Giỏ đệm quê mùa

Hồi tiếng súng biên giới Tây Nam tạm yên, má tôi cùng với mấy cái giỏ đệm tôm khô theo tàu đò lặn lội qua tận Nam Vang để bán, sẵn thăm tía đang đóng quân bên đó. Khi về mua thêm máy cassette Nhật, xà bông Thái, tập vở… để bán kiếm thêm đồng lời. Cái giỏ đệm đan bằng cây lác ít nhiều nuôi lớn chúng tôi là vậy đó.

 Giỏ đệm ngày nay chỉ là món hàng mua bán làm quà lưu niệm, hơn là vật dụng đời thường.

Giỏ đệm ngày nay chỉ là món hàng mua bán làm quà lưu niệm, hơn là vật dụng đời thường.

Sáng nay nghe xã ấp phát động dân xài giỏ đệm bảo vệ môi trường. Giật mình nghĩ không lẽ dân mình không nghĩ ra chuyện xài giỏ đệm xưa như trái đất? Không phải, do người ta không làm thôi, bởi vì người dâm miền sông nước không ai không biết tiện ích của cái giỏ đệm. Chắc có lẽ họ thích cái hào nhoáng công nghiệp của giỏ nylon siêu thị, quên bén đi cái hồn quê nhưng cực kỳ tiện dụng của cái giỏ quê.

Đất quê tôi không ai không biết cái giỏ làm bằng lác hay cói, gọi là giỏ đệm, có nơi khác gọi giỏ cói. Lác, cói cắt về phơi khô. Từ sợi khô giòn, nhúng nước tý chút, hút đủ ẩm là dây lác sẽ rất dai khó đứt. Cái giỏ đệm ấy gắn không ít với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Mỗi khi mẹ đi chợ về, đám con nít tụi tui ùa tới tranh nhau coi có cái bánh ú, bánh cam hay món quà vặt nào trong đó. Hồi bao cấp, ở chợ nhưng lại đói. Mẹ sai về ngoại xin gạo ăn. Chừng 5 kg gạo dưới đáy, trên giỏ đệm phủ đủ thứ hằm bà lằng nào là cá khô, trái cây, rau tập tàng ở quê để ngụy trang. Vậy mà vẫn không thoát khỏi cặp mắt “soi mói” của mấy cha nội quản lý thị trường đang canh me đợi sẵn ở bến tàu. Mỗi chuyến tàu đò cặp bến mấy ổng đều bắt đổ giỏ ra kiểm tra, thấy gạo là tịch thu hết, bất kể.

Lần đó, sau một hồi năn nỉ không được, mấy ổng lấy luôn cái giỏ đệm có vài chục lon gạo. Bỏ mặc thằng tôi đứng khóc giữa bến tàu vì sợ má la. Cái tội đã làm mất nguồn lương thực nuôi cả nhà trong một tuần. Má nói, độn thêm bo bo hay khoai lang khoai mì, số gạo đó đủ nuôi gia đình cả tháng.

Tùy nhu cầu, giỏ đệm có nhiều loại từ nhỏ đến cực lớn để chứa đựng hàng hóa. Nhỏ thì mấy bà già đựng trầu cau kim chỉ, lớn chút nữa đựng đồ đi chợ của má, dì. Thương buôn thì dùng loại thật lớn đựng hàng hóa. Mấy dì, chú ở quê đi đò lên thăm bao giờ trong giỏ đệm cũng đầy tôm cua, cá đồng hay sản vật quê. Tàu chạy chút dừng, tranh thủ nhúng cái giỏ đệm xuống sông một chút. Làm bằng lác khô nên giỏ đệm giữ ẩm cực tốt. Cua biển, cá lóc, cá trê chỉ cần ẩm vậy, đã đủ chúng sống cả ngày. Cá khô, tôm khô bỏ vô giỏ đệm lớn, may miệng lại và cứ thế chuyển đi xa, không lo bị ẩm ướt. Sợi lác của giỏ đệm hút ẩm giữ khô thì khỏi nói.

Quê ngoại ở Cái Tàu, U Minh nổi tiếng nghề đan lát tre, chiếu, giỏ. Cũng như Tân Thành, Ô Rô hay nhiều nơi nước lợ, nhiễm phèn xứ Cà Mau. Cây lác mọc tự nhiên nhiều lắm, thích hợp nghề làm chiếu lác, giỏ đệm. Nên bài “ghe chiếu Cà Mau” do danh ca Út Trà Ôn hát nhiều người xứ này thuộc làu làu. Ngoại tôi đan giỏ rất đẹp, mẹ học nghề ngoại, còn tía tui gặp trong một lần trú quân, quen và mê mẹ cũng từ cái giỏ. Ngoại nói cái giỏ đệm đan không khó nhưng cực cho người đan. Phải trân trọng nó, nên thường gom những giỏ bị hỏng. Cái nào đứt quai, chuột cắn ngoại sửa vá lại dùng tiếp. Cái nào hư nặng, ngoại đổ đất trồng cây, sau một mùa mưa nắng giỏ mục. Thân giỏ lại hòa vào đất làm phân, bón cho đám hành rau mà nó từng ôm giữ.

Cái giỏ đệm gia dụng cho mấy bà nội trợ bây giờ chừng chục ngàn đồng. Xài kỹ dùng cả năm là bình thường. Hỏng vứt đi trong tự nhiên, một năm hay vài tháng đã mục nát thành phân bón hữu cơ cho cây cỏ trong vườn nhà. Giỏ siêu thị làm bằng nylon trông đẹp mắt nhưng không hẳn chứa nặng tình quê hơn cái giỏ đệm quê. Ấy mà hỏng vứt đi trong tự nhiên, chục hay trăm năm sau nghe nói nó mới phân hủy.

Hoàng Quân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292216/gio-lac-que-mua.html