Giếng nước cộng đồng ở vùng biên giới A Bung

Trong 3 năm triển khai và thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương', cán bộ các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) ở thành phố Hồ Chí Minh đã thu nhận được nhiều câu chuyện thú vị trên suốt hành trình nhân ái. Đó là hình ảnh các phụ nữ, cụ già nơi biên giới mừng vui lần giở những gói quà; các già làng, trưởng bản xúc động kể về câu chuyện mưu sinh đầy khó khăn của người dân vùng đất luôn khô hạn…

Từ ngày có giếng nước cộng đồng, bà con ở xã A Bung thuận lợi hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Ảnh: Hạnh Chi

Kỷ niệm in sâu trong ký ức của các cán bộ Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh là việc xây dựng các giếng nước cộng đồng cho người dân vùng biên giới. Còn nhớ, khi bắt đầu ý tưởng xây dựng giếng nước cộng đồng ở xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, nhiều người đã “bàn ra” bởi thực tế có nhiều đoàn thể, tổ chức đến đây khoan giếng nước sạch cho dân và thất bại. Sau khi khoan giếng không lâu, các giếng nước đều không thể hoạt động được.

Trước khó khăn ấy, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị trăn trở: Khoan giếng không được mà người dân rất khát nước sạch. Thế là thêm quyết tâm, các cán bộ Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh quyết chí phải xây dựng được giếng nước sạch cho dân. Với sự chỉ dẫn, tham mưu của cán bộ BĐBP Quảng Trị, đoàn đã xác định đúng những địa điểm người dân cần nước nhất, khô khát nhất trên biên giới.

Ngày đoàn cán bộ Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đến Quảng Trị để khảo sát việc xây dựng giếng nước và tặng bò cho nông dân ở Đakrông đúng vào đợt mưa phùn. Chị Lê Thị Lan, Trưởng ban Xây dựng tổ chức, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị áy náy: “Mưa gió vậy, các chị đi khảo sát sẽ mệt và nhiễm lạnh”. Nhưng chị Đỗ Thị Chánh và chị Trần Thị Huyền Thanh, hai Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đi cùng đoàn công tác hôm ấy quyết: “Mưa to mấy cũng phải đi! Bà con biên giới đang cần nước sạch”. Vậy là, băng mưa gió, vượt đèo dốc, đoàn hành trình vượt gần 100km từ trung tâm tỉnh Quảng Trị đến biên giới.

Có mặt tại thôn Cu Tài, xã A Bung, huyện Đakrông, các chị mặc áo mưa, xắn quần, vượt dốc cùng nhau vào tận trong thôn. Chị Huyền Thanh nói: “Càng vào thôn, chứng kiến cảnh những đứa trẻ đen đúa, mặc áo quần dơ bẩn, ẩm mốc; nhìn những phụ nữ phải đi gánh nước từ khe suối về tắm giặt, nấu cơm, chúng tôi càng xót xa cùng quyết tâm phải làm cho được cái giếng nước này”.

Theo chỉ dẫn của ông Hồ A Cậu, Trưởng thôn Cu Tài, đoàn khảo sát lần tìm mạch nước. Mất hơn một buổi mới tìm ra mạch nước. Nhìn dòng nước khoan phun lên trong vắt, mọi người trong đoàn vỡ òa, mừng rơi nước mắt.

Ở thôn La Hót, xã A Bung, ngày mưa, quanh những căn nhà sàn, nước bẩn tụ đọng, nhưng dòng suối mắc mưa đục ngầu khiến người dân của thôn không thể lấy nước về nấu nướng mà chỉ có thể dùng để rửa ráy. Nghe nói có đoàn công tác về khoan giếng cho dân, bà con chạy ra kêu lên: “Vui quá, sắp có nước sạch về rồi”. Đám trẻ con theo chân các cán bộ phụ nữ chạy vòng quanh thôn suốt buổi. Ông Hồ Xuân Thắm, Trưởng thôn La Hót lâu lâu còn phải xua tay cho trẻ nhỏ bớt bám theo đoàn. Ông cười vui: “Cả thôn khát nước mà. Nghe tin sắp có giếng, ai cũng mừng vui”.

Không chần chừ gì nữa, các cán bộ phụ nữ tỉnh Quảng Trị và thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm xây giếng nước tại đây. Thế là công trình được khởi công ngay tức khắc. Giếng ở Cu Tài sâu 80m, còn giếng tại La Hót phải đào sâu gần 120m mới trúng mạch.

Ngày đi bàn giao giếng nước, chị Hồ Thị Nhàn, Chủ tịch UBND xã A Bung rưng rưng: “Mấy ngày nay, dân các thôn khác chạy về Cu Tài và La Hót xem giếng nước”. Thật ra, các thôn trước đây cũng được khoan giếng nước sạch, nhưng do khoan cạn, nên mạch nước yếu, giờ đã bị bỏ hoang rồi. Cũng không có bồn chứa nước to như vậy, nên không có nhiều người đến lấy nước. Mấy tháng nay, dân ở đây vui lắm. Giếng nước thành nơi các chị cùng hẹn nhau mang áo quần ra giặt giũ, trò chuyện gia đình, kinh nghiệm nuôi dạy con, phòng ngừa dịch bệnh...”.

Những ngày mưa bão vừa qua, dòng Đakrông dâng lũ, những con suối đặc quánh màu bùn đất. May còn có giếng nước cộng đồng này cứu người dân. Cả tháng, người dân khắp xã A Bung đổ về giếng nước cộng đồng ở Cu Tài và La Hót để lấy nước sạch.

Hiện nay, giếng nước cộng đồng thứ ba do Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh và các nhà hảo tâm tài trợ ở thôn Ty Nê đang từng bước hoàn thiện. Nghe chúng tôi hỏi thăm công trình, bà Hồ Thị Thêu, Trưởng thôn Ty Nê hồ hởi: “Sắp xong cả rồi. Tết này, dân Ty Nê không còn cảnh đi gánh nước xa nữa!”.

Trong giai đoạn 2018-2020, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã vận động nhiều nguồn lực tích cực tham gia đồng hành với Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để chăm lo cho hội viên, phụ nữ và trẻ em các vùng biên giới, hải đảo. Hội đã tặng 114 con bò và dê giống, xây dựng 24 “Mái ấm tình thương”, 6 giếng nước cộng đồng, 40 nhà vệ sinh hợp quy cách và 100 bồn chứa nước sạch. Ngoài ra, các cấp Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 phụ nữ và trẻ em vùng biên; tặng 240 hộp y tế sơ cấp cứu cho các gia đình, 45 suất học bổng, 115 chiếc xe đạp và 2.840 phần quà cho học sinh nghèo, 4 bộ máy vi tính, quà tặng cho các đồn Biên phòng. Tổng kinh phí thực hiện chương trình từ năm 2018-2020 là hơn 5 tỷ đồng.

Hạnh Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gieng-nuoc-cong-dong-o-vung-bien-gioi-a-bung-post436093.html