Giữ nguyên tên gọi 'Luật Hợp tác xã' sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh với các tổ chức kinh tế tập thể

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2022, hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 6 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác được tổ chức chiều ngày 22/9, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Dự thảo 6 Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác gồm 115 điều, bổ sung nhiều nội dung mới, mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng thị trường, năng cao khả năng huy động vốn; sửa đổi các nội dung theo 07 nguyên tắc do tổ chức Liên minh HTX quốc tế quy định…

Tên Luật hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển của khu vực kinh tế tập thể và ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung mới trong Dự thảo 6 Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đồng thời, góp ý cụ thể vào tên gọi của Luật, phạm vi điều chỉnh/đối tượng áp dụng, quan điểm/nguyên tắc xây dựng dự thảo luật, quy định cắt giảm thủ tục hành chính về thành lập HTX, quy định về tổ chức quản lý HTX, quy định về tài sản, tài chính trong HTX, quy định về thành viên, cơ cấu tổ chức của HTX...

Cụ thể về vấn đề đặt tên Luật hiện vẫn có hai phương án được đặt ra. Phương án 1: Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Phương án 2: Luật HTX.

Theo đại diện Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT), việc đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là vì trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng xác định “KTTT với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao như: THT, HTX, liên hiệp HTX...”. Chính vì vậy, việc đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác là phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật, phù hợp với các hình thức sở hữu được quy định tại Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó là nhấn mạnh tính “Hợp tác- Cooperative” giữa các thành viên, thống nhất với thuật ngữ quốc tế. Việc thay đổi tên Luật cũng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, xóa bỏ tư duy bao cấp, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã”. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã thay vì đổi tên thành Luật Các Tổ chức Kinh tế hợp tác.

Theo quan điểm của Liên minh HTX Việt Nam, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn là nòng cốt để xây dựng khung pháp lý. Tổ hợp tác, liên hiệp HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác được xác định là hình thức phái sinh của HTX. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Trước đó, ngày 20/9, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều ý kiến, trong đó có Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng nên giữ nguyên tên gọi hiện nay là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bởi đối với phương án sửa đổi thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác không phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật. Vấn đề thay đổi tên Luật cũng có thể được xử lý bằng quy định về việc dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 của các văn bản khác đang còn hiệu lực, sẽ tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó bản thân tên gọi "Luật Hợp tác xã" cũng không ngăn cấm việc bổ sung phạm vi điều chỉnh.

Ngoài vấn đề tên gọi, có ý kiến cho rằng cần bổ sung Tổ hợp tác thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật HTX. Đồng thời, sửa đổi quy định về việc kết nạp thành viên theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm khái niệm về huy động vốn; đề xuất rõ về cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuê đất, thuê mặt nước cho tổ chức kinh tế hợp tác trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy định về kiểm toán độc lập để tạo sự minh bạch cho HTX…

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần sớm ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện hội nhập.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 cần quán triệt, bám sát và thể chế hóa đúng và đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Tiếp thu và áp dụng các vấn đề về bản chất, nguyên tắc hoạt động và giá trị HTX phổ biến ở các nước trên thế giới. Quy định pháp luật về HTX của các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đảm bảo sự tương thích về khung khổ pháp luật giữa các loại hình tổ chức kinh tế ở trong nước, nhất là Luật HTX và Luật Doanh nghiệp để tạo môi trường thể chế bình đẳng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX…

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/giu-nguyen-ten-goi-luat-hop-tac-xa-se-bao-quat-duoc-pham-vi-dieu-chinh-voi-cac-to-chuc-kinh-te-tap-the-1088090.html