Giỏi 'copy công nghệ', láng giềng Việt Nam bứt tốc: Sắp vượt qua Mỹ?

Trong cuộc đua thời thế kỷ 21, ai sẽ cán đích đầu tiên?

Mỹ lo lắng cho vị thế dẫn đầu

"SpaceX đã ký hợp đồng với NASA nhằm cung cấp hệ thống tên lửa - tàu vũ trụ Starship để đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt trăng trước Trung Quốc, nhưng sự chậm trễ trong việc cấp phép cho tên lửa Starship cất cánh thử có thể phá sản kế hoạch đó" - Bill Gerstenmaier, Phó chủ tịch phụ trách Xây dựng và Độ tin cậy của Chuyến bay của SpaceX, cảnh báo cách đây vài ngày tại một phiên điều trần ở Đồi Capitol.

Hiện tại, hệ thống phóng hạng nặng Starship cao 121 mét, nặng 5.000 tấn vẫn đang "đứng im" trên bệ phóng ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ hoàn toàn sẵn sàng cho nỗ lực phóng thử thứ hai kể từ đầu tháng 9/2023.

Điều đáng nói, SpaceX vẫn phải tiếp tục chờ phê duyệt phóng từ Cục Hàng không Liên bang (FAA), Space.com thông tin.

Hệ thống Starship (bao gồm tàu vụ trụ Starship xếp chồng trên tên lửa Super Heavy) hoàn toàn sẵn sàng trên bệ phóng ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ. Ảnh: SpaceX/PA

Trước diễn biến này, tờ SCMP đăng tải bài viết tựa đề "Tên lửa Mỹ không thể cất cánh, Trung Quốc có bước nhảy vọt trong cuộc đua lên Mặt trăng" để nói đến khả năng Trung Quốc có thể đưa người đổ bộ Mặt trăng trước Mỹ trong thế kỷ 21, trùng với lo ngại của Bill Gerstenmaier khi ông nói rằng "Chúng ta sẽ mất vị trí thống trị không gian và sẽ phải chứng kiến Trung Quốc đổ bộ lên Mặt trăng trước Mỹ".

"Không còn nghi ngờ gì nữa. Trung Quốc sẽ lên Mặt trăng trước năm 2023" - Wu Weiren - Thiết kế trưởng của Chương trình Thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc cho biết trên một bài đăng trên mạng xã hội.

NASA và các nhà phân tích không gian nhận định điều này như thế nào?

Theo các nhà quan sát không gian, ngay cả khi Starship đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý – và những rào cản kỹ thuật khiến các quan chức NASA công khai lo lắng về mức độ sẵn sàng của nó vào năm 2025 - thì Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc rất nhiều trong hành trình chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của phi hành đoàn.

Sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng của Trung Quốc có kiến trúc tương tự như Chương trình Artemis III, mới được chính phủ Trung Quốc phê duyệt vào đầu năm 2023 và đang hướng tới ngày phóng trước năm 2030.

Đó là về mặt tuyên bố. Vậy, Trung Quốc đã chuẩn bị "phần cứng" của mình như thế nào trước khi lên Mặt trăng?

NASA cho hay, Trung Quốc đang tích cực phát triển tên lửa đẩy hạng nặng để phục vụ cho tham vọng này. Trong đó có tên lửa Trường Chinh 9 và 10.

Bước đệm chính lên Mặt trăng

Trong một bài báo đăng hồi tháng 4/2023, NASA cho biết, Trung Quốc đã rất nhanh nhẹn trong việc "copy công nghệ" để phát triển phương tiện nâng siêu nặng Chang Zheng 9 (CZ-9; còn được gọi là tên lửa Trường Chinh 9 - Long March 9).

Ban đầu Trường Chinh 9 được thiết kế tương tự tên lửa SLS của NASA ("xương sống" của Chương trình Artemis), nhưng qua nhiều năm, tên lửa này được phát triển để có thể tái sử dụng một phần.

Gần đây, khi hệ thống Starship của SpaceX trở nên thực tế hơn, Trung Quốc lại thay đổi thiết kế để đưa tên lửa Trường Chinh 9 trở thành một hệ thống phóng hoàn toàn có thể tái sử dụng.

