng cửa năm 1998 do gặp vấn đề với lượng nước thải độc hại.

Hiện mỏ Mountain Pass đang xây dựng một bộ phận xử lý đất hiếm và họ hy vọng nó sẽ đi vào hoạt động vào năm tới./.

Mai Anh (theo Reuters)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/giua-thuong-chien-voi-trung-quoc-my-dam-phan-mua-dat-hiem-cua-uc-86208.html