Trung Quốc hy vọng sẽ hạ cánh một phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng vào trước năm 2030. Nguồn: Nasaspaceflight

Năm 2021 - trùng với thời điểm SpaceX được NASA chọn để phát triển phiên bản tàu đổ bộ lên Mặt trăng của Starship như một phần của sứ mệnh Artemis III đã được lên kế hoạch vào cuối năm 2025 - Trung Quốc tập trung mạnh vào phát triển Trường Chinh 9.

Vào tháng 6/2021, khái niệm tên lửa đẩy không sử dụng bộ đẩy hai bên hông, lần đầu tiên được nhắc đến. Sức mạnh cho tầng đầu của tên lửa được cung cấp bởi 16 động cơ YF-135 RP-1, tạo ra lực đẩy khoảng 360 tấn mỗi động cơ. Mặc dù khả năng tái sử dụng không được đề cập trong thiết kế này nhưng nó lại xuất hiện ở bước tiếp theo.

Vào tháng 4/2022, tại một buổi thuyết trình ở Viện Công nghệ Bắc Kinh (Trung Quốc), các nhà khoa học Trung Quốc lại đề cập rằng tên lửa Trường Chinh 9 có thể tái sử dụng ít nhất một phần.

Vào khoảng thời gian này, Trung Quốc đang tập trung nâng cấp tên lửa Trường Chinh 5 lên Trường Chinh 10 - biến nó trở thành bước đệm chính lên Mặt trăng cho chương trình không gian của Trung Quốc.

Tên lửa Trường Chinh 10 là phiên bản ba lõi của Trường Chinh 5. Mỗi lõi đường kính 5 mét với số lượng động cơ bên dưới mỗi lõi tăng lên 7 động cơ YF-100K. Nhờ đó, Trường Chinh 10 có thể đưa khối lượng tới 70 tấn vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO) và lên tới 27 tấn lên Mặt trăng.

Theo các quan chức Trung Quốc, trong lần phóng thứ năm và thứ sáu của Trường Chinh 10 sẽ là chuyến bay liên quan đến việc hạ cánh của phi hành đoàn Trung Quốc đầu tiên lên Mặt trăng. Một chuyến bay sẽ chở tàu đổ bộ, trong khi chuyến còn lại sẽ chở khoang phóng và khoang quay trở về.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX với 27 động cơ siêu khủng có thể nâng gần 64 tấn lên LEO. Ảnh: SpaceX

NASA cho biết, tên lửa Trường Chinh 10 đã đi theo thiết kế của tên lửa Falcon Heavy (của SpaceX) và có vẻ giống "bước cuối cùng" trong thiết kế ccho tên lửa Trường Chinh 9.

Falcon Heavy - một trong những tên lửa hoạt động mạnh nhất thế giới - bao gồm ba lõi với tổng 27 động cơ có thể tái sử dụng, tạo ra lực đẩy tương đương với khoảng 18 máy bay 747 cất cánh cùng lúc. Falcon Heavy có thể nâng gần 64 tấn lên LEO, SpaceX.com thông tin.

Trong bản cập nhật cuối cùng mà công chúng nhận được vào ngày 21/4/2023, một ngày sau khi hệ thống Starship của SpaceX ra mắt lần đầu tiên, thiết kế của tên lửa Trường Chinh 9 đa tầng cũng được củng cố.

Tầng đầu của Trường Chỉnh 9 sẽ có 30 động cơ theo cấu hình 3-9-18, với ba động cơ là động cơ trung tâm và 18 động cơ ở vòng ngoài.

Tầng 3 của tên lửa, sử dụng động cơ YF-79, cung cấp thêm vận tốc để đẩy tàu vũ trụ vào quỹ đạo được chỉ định. Kiểu thiết kế này rất giống Starship.

Trung Quốc dự kiến ra cho ra mắt Trường Chinh 9 vào năm 2033. Trong khi đó, tên lửa siêu nặng Trường Chinh 10 dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2027.

NASA nhận định, có rất nhiều thiết kế sao chép đang diễn ra ở đây và Trung Quốc thậm chí còn không cố gắng che giấu điều đó. Nhưng đến cuối cùng, điều đó có thể mở ra cơ hội để họ bắt kịp Mỹ, hoàn thành mục tiêu mà họ mong muốn và như đã tuyên bố.

Nguồn: Nasaspaceflight, SCMP

Trang Ly

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/gioi-copy-cong-nghe-lang-gieng-viet-nam-but-toc-sap-vuot-qua-my-192231024161541717.htm